Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (14/8), đánh dấu phiên tăng thứ 5 liên tiếp, sau khi số liệu thống kê mới nhất cho thấy lạm phát tiếp tục xuống thang. Giá dầu thô giảm do lượng dầu tồn trữ của Mỹ tăng và nhà đầu tư bớt lo ngại về nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh trên diện rộng ở Trung Đông.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 242 điểm, tương đương tăng 0,61%, chốt ở mức 40.008,39 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,38%, đạt 5.455,21 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,03%, đạt 17.192,6 điểm.
Theo báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) toàn phần của nước này tăng 2,9% trong tháng 7 so với cùng kỳ năm ngoái, giảm tốc từ mức tăng 3% trong tháng 6 và là mức tăng thấp nhất kể từ tháng 3/2021. So với tháng 6, CPI tháng 7 tăng 0,2%.
Trong một cuộc khảo sát trước đó của hãng tin Dow Jones, các nhà phân tích dự báo CPI toàn phần tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 0,2% so với tháng trước.
CPI lõi, thước đo đã loại trừ hai nhóm hàng hóa có nhiều biến động là thực phẩm và năng lượng, tăng 0,2% trong tháng 7 so với tháng 6. Mức tăng này cũng phù hợp với dự báo.
Hôm thứ Ba, Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) cho thấy lạm phát bán buôn yếu hơn dự báo.
Những dữ liệu này được xem là sự xác nhận tương đối chắc chắn rằng tiến trình giảm lạm phát đang tiếp tục diễn ra ở Mỹ, mở đường cho Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tiến tới cắt giảm lãi suất vào tháng 9 năm nay.
“Báo cáo CPI ngày hôm nay không đến mức dịu như báo cáo PPI của ngày hôm qua, nhưng những con số phù hợp với dự báo trong báo cáo CPI có lẽ sẽ không gây ra những sóng gió mới. Câu hỏi chính bây giờ là liệu Fed sẽ giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm hay 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng tới”, Giám đốc phụ trách giao dịch và đầu tư của công ty E-Trade thuộc ngân hàng Morgan Stanley, ông Chris Larkin, nhận định với hãng tin CNBC.
Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, các nhà giao dịch trên thị trường lãi suất tương lai đang đặt cược khả năng 50-50 Fed hạ lãi suất 0,25 điểm phần trăm hoặc 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 9. Thị trường cũng tin rằng từ nay đến cuối năm, Fed sẽ giảm lãi suất tổng cộng ít nhất 1 điểm phần trăm.
“Nếu các số liệu thống kê trong 5 tuần tới cho thấy một nền kinh tế giảm tốc, Fed có thể sẽ giảm lãi suất mạnh tay hơn”, ông Larkin phát biểu.
Đến phiên này, cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều đã đóng cửa trên mức điểm chốt của phiên ngày 2/8, thời điểm trước khi thị trường chứng khoán toàn cầu bán tháo hôm 5/8. Nguyên nhân chính của cuộc bán đổ bán tháo cổ phiếu và các tài sản khác được cho là việc nhà đầu tư đảo ngược giao dịch chênh lệch lãi suất (carry-trade) đồng yên Nhật và lo ngại về khả năng kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái.
“Dù rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế Mỹ đã tăng lên, chúng tôi tin rằng thị trường đã phản ứng quá mức với một vài điểm dữ liệu yếu. Triển vọng kinh tế vĩ mô thực ra chưa có thay đổi lớn nào cả”, Giám đốc đầu tư Gargi Chaudhuri của công ty quản lý quỹ BlackRock nhận xét.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 0,93 USD/thùng, tương đương giảm 1,15%, chốt ở mức 79,76 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 1,37 USD/thùng, tương đương giảm 1,8%, chốt ở mức 76,98 USD/thùng.
Dầu tụt giá sau khi báo cáo hàng tuần từ Bộ Năng lượng Mỹ cho thấy lượng dầu thô tồn trữ của Mỹ bất ngờ tăng 1,4 triệu thùng trong tuần trước, thay vì giảm 2,2 triệu thùng như dự báo. Đây là tuần đầu tiên lượng dầu tồn trữ thương mại của Mỹ tăng sau 6 tuần giảm liên tiếp.
“Việc lượng dầu tồn trữ giảm liền trong 6 tuần là khá ấn tượng, nhưng đã trở thành quá khứ rồi. Sự thật bây giờ là lượng dầu tồn trữ lại tăng lên, và điều này sẽ gây áp lực giảm lên giá dầu”, Giám đốc phụ trách mảng năng lượng giao sau của ngân hàng Mizuho ở New York, ông Robert Yawger, phát biểu.
Ngoài ra, giá dầu còn giảm do căng thẳng ở Trung Đông chưa có bước leo thang mới. Đến hiện tại, Iran vẫn chưa tiến hành cuộc tấn công nào nhằm vào Israel để trả đũa vụ thủ lĩnh phiến quân bị ám sát.
“Mối lo về sự thắt chặt nguồn cung dầu do căng thẳng địa chính trị đã được phản ánh hết vào giá dầu rồi”, Phó chủ tịch Dennis Kissler của công ty BOK Financial nhận định.
Giá dầu đã giảm 3 phiên liên tiếp trong tuần này, sau khi tăng trong 5 phiên liên tiếp trước đó.
Gây áp lực giảm lên giá năng lượng này còn có việc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) tuần này đồng loạt cắt giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu năm 2024 và 2025. Chưa kể, nhà đầu tư cũng lo ngại về nhu cầu tiêu thụ dầu sau các báo cáo kinh tế ảm đạm gần đây từ Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.
Trên phạm vi toàn cầu, nhu cầu xăng hàng không đang yếu đi do nhu cầu đi lại giảm xuống sau giai đoạn cao điểm trong mùa hè, cộng thêm kinh tế giảm tốc gây hạn chế nhu cầu du lịch của người tiêu dùng.