Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (22/11) khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ có thời điểm giảm xuống mức thấp nhất 2 tháng. Phiên này là sự nối tiếp xu hướng đi lên mạnh mẽ của giá cổ phiếu ở Phố Wall trong tháng 11 và diễn ra trước khi thị trường bước vào kỳ nghỉ lễ Tạ ơn vào ngày thứ Năm.
Giá dầu thô đi xuống sau khi có tin cuộc họp về chính sách sản lượng của nhóm OPEC+ được hoãn 4 ngày.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 184,74 điểm, tương đương tăng 0,53%, chốt ở mức 35.273,03 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,41%, đạt 4.556,62 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,46%, đạt 14.265,86 điểm.
Cổ phiếu tăng giá trên diện rộng, khi có hơn một nửa số mã niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán New York (NYSE) chốt phiên trong trạng thái xanh. Nasdaq - chỉ số với cổ phiếu công nghệ chiếm đa số - thậm chí có tỷ trọng tăng lớn hơn, với 62% số cổ phiếu thành viên đạt thành quả tăng trong phiên này.
Động lực cho xu hướng tăng điểm từ đầu tháng tới nay của chứng khoán Mỹ là kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã có thể chấm dứt việc tăng lãi suất và bắt đầu cắt giảm lãi suất sớm hơn trong năm 2024. Kỳ vọng này được củng cố vào tuần trước, sau khi các số liệu thống kê cho thấy lạm phát ở Mỹ giảm nhanh hơn dự báo.
Dịch chuyển trong kỳ vọng của nhà đầu tư về lãi suất khiến lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm, giải toả bớt áp lực giảm điểm đối với thị trường cổ phiếu. Trong quý 3 năm nay, chứng khoán Mỹ bị bán tháo một phần do sức ép từ đà tăng mạnh của lợi suất.
Trong phiên sáng ngày thứ Tư tại thị trường New York, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm có lúc giảm còn 4,369%, mức thấp nhất kể từ ngày 22/9. Sau đó, lợi suất tăng trở lại mức 4,41% vào cuối phiên giao dịch, hầu như không có thay đổi so với phiên trước đó. Hiện tại, lợi suất của kỳ hạn 10 năm đã giảm nhiều sau khi vượt mốc 5% lần đầu tiên trong 16 năm vào tháng 10 vừa qua.
Biên bản cuộc họp chính sách tiền tệ tháng 11 được Fed công bố vào ngày thứ Ba cho thấy ngân hàng trung ương này chủ trương giữ lãi suất ở trạng thái thắt chặt và không đưa ra tín hiệu nào về việc sớm cắt giảm lãi suất. Dù vậy, nhà đầu tư vẫn lạc quan với niềm tin rằng Fed sẽ không tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 12 - theo dữ liệu trên thị trường lãi suất tương lai.
Nếu tính từ đầu tháng, Nasdaq đã tăng 11% - mức tăng mạnh nhất trong 3 chỉ số, cho thấy cổ phiếu công nghệ là nhóm chịu sự chi phối nhiều nhất của biến động kỳ vọng lãi suất. Dow Jones tăng gần 7% trong tháng này, trong khi S&P 500 tăng hơn 8%.
“Tôi nghiêng về khả năng đợt tăng này có thể duy trì một thời gian nữa. Cơ hội Fed mang tới một cuộc hạ cánh mềm cho nền kinh tế đang tăng lên, khi lạm phát tiếp tục giảm. Trong bối cảnh như vậy, khi chúng ta bước sang năm 2024, tôi cho rằng thị trường sẽ tăng tốt”, chiến lược gia Charlie Ripley của công ty quản lý đầu tư Allianz Investment Management nói với hãng tin CNBC.
Phiên ngày thứ Năm, thị trường Mỹ đóng cửa nghỉ lễ Tạ ơn, tiếp đó sẽ giao dịch trở lại trong phiên ngày thứ Sáu nhưng đóng cửa sớm.
Giá dầu thô Brent giao tháng 1/2024 tại London giảm 0,49 USD/thùng, tương đương giảm 0,59%, chốt ở mức 81,96 USD/thùng. Giá dầu WTI giao tháng 1 tại New York giảm 0,67 USD/thùng, tương đương giảm 0,86%, còn 77,1 USD/thùng.
Dầu giảm giá sau khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh ngoài khối, tức liên minh OPEC+, tuyên bố hoãn cuộc họp sản lượng dự kiến diễn ra vào cuối tuần này. Có thời điểm, giá dầu WTI giảm khoảng 5% trước khi hồi lại vào cuối phiên.
Theo kế hoạch mới của OPEC, cuộc họp sản lượng sẽ diễn ra vào ngày thứ Năm tuần tới, thay vì vào ngày Chủ nhật này. OPEC không nói lý do hoãn họp nhưng nguồn thạo tin tiết lộ với hãng tin Bloomberg rằng đó là do Saudi Arabia chưa thuyết phục được Angola và Nigeria chấp nhận mức sản lượng mục tiêu thấp hơn.
Gần đây, giới giao dịch đồn đoán OPEC+ có thể đưa ra quyết định giảm sản lượng khai thác dầu sâu hơn nữa trong lần họp này. Điều này là một nguồn động lực đưa giá dầu hồi phục trong một số phiên giao dịch vừa qua. Trước đó, giá dầu đã giảm mạnh từ mức đỉnh của tháng 9 do lo ngại về triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu, nhất là nhu cầu của Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai và nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.
“Thực tế này làm suy yếu nỗ lực của Saudi Arabia nhằm đưa giá dầu trở lại vùng trên 100 USD/thùng”, nhà phân tích John Kilduff của Again Capital nói với CNBC.
Số liệu của Mỹ công bố ngày thứ Tư cho thấy một bức tranh không có lợi đối với giá dầu. Theo báo cáo từ Cơ quan Thông tin năng lượng (EIA) thuộc Bộ Năng lượng Mỹ, sản lượng dầu thô của nước này đang ở mức khoảng 13,2 triệu thùng/ngày, cao kỷ lục và tăng 1,1 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm ngoái.
Tồn kho dầu thô của Mỹ, không bao gồm dự trữ chiến lược, tăng 8,7 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 17/11. Trong khi đó, nhu cầu xăng giảm 469.000 thùng.
Ông Kilduff nói giá dầu WTI có thể thử thách mốc 70 USD/thùng và thậm chí giảm về cận dưới của vùng 60-70 USD/thùng, nhất là trong trường hợp mùa đông ở bán cầu Bắc không lạnh sâu.
Về phần mình, OPEC+ đã giảm sản lượng với mức cắt giảm 5,16 triệu thùng/ngày từ năm 2022. Trong đó có 3,66 triệu thùng/ngày là lượng cắt giảm của toàn liên minh và 1,5 triệu thùng/ngày là lượng cắt giảm sản lượng tự nguyện của Saudi Arabia và Nga.
Dù sản lượng dầu được cắt giảm như vậy, giá dầu Brent đã tụt dưới 80 USD/thùng trong những tuần gần đây. Ngân hàng Goldman Sachs dự báo OPEC sẽ dùng sức mạnh của mình để giữ giá dầu Brent trong khoảng 80-100 USD/thùng.
Nhiều nhà phân tích cho rằng OPEC+ sẽ duy trì mức hạn chế sản lượng hiện nay sang năm 2024, thậm chí có thể giảm sâu hơn nữa. OPEC cho rằng giới đầu cơ là nguyên nhân khiến giá dầu thô giảm gần đây, còn các yếu tố nền tảng của thị trường vẫn đang mạnh. Nhưng nhà phân tích Tamas Varga của PVM Oil cho rằng nhà đầu tư không mấy tin tưởng đánh giá này của OPEC.
“Nhà đầu tư không thực sự tin rằng trong quý 4 năm nay vào quý 1-2/2024, thị trường dầu sẽ thắt chặt như dự báo của OPEC”, ông Varga nhận định.