March 24, 2023 | 07:27 GMT+7

Chứng khoán Mỹ tăng điểm, giá dầu giảm 1%

Bình Minh -

Sắc xanh của thị trường Mỹ bù lại sắc đỏ của thị trường châu Âu, đưa thị trường toàn cầu tăng trong phiên này...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (23/3), đưa thị trường toàn cầu tăng theo, khi nhà đầu tư hy vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có thể dừng tăng lãi suất trong cuộc họp tiếp theo. Giá dầu giảm do lo ngại về khả năng nguồn cung nhiều hơn nhu cầu.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 0,23%, đạt 32.105,25 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,3%, đạt 3.948,72 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 1,01%, đạt 11.787,4 điểm.

Sắc xanh của thị trường Mỹ bù lại sắc đỏ của thị trường châu Âu, đưa thị trường toàn cầu tăng trong phiên này. Ở châu Âu, nhà đầu tư lo ngại sau khi cả Thuỵ Sỹ, Na Uy và Anh cùng tăng lãi suất - dấu hiệu cho thấy chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ kéo dài 1 năm qua vẫn chưa kết thúc.

Động thái tăng lãi suất của ba ngân hàng trung ương này diễn ra chỉ một ngày sau khi Fed có đợt tăng lãi suất lần thứ 9 trong vòng 1 năm, trong bối cảnh giới đầu tư còn chưa “hoàn hồn” sau đợt bán tháo vào tuần trước vì cuộc khủng hoảng ngân hàng ở Mỹ và Thuỵ Sỹ. Các chỉ số đo giá cổ phiếu ở Phố Wall đã “đỏ lửa” trong phiên ngày thứ Tư sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell tái khẳng định cam kết chống lạm phát, dù để ngỏ khả năng dừng tăng lãi suất trong thời gian sớm.

Lạm phát đang ở trong trạng thái cao dai dẳng ở cả Mỹ và châu Âu. Sau vài tháng xuống thang, chỉ số giá tiêu dùng tại Mỹ và Anh đều đã tăng tốc trở lại vào đầu năm nay. Thống kê công bố hôm thứ Tư cho thấy giá tiêu dùng ở Anh tăng 10,4% trong tháng 2 so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu tháng tăng đầu tiên sau 3 tháng giảm liên tiếp. Đó là lý do khiến các nhà chức trách tiếp tục tăng lãi suất trong tuần này, bất chấp những đổ vỡ gần đây trong hệ thống ngân hàng.

Ngân hàng Trung ương Thuỵ Sỹ (SNB) ngày thứ Năm tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm; Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) tăng 0,25 điểm phần trăm.

Nhà quản lý quỹ Stephen Innes thuộc SPI Asset Management cho rằng nhà đầu tư đang đặt cược rằng dù Fed cam kết chống lạm phát, có khả năng “Fed đang run và sẽ giảm ga”.

“Lịch sử hiện đại cho thấy mỗi khi Fed dừng tăng lãi suất, thị trường chứng khoán sẽ rất có lợi”, ông Innes nói với hãng tin Reuters.

Phản ánh kỳ vọng lãi suất suy yếu, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm giảm về mức 3,8267%, từ mức 3,981% đóng cửa phiên ngày thứ Tư. Lợi suất của trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm còn 3,4173%, từ mức 3,5% của phiên trước.

Chỉ số Stoxx 600 của chứng khoán châu Âu đóng cửa với mức giảm 0,21%, dẫn đầu là nhóm cổ phiếu ngân hàng với mức giảm 2,53%. Chỉ số MSCI All-World của chứng khoán thế giới tăng 0,54%.

Phát biểu hôm thứ Tư sau khi Fed họp xong, ông Powell nói dù lạm phát vẫn là một vấn đề, những sức ép gần đây trong hệ thống ngân hàng có thể gây ra hiệu ứng quan trọng trong nền kinh tế Mỹ, qua đó làm giảm sự cần thiết của tăng lãi suất. Giới đầu tư đang tính đến hai khả năng, một là Fed dừng tăng lãi suất ngay từ tháng 5, hai là tăng thêm 0,25 điểm phần trăm vào tháng 5 rồi dừng.

Thị trường lãi suất tương lai ở Mỹ đang phản ánh khả năng 65% Fed dừng tăng lãi suất trong cuộc họp tiếp theo vào tháng 5. Khả năng Fed tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm là 35%.

Nói về quyết định tăng lãi suất ngày 23/3 của BOE, Giám đốc đầu tư John Leiper của Titan Asset Management nói rằng động thái này không gây ngạc nhiên, xét tới mức lạm phát cao của Anh trong tháng 2. “Chúng tôi nghĩ BOE còn tăng lãi suất”, ông nhận định và cảnh báo về một cuộc suy thoái kinh tế có thể xảy ra.

Ông Joachim Nagel, một quan chức Đức là thành viên ra quyết định lãi suất trong Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), nói rằng khu vực Eurozone “đang tiến gần tới trạng thái thắt chặt” - chỉ mức lãi suất gây suy yếu tăng trưởng kinh tế. “Tôi không biết là chúng tôi còn cách đó bao xa. Nhưng tôi biết rằng khi đạt tới trạng thái đó, chúng tôi cần duy trì ở đó và không sớm giảm lãi suất”, ông Nagel nói.

Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London giảm 0,78 USD/thùng, tương đương giảm 1%, còn 75,91 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 0,94 USD/thùng, tương đương giảm 1,3%, còn 69,96 USD/thùng.

Dầu đã tăng giá và đầu phiên giao dịch nhưng quay đầu giảm sau khi Bộ trưởng Bộ Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm nói rằng việc làm đầy lại dự trữ dầu lửa chiến lược (SPR) có thể mất vài năm. Phát biểu này của vị Bộ trưởng làm gia tăng lo ngại về sự dư thừa nguồn cung, nhất là khi Bộ Năng lượng Mỹ có kế hoạch xa thêm 26 triệu thùng dầu ra thị trường theo nhiệm vụ mà Quốc hội giao - theo nhà phân tích Giovanni Staunovo của ngân hàng UBS.

Giá dầu vẫn đang được hỗ trợ bởi nhu cầu khởi sắc ở Trung Quốc sau khi nước này mở cửa trở lại. Một báo cáo của ngân hàng Goldman Sachs nói rằng nhu cầu hàng hoá cơ bản của Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, đang tăng mạnh. Trong đó, nhu cầu dầu của nước này đã vượt 16 triệu thùng/ngày. Goldman Sachs dự báo giá dầu Brent sẽ đạt mức 97 USD/thùng trong quý 2/2024.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate