Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (6/11), nối tiếp xu hướng tăng của tuần trước, với chỉ số Nasdaq đạt chuỗi tăng dài nhất kể từ tháng 1. Giá dầu thô cũng tăng sau khi có tin Saudi Arabia duy trì kế hoạch hạn chế sản lượng khai thác dầu.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 34,54 điểm, tương đương tăng 0,1%, chốt ở mức 34.095,86 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,18%, đạt 4.365,98 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,3%, đạt 13.518,78 điểm.
“Thị trường đang chững lại để nghiền ngẫm về đợt tăng rất mạnh trong tuần vừa rồi. Đây là một thị trường đang tích luỹ sau những biến động gần đây và đợi chất xúc tác tiếp theo để bứt phá. Chất xúc tác có thể là phát biểu của một quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hoặc báo cáo tài chính của các công ty niêm yết”, CEO Adam Sarhan của công ty 50 Park Investments nhận định với hãng tin CNBC.
Tính đến phiên này, Nasdaq đã có 7 phiên tăng liên tiếp, chuỗi tăng dài nhất của chỉ số kể từ tháng 1. Dow Jones và S&P 500 tăng 6 phiên liên tiếp, tương ứng dài nhất kể từ tháng 7 và tháng 6.
Tuần trước, chứng khoán Mỹ đạt thành quả tăng tốt nhất từ cuối năm ngoái. Trong đó, Dow Jones tăng 5,07%, đánh dấu tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 10/2022. S&P 500 tăng 5,85% và Nasdaq tăng 6,61%, hoàn tất tuần tăng tốt nhất của mỗi chỉ số kể từ tháng 11/2022.
Động lực tăng của thị trường trong tuần vừa rồi là kỳ vọng của nhà đầu tư rằng Fed đã hoàn tất việc tăng lãi suất của năm 2023, thậm chí có nhiều người tin ngân hàng trung ương Mỹ đã kết thúc chu kỳ tăng lãi suất. Kỳ vọng đó kéo lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm nhanh sau khi vượt 5% vào cuối tháng 10. Trước đó, việc lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ liên tục lập đỉnh của 16 năm là một nguyên nhân quan trọng khiến giới đầu tư bán tháo cổ phiếu trong quý 3.
Phiên ngày thứ Hai, lợi suất đảo ngược xu thế giảm của tuần trước. Lợi suất của kỳ hạn 10 năm có lúc tăng lên mức 4,653%, cao hơn 9 điểm cơ bản so với mức chốt tuần trước.
“Thị trường đã có một sự khởi đầu mạnh mẽ cho tháng 11, có thể nói là xứng đáng với hầu hết các chỉ báo về niềm tin của nhà đầu tư ở thời điểm này”, bà Lori Calvasina, trưởng chiến lược chứng khoán Mỹ của RBC Capital Markets, nhận định với CNBC. “Nhìn chung, quan điểm của chúng tôi trong khoảng 1 tháng qua là nếu lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ dừng tăng sớm, chứng khoán Mỹ có thể ‘thoát hiểm’ mà không sụt giảm thêm nhiều”.
Tuần này sẽ không có nhiều số liệu kinh tế Mỹ và báo cáo tài chính của doanh nghiệp niêm yết được công bố, nhưng các yếu tố thuận lợi mang tính chất mùa vụ có thể giúp thúc đẩy sự phục hồi của giá cổ phiếu.
Tháng 11 là tháng tốt nhất hàng năm của S&P 500 - theo cuốn Niên giám Nhà giao dịch cổ phiếu (Stock Traders’ Almanac). Chuyên gia Adam Turnquist của công ty LPL Financial nhấn mạnh rằng tháng 11 cũng là tháng khởi đầu cho kỳ 6 tháng có mức tăng trưởng mạnh nhất của thị trường kể từ năm 1950. Từ đó đến nay, S&P 500 mang lại mức lợi nhuận bình quân 7% trong thời gian từ tháng 11 năm trước đến hết tháng 4 năm sau.
Mùa báo cáo tài chính ở Phố Wall đang dần khép lại, khi đến hiện tại đã có hơn 400 công ty trong S&P 500 đã công bố kết quả kinh doanh quý 3. Tuần này, nhà đầu tư sẽ đón báo cáo của một số công ty lớn như Walt Disney, Wynn, MGM Resorts và Occidental Petroleum.
Một sự kiện quan trọng của tuần này là hai bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell tại hai sự kiện khác nhau.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 0,29 USD/thùng, tương đương tăng 0,34%, chốt ở mức 85,18 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,31 USD/thùng, tương đương tăng 0,4%, chốt ở 80,82 USD/thùng.
Dầu tăng giá nhờ tin Saudi Arabia và Nga xác nhận sẽ giữ nguyên kế hoạch cắt giảm sản lượng tự nguyện cho tới hết năm nay. Nguồn thạo tin tiết lộ với hãng tin Reuters rằng Saudi Arabia ngày 5/11 đã quyết định tiếp tục giữ kế hoạch cắt giảm sản lượng tự nguyện 1 triệu thùng dầu mỗi ngày trong tháng 12, duy trì sản lượng dầu ở mức khoảng 9 triệu thùng/ngày. Cùng với đó, Nga cũng tuyên bố tiếp tục cắt giảm sản lượng tự nguyện 300.000 thùng dầu mỗi ngày cho tới hết tháng 12.
“Thông tin này cho thấy Saudi Arabia tiếp tục đứng mũi chịu sào trong việc hạn chế nguồn cung để đẩy giá dầu lên”, nhà quản lý quỹ John Kilduff của Again Capital LLC nhận định với Reuters.
Theo chiến lược gia Giovanni Staunovo của ngân hàng UBS, việc cắt giảm sản lượng dầu có thể được kéo dài sang quý 1/2024 vì “sự suy yếu mang tính chất thời vụ của nhu cầu tiêu thụ dầu vào đầu năm, mối lo về tăng trưởng kinh tế, và mục đích của các nước sản xuất dầu nhằm ổn định thị trường”.
Tuần trước, giá dầu Brent và WTI giảm khoảng 6% mỗi loại, khi nhà đầu tư không còn lo lắng nhiều về nguy cơ gián đoạn nguồn cung dầu do chiến tranh Israel-Hamas.