Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (2/11), khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm nhờ niềm lạc quan của nhà đầu tư rằng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã hoàn tất việc tăng lãi suất trong năm 2023. Đây cũng là động lực nhờ đưa giá dầu bật tăng trở lại sau mấy phiên giảm liên tiếp vì nỗi lo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Lúc đóng cửa chỉ số S&P 500 tăng 1,89%, đạt 4.317,78 điểm, đánh dấu phiên tăng mạnh nhất kể từ tháng 4 và lần đầu tiên kể từ tháng 1 đến nay chỉ số tăng hơn 1% trong hai phiên liên tiếp.
Chỉ số Dow Jones tăng 564,5 điểm, tương đương tăng 1,7%, mạnh nhất kể từ tháng 6, đạt 33.839,08 điểm. Chỉ số Nasdaq có phiên tăng mạnh nhất kể từ tháng 7, với mức tăng 1,78%, chốt ở 13.249,19 điểm.
Sắc xanh phủ khắp các bảng giao dịch điện tử, với toàn bộ 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500 chốt phiên trong trạng thái tăng. Dẫn đầu phiên tăng này là hai nhóm năng lượng và bất động sản, cùng đạt mức tăng 3,1%.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm nối tiếp đà giảm của những phiên gần đây, mất khoảng 12 điểm cơ bản, còn 4,668%. Cuối tháng trước, mối lo lãi suất cao hơn lâu hơn và khả năng Fed còn tăng lãi suất trong năm nay đã đẩy lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm vượt ngưỡng nhạy cảm 5% lần đầu tiên sau 16 năm.
Các báo cáo thống kê công bố ngày thứ Năm cho thấy áp lực lạm phát ở Mỹ dịu đi và thị trường lao động bớt thắt chặt. Những dữ liệu này giúp nhà đầu tư càng tin tưởng rằng Fed sẽ không tăng thêm lãi suất, ít nhất là trong năm nay, dù triển vọng Fed giữ lãi suất cao hơn lâu hơn vẫn còn đó.
Số liệu từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần trước tăng nhẹ lên mức 217.000, một con số cao hơn dự báo. Sau báo cáo này, thị trường sẽ đón nhận số liệu việc làm tổng thể của tháng 10 dự kiến công bố vào ngày thứ Sáu.
Hôm thứ Tư, Fed ra quyết định giữ nguyên lãi suất lần thứ hai liên tiếp ở mức 5,25-5,5%. Kết quả cuộc họp này của Fed đã đưa chứng khoán Mỹ và toàn cầu tăng điểm mạnh trong phiên giao dịch cùng ngày.
“Đây là một sự bật ngược trở lại sau khoảng thời gian mấy tháng quá tồi tệ trên cả thị trường cổ phiếu và trái phiếu. Cuộc họp của Fed đã đi qua. Giờ đây, nhà đầu tư có thể chờ đợi những số liệu kinh tế tiếp theo để xác định liệu Fed đã kết thúc hoàn toàn việc tăng lãi suất hay chưa”, giám đốc đầu tư Megan Horneman của công ty Vendence Capital Advisors nhận định với hãng tin CNBC.
Tuy nhiên, bà Horneman cũng lo ngại nhà đầu tư có thể đang lạc quan quá mức vì Chủ tịch Fed Jerome Powell hôm thứ Tư có lưu ý rằng ông không loại trừ khả năng tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 12.
“Tôi cho rằng tình hình lạm phát sẽ còn biến động. Một vấn đề khiến tôi thấy lo là lạm phát rất dễ ‘bốc đầu’ trở lại’”, bà Hornetman nói.
Tính từ đầu tuần, S&P 500 đã tăng khoảng 4,9%; Dow Jones tăng 4,4%; và Nasdaq tăng hơn 5%.
Giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 2,22 USD/thùng, tương đương tăng 2,6%, chốt ở 86,85 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 2,23 USD/thùng, tương đương tăng 2,8%, chốt ở 82,67 USD/thùng.
Trước phiên tăng này, giá dầu đã giảm 3 phiên liên tiếp. “Vàng đen” là một trong những tài sản được mua mạnh trở lại khi tâm lý ham thích rủi ro trên thị trường tài chính gia tăng nhờ nỗi lo về lãi suất dịu đi.
“Nếu Fed dừng tăng lãi suất ở đây, thì giá dầu sắp tìm thấy đáy rồi”, nhà phân tích Phil Flynn của Price Futures Group nhận định.
Không chỉ Fed mà một loạt ngân hàng trung ương lớn khác như Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng đã tạm dừng việc tăng lãi suất. Tháng trước, ECB dừng nâng lãi suất ở mức 4% sau 10 lần tăng liên tiếp. Ngày thứ Năm, BOE cũng lần thứ hai liên tiếp giữ nguyên lãi suất ở 5,25%, cao nhất 15 năm.
Về phía nguồn cung, Saudi Arabia dự kiến sẽ duy trì kế hoạch cắt giảm sản lượng tự nguyện 1 triệu thùng/ngày cho tới hết tháng 12 - nguồn thạo tin tiết lộ với hãng tin Reuters.
Trong khi đó, chiến sự ở dải Gaza giữa Israel với lực lượng Hamas của Palestine vẫn diễn biến căng thẳng, đặt ra rủi ro về sự gián đoạn nguồn cung dầu từ Trung Đông.