April 13, 2022 | 07:25 GMT+7

Chứng khoán Mỹ trượt dốc vì lạm phát “nóng” hơn dự báo, giá dầu tăng vọt 6% sau cảnh báo của OPEC

Bình Minh -

Sau khi dữ liệu lạm phát được công bố, sắc đỏ đã quay trở lại và duy trì cho tới khi kết thúc phiên giao dịch...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (12/4), khi nhà đầu tư đón nhận số liệu lạm phát “nóng” nhất 41 năm. Giá dầu thô đồng loạt tái lập mốc 100 USD/thùng sau khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) lên tiếng cảnh báo về nguồn cung và Thượng Hải nới lỏng phong toả.

Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 giảm 0,34%, còn 4.397,45 điểm. Chỉ số Nasdaq mất 0,3%, còn 13.371,57 điểm. Đây là phiên giảm thứ ba liên tiếp của hai chỉ số này.

Chỉ số Dow Jones trượt 87,72 điểm, tương đương giảm 0,26%, còn 34.220,36 điểm.

Các chỉ số đã đồng loạt tăng điểm mạnh khi mới bắt đầu phiên giao dịch. Có thời điểm, Dow Jones tăng 1,1%; S&P 500 và Nasdaq tăng tương ứng 1,3% và 2%, cho thấy thị trường nỗ lực phục hồi sau phiên giảm mạnh vào hôm thứ Hai. Tuy nhiên, sau khi dữ liệu lạm phát được công bố, sắc đỏ đã quay trở lại và duy trì cho tới khi kết thúc phiên giao dịch.

Báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 của Mỹ tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn dự báo và là mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1981. Tuy nhiên, lạm phát lõi, không tính đến giá của hai mặt hàng có nhiều biến động là thực phẩm và năng lượng, tăng ít hơn dự báo. So với tháng 2, CPI lõi tăng 0,3%, thấp hơn mức tăng 0,5% mà giới phân tích đưa ra trước đó. So với cùng kỳ năm ngoái, CPI lõi tăng 6,5%.

Số liệu lạm phát trên làm gia tăng kỳ vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ đẩy nhanh thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm kéo giá cả về tầm kiểm soát. Nhà đầu tư lo ngại rằng sự thắt chặt như vậy có thể khiến kinh tế Mỹ giảm tốc. Fed đã nâng lãi suất trong cuộc họp tháng 3 và có thể tiếp tục nâng trong tất cả các cuộc họp chính sách còn lại của năm nay, thậm chí sẽ có ít nhất một lần nâng với bước nhảy 0,5 điểm phần trăm.

“Tôi cho rằng Fed sẽ phải nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong một vài cuộc họp. Fed sẽ phải nâng lãi suất vượt 3%, thậm chí lên đến 3,5% nếu họ muốn lạm phát giảm tốc. Tôi cho rằng lạm phát đang ngấm sâu vào nền kinh tế rồi”, giáo sư Jeremy Siegel thuộc Trường Wharton nói với CNBC, nhấn mạnh rằng lạm phát cao sẽ tiếp tục “trong nhiều tháng tới đây”.

Sau báo cáo lạm phát, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm khỏi mức đỉnh của 3 năm vì các nhà giao dịch hy vọng rằng số liệu lạm phát lõi có thể đồng nghĩa với việc lạm phát đang có dấu hiệu đạt đỉnh. Lợi suất này giảm về ngưỡng 2,7% trong phiên ngày thứ Ba, từ mức xấp xỉ 2,8% trong phiên ngày thứ Hai.

Cổ phiếu năng lượng tăng vào đầu phiên, nhưng lại giảm vào cuối phiên. Microsoft và Nvidia giảm tương ứng 1,1% và 1,9%. Trái lại, cổ phiếu năng lượng có một phiên tăng nhờ giá dầu phục hồi mạnh mẽ. Occidental Petroleum tăng 2,1%; Devon Energy tăng 3,7%; Marathon Oil tăng 4,2%; và Chevron tăng 2,1%.

Giá dầu tăng khi thành phố Thượng Hải, trung tâm tài chính của Trung Quốc đại lục, nới lỏng lệnh phong toả chống Covid-19. Ngoài ra, OPEC cảnh báo rằng việc thay thế cho nguồn cung dầu bị gián đoạn từ Nga là điều không thể.

Gía dầu Brent giao sau tại thị trường London tăng 6,26%, chốt ở 104,64 USD/thùng. Giá dầu thô WTI giao sau tại New York tăng 6,69%, chốt ở 100,6 USD/thùng.

Chính quyền Thượng Hải hôm thứ Hai cho biết hơn 7.000 khu dân cư của thành phố đã được phân loại là khu vực rủi ro thấp do không có ca nhiễm mới trong 14 ngày. Trên cơ sở này, các quận của thành phố đã quyết định những khu dân cư nào có thể được mở cửa.

Đợt phong toả vừa qua của Thượng Hải đã dẫn tới lo ngại về sự sụt yếu của nhu cầu tiêu thụ dầu, từ đó gây áp lực giảm lên giá dầu. Bởi vậy, phong toả được nới là cơ hội để giá dầu hồi phục.

Trong báo cáo hàng tháng, OPEC cho rằng nguồn cung dầu thô và các sản phẩm dầu khác từ Nga có thể gián đoạn 7 triệu thùng/ngày do các biện pháp trừng phạt, và việc bù đắp cho thiếu hụt này là điều không thể.

Liên minh châu Âu (EU) hiện chưa nhất trí về cấm vận dầu Nga, nhưng một số ngoại trưởng của khối này nói rằng đây vẫn là một lựa chọn mà EU đang cân nhắc.

“Thị trường dầu vẫn đang dễ tổn thương trước một cú sốc lớn nếu ngành năng lượng Nga bị châu Âu trừng phạt. Khả năng đó vẫn đang còn”, nhà phân tích Edward Moya của Oanda phát biểu.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate