Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (20/2), đảo ngược hai phiên lập kỷ lục liên tiếp trước đó, do nhà đầu tư bán tháo nhiều cổ phiếu đang được ưa chuộng sau khi dự báo kết quả kinh doanh ảm đạm của Walmart làm dấy lên những câu hỏi về triển vọng của nền kinh tế. Trong khi đó, giá dầu có phiên tăng thứ ba liên tiếp vì mối lo suy giảm nguồn cung dầu từ Nga.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones mất 450,94 điểm, tương đương giảm 1,01%, còn 44.176,65 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 0,43%, còn 6.117,52 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 0,47%, còn 19.962,36 điểm.
Trước phiên giảm này, S&P 500 đã lập kỷ lục đóng cửa và kỷ lục nội phiên trong hai phiên ngày thứ Ba và thứ Tư.
Cổ phiếu “đế chế” bán lẻ Walmart, một thành viên của Dow Jones, sụt 6,5% sau khi công ty đưa ra dự báo mức tăng trưởng doanh thu trong năm tài khóa 2026 thấp hơn mức kỳ vọng của giới phân tích, và dự báo về tăng trưởng của năm tài khóa hiện tại cũng ở mức khá thấp 3-4%. Những con số dự báo này phủ bóng lên kết quả kinh doanh quý 4/2024 tốt hơn dự báo của Walmart.
“Nếu Walmart đưa ra dự báo ảm đạm, nhà đầu tư nên lưu ý. Có lẽ đó là một dấu hiệu lớn cho thấy người tiêu dùng bắt đầu cạn tiền”, Giám đốc điều hành Tom Fitzpatrick của công ty R.J. O’Brien & Associates nhận định với hãng tin CNBC.
Loạt cổ phiếu bán lẻ có tên tuổi đồng loạt giảm theo Walmart, như Target và Costsco giảm khoảng 2% mỗi cổ phiếu.
Dù không thuộc nhóm bán lẻ nhưng cổ phiếu công ty công nghệ và quốc phòng Plantir - một cổ phiếu được nhà đầu tư cá nhân trên thị trường chứng khoán Mỹ yêu thích thời gian qua - giảm 5,2%, nâng tổng mức giảm từ đầu tuần lên hơn 10%. Sự giảm giá này diễn ra sau khi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth nói với giới chức của bộ này rằng họ nên chuẩn bị cho việc ngân sách quốc phòng bị cắt giảm.
Mối lo về sức khỏe kinh tế Mỹ cũng đè nặng thêm lên thị trường sau khi công ty nghiên cứu The Conference Board cho biết Leading Economic Index - một chỉ số chỉ báo sớm về sức khỏe của nền kinh tế Mỹ - bất ngờ suy giảm trong tháng 1. Dữ liệu này khiến lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đi xuống và loạt cổ phiếu ngân hàng như Goldman Sachs và Morgan Stanley đồng loạt giảm theo.
“Đang có những biến động chí ít là trên những dòng tít báo và sự biến động đó bắt đầu ngấm vào thị trường, khiến các chỉ số chứng khoán giằng co ở vùng kỷ lục. Thị trường sẽ phải quen với việc chúng ta đang ở trong một môi trường như vậy, tương tự như trong nhiệm kỳ trước của Tổng thống Donald Trump. Theo thời gian, các tài sản sẽ bắt đầu rẻ hơn giá trị thực và thị trường sẽ có sự điều chỉnh cho phù hợp với các tin tức”, Giám đốc đầu tư Wasif Latif của công ty Sarmaya Partners nhận định với hãng tin Reuters.
Chứng khoán châu Âu và toàn cầu cũng giảm phiên này. với chỉ số Stoxx 600 trượt 0,2%. Chỉ số DAX của chứng khoán Đức mất 0,5% điểm số.
Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu - dự kiến sẽ tiến hành bầu cử sớm vào cuối tuần này, sau khi Chính phủ liên minh của Thủ tướng Olaf Scholz sụp đổ vào cuối năm ngoái. Giới phân tích dự báo sau lần bầu cử này, một chính phủ liên minh hai đảng do Đảng Bảo thủ Đức đứng đầu sẽ lên nắm quyền.
Chỉ số MSCI All Country World Index của chứng khoán thế giới giảm 0,3%, chốt ở mức 884,15 điểm.
Tâm trí nhà đầu tư chứng khoán toàn cầu đang bấp bênh vì các kế hoạch thuế quan của ông Trump và triển vọng mờ mịt về một thỏa thuận hòa bình cho Ukraine. Mối hoài nghi về khả năng kết thúc chiến tranh Nga - Ukraine đã nổi lên sau khi ông Trump ngày 19/2 chỉ trích Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy hành động chậm chạp.
Ngoại trưởng các nước G20 - nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi lớn nhất thế giới - đang có cuộc họp tại Nam Phi để bàn về vấn đề chiến tranh thương mại và Ukraine. Giới chức cấp cao của Mỹ đã bỏ qua cuộc gặp này, và thông tin báo chí ngày 20/2 nói rằng Mỹ đã từ chối lên án Nga tại một họp trực tuyến của nhóm 7 nền công nghiệp phát triển (G7) vào hôm thứ Hai.
Ông Daniel Moreno, trưởng bộ phận trái phiếu thị trường mới nổi của công ty Mirabaud, nói rằng kỳ vọng về việc ông Trump sẽ thúc đẩy được một thỏa thuận hòa bình với sự đảm bảo an ninh lâu dài cho Ukraine đã trở nên rất mong manh.
“Những diễn đã và đang diễn ra, gồm cuộc gặp Mỹ - Nga ở Saudi Arabia và sự chỉ trích của ông Trump nhằm vào Ukraine, khiến thị trường nhận thấy rằng việc đạt một thỏa thuận hòa bình không còn là kịch bản chính nữa. Không có gì từ ông Trump cho thấy sẽ có một giải pháp tốt cho Ukraine cả”, ông Moreno nói thêm.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 0,58%, chốt ở mức 76,48 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,44%, chốt ở mức 72,57 USD/thùng.
Giá dầu tiếp tục được hỗ trợ bởi rủi ro gián đoạn nguồn cung dầu từ Nga. Tuần này, Nga cáo buộc Ukraine dùng thiết bị bay không người lái tấn công đường ống Caspian Pipeline Consortium (CPC), một đường ống dẫn dầu lớn từ Kazakhstan sang Nga. Đường ống hư hỏng khiến lượng dầu vận chuyển được giảm 30-40% và sẽ mất thời gian có thể lên tới hàng tháng để sửa chữa.
Ngoài ra, triển vọng mờ mịt về một thỏa thuận hòa bình cho Ukraine cũng đồng nghĩa khó có chuyện Nga sớm được dỡ các biện pháp trừng phạt. Như vậy, nguồn cung dầu Nga ra thị trường toàn cầu sẽ khó tăng trong thời gian trước mắt.
Tuy nhiên, giá dầu cũng đang đương đầu với áp lực giảm vì thuế quan của ông Trump có thể gây suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, kéo theo nhu cầu tiêu thụ dầu yếu đi. Nhu cầu dầu hiện tại vốn đã yếu của châu Âu và Trung Quốc là một yếu tố khác hạn chế mức tăng giá của dầu thô.