August 10, 2022 | 07:12 GMT+7

Chứng khoán Mỹ tụt điểm trong lúc chờ báo cáo lạm phát, giá dầu cũng đi xuống

Bình Minh -

Nhà đầu tư đang chờ báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 dự kiến được công bố vào ngày thứ Tư bởi Bộ Lao động Mỹ...

Một nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE hôm 8/8 - Ảnh: Reuters.
Một nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE hôm 8/8 - Ảnh: Reuters.

Chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (9/8), khi thị trường đón nhận một loạt báo cáo kết quả kinh doanh kém khả quan trong lúc chờ báo cáo lạm phát quan trọng. Giá dầu thô cũng giảm vì mối lo suy thoái kinh tế có thể kéo tụt nhu cầu tiêu thụ năng lượng.

Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 giảm 0,42%, còn 4.122,47 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 1,19%, còn 12.493,93 điểm. Chỉ số Dow Jones mất 0,18%, còn 32.774,41 điểm.

Các chỉ số đi xuống sau khi hãng sản xuất chip nhớ Micron cảnh báo rằng doanh thu có thể thể không đạt dự báo trước đó mà công ty đưa ra. Nguyên nhân mà Micron đề cập là do “các yếu tố vĩ mô và căng thẳng chuỗi cung ứng”. Cổ phiếu Micron đóng cửa với mức giảm hơn 3%.

Tuần này dường như là một tuần nhiều sóng gió đối với các hãng sản xuất con chip. Hôm thứ Hai, dự báo doanh thu kém hơn so với kỳ vọng của thị trường mà hãng chip Nvidia đưa ra đã gây áp lực giảm lên toàn bộ nhóm cổ phiếu con chip. Nhóm này lại tiếp tục giảm trong phiên ngày thứ Ba.

Micron và Nvidia “là hai công ty lớn mà nhà đầu tư cho là có vị thế tốt hơn để vượt qua những khó khăn gần đây trong chuỗi cung ứng. Tôi cho rằng đang có một mối lo lớn đề nặng lên các cổ phiếu công nghệ nói chung”, nhà phân tích Edward Moya của Oanda nhận định.

Tính đến tuần trước, S&P 500 đã tăng 3 tuần liên tiếp, nhưng một đặc trưng của mùa báo cáo kết quả kinh doanh này là những cảnh báo u ám về nhu cầu mà các công ty lớn đưa ra. Nhà đầu tư đang theo dõi sát sao để xác định xem liệu cuộc chiến chống lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có ảnh hưởng đến mức độ nào tới toàn bộ nền kinh tế.

“Những gì chúng ta đang có cho thấy lạm phát đang có ảnh hưởng mạnh hơn nhiều so với dự kiến ban đầu đối với triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp Mỹ. Tôi cho rằng đó là lý do vì sao nhà đầu tư cảm thấy khó tiếp tục mua cổ phiếu”, ông Moya nói thêm.

Nhà đầu tư đang chờ báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 dự kiến được công bố vào ngày thứ Tư bởi Bộ Lao động Mỹ. Theo kỳ vọng, báo cáo sẽ cho thấy lạm phát giảm nhẹ nhờ giá xăng dầu đi xuống. Số liệu từ báo cáo này sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến quyết định lãi suất chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong cuộc họp tháng 9.

Một cuộc khảo sát của Dow Jones cho thấy giới phân tích dự báo CPI tháng 7 của Mỹ tăng 0,2% so với tháng trước và tăng 8,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong tháng 6, chỉ số này tăng 1,3% so với tháng trước và tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu đã giằng co trong suốt phiên giao dịch và cuối cùng chốt phiên trong trạng thái giảm. Mối lo suy thoái kinh tế có thể xảy ra và kéo tụt nhu cầu tiêu thụ năng lượng đã gây áp lực mất giá lên dầu. Tuy nhiên, giá dầu cũng được hỗ trợ bởi tin tức nói rằng một phần hoạt động xuất khẩu dầu từ Nga sang châu Âu qua đường ống Druzhba đi qua Ukraine đã bị dừng.

Lúc đóng cửa, giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London giảm 0,34 USD/thùng, tương đương giảm 0,4%, còn 96,31 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 0,26 USD/thùng, tương đương giảm 0,3%, còn 90,5 USD/thùng.

Giá dầu đã đương đầu áp lực giảm trong mấy tuần trở lại đây vì nỗi lo kinh tế thế giới có thể rơi vào suy thoái.

Thông tin ngày 9/8 nói rằng Ukraine đã chặn dòng dầu chảy qua đường ông Druzhba tới một số nước ở Trung Âu vì lệnh trừng phạt của phương Tây khiến Nga không thể thanh toán một khoản tiền phí quá cảnh của dầu đi qua đường ống này. Lúc đầu, giá dầu tăng khi có tin này, nhưng sau đó giá lại giảm khi nguyên nhân về sự gián đoạn trở nên rõ ràng.

“Xét tới việc không phải phía Nga cắt cung cấp dầu, mà nguyên nhân đến từ phía Ukraine, nên vấn đề có thể được giải quyết sớm hơn”, nhà giao dịch Bob Yawger thuộc Mizuho nhận định.

Liên minh châu Âu (EU) đang đẩy mạnh nỗ lực khôi phục thoả thuận hạt nhân với Iran, dự kiến sẽ đạt thoả thuận sau vài tuần nữa - giới chức châu Âu cho hay. Một thoả thuận được ký kết sẽ giúp Iran tăng mạnh xuất khẩu dầu. Lượng dầu mà nước này xuất khẩu mỗi ngày hiện nay đang thấp hơn ít nhất 1 triệu thùng/ngày so với mức vào năm 2018 - thời điểm trước khi Mỹ rút khỏi thoả thuận hạt nhân với Tehran.

Giá dầu hiện đã giảm hơn 40 USD/thùng từ mức đỉnh thiết lập sau khi nổ ra chiến tranh Nga-Ukraine. Ở thời điểm đó, giá dầu Brent có lúc đạt 139 USD/thùng.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate