Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (8/11), kéo dài chuỗi phiên tăng dài nhất trong vòng 2 năm trở lại đây. Trong khi đó, giá dầu “bốc hơi” thêm 3%, khi nỗi lo về nhu cầu tiếp tục ám ảnh tâm trí nhà đầu tư.
Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 tăng 0,1%, chốt ở mức 4.382,78 điểm, đánh dấu phiên tăng thứ 8 liên tiếp, bằng chuỗi phiên tăng ghi nhận vào tháng 11/2021.
Chỉ số Nasdaq đã có phiên tăng thứ 9 liên tiếp, với mức tăng 0,08%, đạt 13.650,41 điểm. Đây cũng là chuỗi phiên tăng dài nhất của chỉ số này trong 2 năm.
Riêng chỉ số Dow Jones giảm 40,33 điểm, tương đương giảm 0,12%, còn 34.112,27 điểm. Trước đó, chỉ số này đã có 7 phiên tăng liên tiếp, chuỗi tăng dài nhất kể từ tháng 7.
Động lực cho đợt tăng này của chứng khoán Mỹ là kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã hoàn tất chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ.
“Thị trường bắt đầu chuẩn bị cho kịch bản Fed dừng tăng lãi suất ở đây và nền kinh tế Mỹ có thể hạ cánh mềm. Cổ phiếu đã bị bán quá mức trong khoảng 2 tháng qua, và giờ là lúc để hồi phục”, chiến lược gia trưởng Anthony Saglimbene của Ameriprise nhận định. Cũng theo ông Saglimbene, các số liệu lạm phát và kinh tế vĩ mô khác sắp tới sẽ ảnh hưởng tới khả năng duy trì xu hướng tăng của thị trường, nhưng cho tới thời điểm này, dòng dữ liệu đang cho thấy nền kinh tế có giảm tốc nhưng không sụt tốc.
Mùa báo cáo tài chính quý 3/2023 ở Phố Wall đang dần khép lại, với khoảng 88% số công ty trong S&P 500 đã công bố báo cáo tính đến thời điểm này, trong đó hơn 88% đạt lợi nhuận tốt hơn dự báo. Tuy nhiên, do nhu cầu suy yếu, chỉ có 62% đạt doanh thu vượt dự báo, và nhiều công ty đưa ra triển vọng kinh doanh thận trọng cho thời gian tới.
Kỳ vọng về việc Fed đã hoàn tất chu kỳ tăng lãi suất được phản ánh trong xu hướng giảm của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ. Phiên ngày thứ Tư, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm 6,2 điểm cơ bản, chốt phiên sát 4,5% - mốc được xem là một đáy mới, sau khi lợi suất vượt 5% lần đầu tiên sau 16 năm vào cuối tháng trước.
Tỷ giá đồng USD cũng giảm do áp lực từ kỳ vọng về lãi suất, với chỉ số Dollar Index chốt phiên ở mức 105,5 điểm, từ mức 105,6 điểm của phiên trước. Trong vòng 1 tháng trở lại đây, chỉ số đã giảm gần 1%.
Một số chuyên gia cảnh báo nhà đầu tư không nên lạc quan quá mức về chính sách của Fed, vì dù đã dừng tăng lãi suất, Fed vẫn có thể giữ lãi suất cao hơn lâu hơn do lạm phát còn cao so với mục tiêu 2%. “Việc Fed có thể không phải tăng lãi suất thêm nữa đang khiến mọi người hưng phấn, nhưng điều đó liệu có nghĩa là Fed sẽ giảm nhanh lãi suất hay không? Còn quá sớm để kết luận”, chiến lược gia Marvin Loh của State Street nhận định với hãng tin Reuters.
Trong bài phát biểu ngày thứ Tư tại hội nghị về thống kê của Fed, Chủ tịch Fed Jerome Powell không đề cậpd dến chính sách tiền tệ hay triển vọng kinh tế. Thị trường đang hướng sự chú ý tới một bài phát biểu khác của ông Powell vào ngày thứ Năm, và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 dự kiến công bố vào tuần tới.
Trên thị trường lãi suất tương lai, các nhà giao dịch đang đặt cược khả năng 50% Fed có đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên với mức giảm ít nhất 0,25 điểm phần trăm ngay vào tháng 5/2024. Tuần trước, khả năng này là 41%. Tuy nhiên, các đặt cược cũng cho thấy lãi suất của Fed có thể giữ trên mức 5% cho tới hết tháng 6/2024, từ mức hiện nay là 5,25-5,5%.
“Thị trường đúng khi cho rằng lãi suất đã đạt đỉnh. Nhưng với khẩu hiệu lãi suất cao hơn lâu hơn của Fed, ít có khả năng Fed sớm cắt giảm lãi suất”, chiến lược gia trưởng Rhys Williams của công ty Sprouting Rock Asset Management nhận định.
Dù sao, kỳ vọng mới về lãi suất cũng đã đưa chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh trong tháng 11 này, với mức tăng từ đầu tháng của S&P 500 đến nay đã đạt 4,5%. Nasdaq và Dow Jones tăng tương ứng 6,2% và 3,2%.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 2,07 USD/thùng, tương đương giảm 2,54%, còn 79,54 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 2,04 USD/thùng, tương đương giảm 2,64%, còn 75,33 USD/thùng.
Đây là mức giá đóng cửa thấp nhất của cả hai loại dầu kể từ giữa tháng 7.
Mối lo về rủi ro gián đoạn nguồn cung dầu Trung Đông do chiến tranh Israel-Hamas dường như không còn chi phối thị trường dầu. Thay vào đó, giới đầu tư đang lo ngại về khả năng suy giảm nhu cầu tiêu thụ năng lượng do triển vọng kinh tế toàn cầu xấu đi.
“Rõ ràng là thị trường đang bớt lo về nguy cơ gián đoạn nguồn cung dầu từ Trung Đông, và chuyển sang chú ý nhiều hơn để sự nới lỏng cân bằng cung-cầu”, một báo cáo của ngân hàng ING nhận định.
Số liệu từ Trung Quốc mới đây cho thấy xuất khẩu của nước này giảm mạnh hơn dự báo. Tại eurozone, doanh thu bán lẻ cũng yếu đi, gia tăng khả năng xảy ra một cuộc suy thoái kinh tế.
“Sự sụt giảm của giá dầu gần đây nói lên hai điều. Thứ nhất là mối lo về nền kinh tế toàn cầu sau những số liệu ảm đạm về kinh tế Trung Quốc. Và thứ hai là niềm tin rằng chiến tranh ở Gaza sẽ không ảnh hưởng đến nguồn cung dầu”, nhà phân tích Phil Flynn của Prices Futures Group nói với Reuters.
Trong một báo cáo, ngân hàng Barclays hạ dự báo giá dầu Brent năm 2024 còn 93 USD/thùng, thấp hơn 4 USD/thùng so với lần dự báo trước.