May 02, 2025 | 08:33 GMT+7

Chứng khoán Mỹ tăng điểm nhờ cổ phiếu Big Tech, giá dầu đi lên sau tin Iran

Bình Minh -

Dư địa tăng của chứng khoán Mỹ trong phiên này bị hạn chế do số liệu kinh tế vĩ mô tiếp tục xấu hơn dự báo...

Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (1/5), khi kết quả kinh doanh khả quan của 2 công ty công nghệ vốn hóa lớn giúp xoa dịu mối lo rằng biến động kinh tế có thể làm chậm lại tiến trình phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI). Giá dầu cũng tăng do Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thêm biện pháp trừng phạt mới lên Iran.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 83,6 điểm, tương đương tăng 0,21%, chốt ở mức 40.752,96 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,63%, đạt 5.604,14 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 1,52%, đạt 17.710,74 điểm.

Đến phiên này, Nasdaq đã lấy lại toàn bộ phần điểm số bị mất sau khi ông Trump công bố kế hoạch thuế quan đối ứng vào hôm 2/4. S&P 500 hiện vẫn còn thấp hơn một chút so với thời điểm đó.

Gần đây, nhà đầu tư lo ngại rằng thuế quan và nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ có thể đe dọa xu hướng giá lên của cổ phiếu AI. Tuy nhiên trong phiên này, mối lo đó đã dịu đi sau khi Meta Platforms - công ty mẹ của mạng xã hội Facebook - công bố kết quả kinh doanh quý 1/2025 tốt hơn so với dự báo. Sự lạc quan tăng thêm sau khi CEO Mark Zuckerberg của Meta nói trong một cuộc điện đàm với các nhà phân tích rằng công ty “đang ở vị thế tốt để vượt qua tình trạng bất định kinh tế vĩ mô”.

Một Big Tech khác là Microsoft công bố báo cáo tài chính với doanh thu và lợi nhuận đều tốt hơn dự báo. Công ty dự báo đầu tư cơ bản sẽ tăng lên do việc mở rộng năng lực cơ sở dữ liệu và nhận định rằng “công nghệ đám mây và AI có thể là những đầu vào quan trọng để bất kỳ doanh nghiệp nào tăng đầu ra, giảm chi phí, và đẩy mạnh tăng trưởng”.

Những thông tin khả quan này đưa cổ phiếu Microsoft chốt phiên với mức tăng 7,6% và Meta tăng 4,2%. Trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500, công nghệ là nhóm trội nhất phiên này, ghi nhận mức tăng hơn 2%.

“Hầu như không có nhóm cổ phiếu nào thực sự miễn nhiễm với tác động của thuế quan và chiến tranh thương mại, nhưng cổ phiếu AI là nhóm ít bị ảnh hưởng hơn so với những gì mà nhà đầu tư dự báo. Chúng ta đang ở vào giai đoạn đầu của một đường cong tăng trưởng rất dốc của hạ tầng AI”, nhà quản lý danh mục Jed Ellerbroek của công ty quản lý quỹ Argent Capital Management nhận định với hãng tin CNBC.

Dư địa tăng của chứng khoán Mỹ trong phiên này bị hạn chế do số liệu kinh tế vĩ mô tiếp tục xấu hơn dự báo. Theo báo cáo hàng tuần của Bộ Lao động Mỹ, số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tuần qua là 241.000 người, cao hơn dự báo 225.000 người mà các nhà phân tích đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones.

Dữ liệu này làm gia tăng mối lo ngại về sức khỏe kinh tế Mỹ sau khi báo cáo ngày thứ Tư của Bộ Thương mại nước này cho thấy sự sụt giảm của tổng sản phẩm trong nước (GDP). Trong quý 1, GDP được hiệu chỉnh theo các yếu tố mùa vụ để phản ánh biến động theo kỳ 1 năm giảm 0,3%, trong khi dự báo mà giới chuyên gia đưa ra trong một cuộc khảo sát của Dow Jones là tăng 0,4%.

Tuy nhiên, phiên ngày thứ Năm đánh dấu một sự khởi đầu tốt cho tháng 5, sau khi thị trường trải qua một tháng 4 đầy sóng gió. S&P 500 giảm 0,8% trong tháng 4 và đã có thời điểm rơi vào trạng thái thị trường đầu cơ giá xuống trong tháng. Dow Jones giảm 3,2% trong tháng 4, trong khi Nasdaq ghi nhận mức tăng tháng 0,9%.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 1,07 USD/thùng, tương đương tăng 1,75%, chốt ở mức 62,13 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 1,03 USD/thùng, tương đương tăng 1,77%, đạt 59,24 USD/thùng.

Dầu tăng giá sau khi ông Trump tuyên bố bất kỳ quốc gia hay tổ chức, cá nhân nào mua dầu hoặc các sản phẩm hóa dầu từ Iran.

Trước đó, giá dầu đã đương đầu áp lực giảm mạnh trong những phiên gần đây do lo ngại nguồn cung tăng. Theo tiết lộ của nguồn thạo tin với hãng tin Reuters, Saudi Arabia nói với các nước đồng minh rằng Riyadh không còn muốn hỗ trợ giá dầu bằng cách cắt giảm sản lượng nữa và có thể vượt qua một thời kỳ giá dầu thấp kéo dài.

Nguồn thạo tin cũng nói rằng trong cuộc họp sản lượng dự kiến diễn ra vào ngày 5/5 của OPEC+, một số thành viên sẽ đề xuất đẩy nhanh việc tăng sản lượng trong tháng 6. OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối gồm Nga.

Bên cạnh đó, những số liệu kinh tế Mỹ ảm đạm gần đây cũng là một nguồn áp lực giảm đối với giá dầu. Trong tháng 4, giá dầu Brent và dầu WTI giảm tương ứng 15% và 18%, đánh dấu tháng thảm mạnh nhất kể từ tháng 11/2021.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate