Thị trường chứng khoán Mỹ sụt điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (28/8), một phần do áp lực từ cú giảm của cổ phiếu Nvidia trước khi nhà sản xuất chip này công bố báo cáo tài chính. Giá dầu thô giảm phiên thứ hai liên tiếp, do mối lo về nhu cầu tiêu thụ dầu suy yếu ở Trung Quốc.
Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 giảm 0,6%, còn 5.592,18 điểm. Chỉ số Dow Jones mất 159,08 điểm, tương đương giảm 0,39%, còn 41.091,42 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 1,12%, còn 17.556,03 điểm.
Phiên này chứng kiến nhà đầu tư cổ phiếu ở Phố Wall hồi hộp chờ đợi kết quả kinh doanh quý 2 của Nvidia. Cổ phiếu Nvidia - với vai trò dẫn đầu trào lưu cổ phiếu công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) - đã tăng hơn 150% trong năm nay, đặt ra câu hỏi liệu còn bao nhiêu dự địa để tăng. Chốt phiên, cổ phiếu này giảm 2,1%, góp phần chính vào cú giảm 1,3% của nhóm công nghệ thông tin.
“Nvidia là một công ty đã làm tương đối tốt việc liên tục đưa ra những kết quả kinh doanh tốt hơn kỳ vọng của thị trường, một công ty mà chúng ta đều biết là tất cả những khách hàng lớn nhất còn nhu cầu đối với tất cả những sản phẩm mà họ có thể mua được từ công ty này”, chiến lược gia trưởng Art Hogan của công ty B. Riley Wealth Management nhận định với hãng tin CNBC.
Sau khi thị trường đã đóng cửa phiên giao dịch chính thức ngày thứ Tư, Nvidia đưa ra kết quả kinh doanh quý 2/2024 với doanh thu và lợi nhuận đều cao hơn kỳ vọng. Trong đó, doanh thu tăng 122% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt hơn 30 tỷ USD, cao hơn mức dự báo 28,7 tỷ USD mà giới phân tích đưa ra. Lợi nhuận ròng tăng hơn gấp đôi, đạt 16,6 tỷ USD.
Trước quý 2 năm nay, Nvidia đã có 3 quý liên tiếp đạt mức tăng trưởng doanh thu trên 200% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo kết quả kinh doanh thời gian tới, hãng kỳ vọng mức doanh thu 32,5 tỷ USD trong quý 3, tăng 80% so với kết quả cùng kỳ năm ngoái và cao hơn mức dự báo 31,7 tỷ USD mà giới phân tích đưa ra.
Dù kết quả kinh doanh quý 2 và dự báo cho quý 3 đều mạnh hơn kỳ vọng, cổ phiếu Nvidia vẫn có thời điểm giảm 8% trong phiên giao dịch ngoài giờ.
Trong thời gian còn lại của tuần này, tâm điểm chú ý của thị trường sẽ là báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (PCE) tháng 7 của Mỹ. PCE là thước đo lạm phát quan trọng nhất đối với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và báo cáo lần này có thể quyết định Fed sẽ giảm lãi suất bao nhiêu trong cuộc họp tháng 9.
Giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 0,9 USD/thùng, tương đương giảm 1,13%, còn 78,65 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 1,01 USD/thùng, tương đương giảm 1,34%, còn 74,52 USD/thùng.
Trước phiên này, giá đầu đã giảm hơn 2% trong phiên ngày thứ Ba, sau khi tăng tổng cộng hơn 7% trong ba phiên liên tiếp.
Giá dầu đi xuống sau khi báo cáo hàng tuần từ Bộ Năng lượng Mỹ cho thấy lượng dầu tồn trữ của nước này giảm 846.000 thùng trong tuần trước, ít hơn mức giảm 2,3 triệu thùng mà giới phân tích đưa ra trước đó. Đây được xem là một dấu hiệu của nhu cầu tiêu thụ dầu yếu ở nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Trong khi đó, mối lo về nhu cầu dầu của Trung Quốc tiếp tục gây áp lực giảm lên giá dầu, sau khi các số liệu kinh tế gần đây cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục tăng trưởng chật vật.
“Nhu cầu dầu ở Trung Quốc vẫn còn yếu và sự phục hồi được kỳ vọng trong nửa sau của năm nay vẫn chưa cho thấy dấu hiệu bắt đầu”, nhà phân tích Amarpreet Singh của ngân hàng Barclays nhận định trong một báo cáo.
Tuy nhiên, giá dầu đang được hỗ trợ bởi những bất ổn ở khu vực Trung Đông, gồm khả năng gián đoạn nguồn cung dầu ở Libya và nguy cơ chiến tranh lan rộng từ dải Gaza. Những mối lo này giúp hạn chế bớt mức giảm của giá dầu - theo nhà kinh tế trưởng Tim Snyder của công ty Matador Economics.