Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (17/12), với Dow Jones giảm phiên thứ 9 liên tiếp, đánh dấu chuỗi phiên giảm dài nhất của chỉ số blue-chip này kể từ năm 1978. Giá dầu thô cũng giảm vì các số liệu kinh tế mới của Trung Quốc làm dấy lên mối lo về nhu cầu tiêu thụ dầu trong lúc thị trường chờ kết quả cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Lúc đóng cửa, Dow Jones giảm 267,58 điểm, tương đương giảm 0,61%, còn 43.449,9 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,39%, còn 6.050,61 điểm. Chỉ số Nasdaq mất 0,32%, còn 20.109,06 điểm.
Chuỗi phiên giảm lịch sử của Dow Jones bắt đầu chỉ một ngày sau khi chỉ số lần đầu tiên đóng cửa trên mốc 45.000 điểm vào đầu tháng này. Tình trạng trượt dài của chỉ số với 30 cổ phiếu thành viên diễn ra trong bối cảnh phần còn lại của thị trường đang ổn. S&P 500 lập kỷ lục vào hôm 6/12 và hiện chỉ thấp hơn chưa đầy 1% so với mức kỷ lục đó. Nasdaq mới thiết lập đỉnh cao lịch sử mới vào hôm thứ Hai tuần này.
Nguyên nhân phía sau việc Dow Jones không ngừng đi xuống là sự dịch chuyển của dòng tiền sang cổ phiếu công nghệ và ra khỏi một số cổ phiếu thuộc nền kinh tế cũ vốn đã tăng điểm mạnh trong tháng 11 sau khi ông Donald Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ. Trong Dow Jones, những cổ phiếu mang tính chất “nền kinh tế cũ” đó giữ vai trò thống trị, thay vì các cổ phiếu công nghệ.
Nhưng có một điều “bất thường” ở đây, là việc Nvidia - một thành viên công nghệ mới gia nhập Dow Jones hồi tháng 11 - cũng đang trầy trật dù cổ phiếu công nghệ nói chung đang trong xu hướng tăng mạnh. Phiên ngày thứ Hai, cổ phiếu hãng sản xuất con chip đình đám này đã rơi vào trạng thái thị trường điều chỉnh.
Phiên ngày thứ Ba, các cổ phiếu công nghệ kết thúc phiên trong trạng thái giảm nhiều hơn tăng. Tesla nổi trội với mức tăng hơn 3,6% nhưng Meta Platforms giảm gần 0,8%; Nvidia mất hơn 1,2%; Broadcom sụt 3,9% và Alphabet trượt hơn 0,5%.
“Phố Wall đang dần tỉnh ra rằng nhiệm kỳ tổng thống sắp tới của ông Trump chưa chắc đã tốt cho thị trường chứng khoán như nhiều người vẫn tưởng. Cổ phiếu tài chính và công nghiệp đã tăng giá mạnh sau khi ông ấy thắng cử, nhưng giờ đây, cũng chính những cổ phiếu này có thể phải đối mặt với lãi suất cao hơn và những bất định về chính sách thương mại. Cổ phiếu y tế cũng đứng trước những rủi ro chính trị lớn nhất trong thời gian dài trở lại đây”, trưởng chiến lược David Russell của công ty TradeStation nhận định với hãng tin CNBC.
Một phần động lực khiến nhà đầu tư chốt lời đối với các nhóm cổ phiếu ngoài công nghệ có liên quan đến quyết định lãi suất mà Fed sắp đưa ra vào ngày thứ Tư. Các nhà giao dịch trên thị trường lãi suất tương lai đang đặt cược khả năng 95% Fed hạ lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong lần họp này - theo dữ liệu FedWatch Tool của sàn giao dịch CME.
Tuy nhiên, giới đầu tư và chuyên gia kinh tế lo ngại rằng Fed - ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới - có thể đang phạm sai lầm vì mở đường cho sự hình thành của bong bóng chứng khoán hoặc lạm phát trỗi dậy.
Số liệu thống kê được Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày thứ Ba cho thấy doanh thu bán lẻ tháng 11 tăng 0,7%, mạnh hơn mức dự báo tăng 0,5% mà giới phân tích đưa ra trước đó. Mức tăng trưởng của doanh thu bán lẻ tháng 10 cũng được điều chỉnh tăng lên 0,5%.
Những số liệu này một lần nữa cho thấy sự vững vàng của nền kinh tế Mỹ, làm gia tăng mối lo rằng Fed có thể đang nới lỏng chính sách tiền tệ một cách không cần thiết.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 0,72 USD/thùng, tương đương giảm 0,97%, chốt ở mức 73,19 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giả 0,63 USD/thùng, tương đương giảm 0,89%, còn 70,08 USD/thùng.
Nhà phân tích thị trường Tony Sycamore của công ty IG cho biết giá dầu “đang đương đầu sức ép giảm từ hoạt động chốt lời sau đợt tăng 6% vào tuần trước và một loạt dữ liệu kinh tế Trung Quốc đáng thất vọng công bố ngày hôm qua”.
Vào hôm thứ Hai, giá đã giảm từ mức cao nhất trong nhiều tuần do số liệu tiêu dùng yếu kém bất ngờ từ Trung Quốc, cho dù sản lượng công nghiệp của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới còn mạnh. Áp lực giảm giá dầu còn đến từ việc các nhà đầu tư chuyển sang trạng thái “chờ xem” trước cuộc họp của Fed.
Bắt đầu vào ngày thứ Ba, cuộc họp chính sách tiền tệ cuối cùng trong năm 2024 của Fed sẽ kết thúc vào chiều ngày thứ Tư theo giờ Mỹ, với một tuyên bố từ Fed và một cuộc họp báo của Chủ tịch Fed Jerome Powell.
Mối lo thừa cung - thiếu cầu dầu là một nguyên nhân quan trọng khiến giá dầu khó tăng trong năm nay, cho dù giá “vàng đen” được hỗ trợ bởi căng thẳng địa chính trị leo thang ở Trung Đông và Đông Âu. Trong báo cáo thường kỳ hàng tháng công bố vào tuần trước, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho rằng ngay cả khi liên minh OPEC+ duy trì các chương trình cắt giảm sản lượng, thế giới vẫn có thể thừa 950.000 thùng dầu/ngày trong năm 2025, tương đương gần 1% tổng nguồn cung dầu của thế giới.