Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (4/8), khi nhà đầu tư chờ bản báo cáo việc làm tháng 7 dự kiến công bố vào ngày thứ Sáu - số liệu được coi là một chỉ báo quan trọng về sức khoẻ của nền kinh tế. Trong khi đó, nỗi lo suy thoái kinh tế kéo giá dầu tụt về mức thấp nhất kể từ khi nổ ra cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 85,68 điểm, tương đương giảm 0,26%, còn 32.726,82 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,08%, còn 4.151,94 điểm, sau khi đạt mức cao nhất kể từ tháng 6 trong phiên giao dịch ngày thứ Tư.
Riêng chỉ số Nasdaq tăng 0,41%, chốt ở mức cao nhất kể từ đầu tháng 5.
NHÀ ĐẦU TƯ “HÓNG” SỐ LIỆU VIỆC LÀM, LẠM PHÁT
Báo cáo số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần do Bộ Lao động Mỹ công bố ngày thứ Năm đã phủ bóng lên tâm trí nhà đầu tư. Theo báo cáo này, số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc vào ngày 30/7 tăng thêm 6.000 người so với tuần trước đó, lên mức 260.000 người, cao hơn so dự báo 259.000 người mà các chuyên gia dự báo trong một cuộc khảo sát do hãng tin Reuters thực hiện.
Dữ liệu trên là một dấu hiệu cho thấy thị trường lao động của nền kinh tế lớn nhất thế giới đang yếu đi phần nào, cho dù điều kiện nói chung của thị trường vẫn đang thắt chặt.
Báo cáo việc làm mà Bộ Lao động Mỹ dự kiến công bố trong ngày giao dịch cuối cùng của tuần này sẽ cho thấy khu vực phi nông nghiệp của nền kinh tế có thêm bao nhiêu công việc mới trong tháng 7. Giới chuyên gia kinh tế dự báo số lượng việc làm mới của tháng 7 là 258.000 công việc, giảm từ mức 372.000 công việc của tháng 6 – theo dữ liệu của Dow Jones. Tỷ lệ thất nghiệp được dự báo giữ nguyên ở mức 3,6%.
Tuần tới, thị trường sẽ đón nhận báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 - một số liệu cũng có khả năng gây ra những dịch chuyển lớn trong giá các tài sản nếu có sự biến động ngoài dự báo.
“Tôi coi ngày hôm nay là một trong những ngày thị trường giữ quan điểm ‘chờ xem’. Chúng ta đều đang chờ dữ liệu kinh tế quan trọng nhất được công bố trong tuần này”, chiến lược gia trưởng Art Hogan của B. Riley Financial nói với hãng tin CNBC về báo cáo việc làm công bố vào ngày thứ Sáu.
Mối lo suy thoái sẽ xuất hiện không chỉ ở Mỹ mà trên toàn cầu đã kéo giá dầu sụt mạnh trong phiên này, khiến nhóm cổ phiếu năng lượng cũng trượt dốc theo. Năng lượng là nhóm cổ phiếu mất giá mạnh nhất trong S&P 500 phiên ngày thứ Năm, với mức giảm của cả nhóm là 3,6%.
Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London giảm 2,66 USD/thùng, tương đương giảm 2,75%, còn 94,12 USD/thùng. Đây là mức giá đóng cửa thấp nhất của loại dầu này kể từ hôm 18/2.
Giá dầu thô WTI giao sau tại thị trường New York giảm 2,34 USD/thùng, tương đương giảm 2,57%, còn 88,54 USD/thùng - mức giá đóng cửa thấp nhất của loại dầu này kể từ hôm 2/2.
Các nhà giao dịch dầu lửa lo ngại nếu xảy ra, suy thoái kinh tế có thể “bóp nghẹt” nhu cầu tiêu thụ năng lượng. Ngoài ra, số liệu công bố hôm thứ Tư cho thấy tồn kho xăng dầu của Mỹ bất ngờ tăng trong tuần trước cũng tiếp tục gây áp lực giảm giá lên “vàng đen”.
NỖI LO LẠM PHÁT ĐANG CHI PHỐI GIÁ TÀI SẢN
Phát biểu ngày thứ Năm, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh Cleveland, bà Loretta Mester, cho rằng nền kinh tế Mỹ hiện không suy thoái nhưng rủi ro suy thoái đã tăng lên. Bà cũng nhắc lại quyết tâm của Fed tiếp tục thắt chặt cho tới khi có bằng chứng rõ rệt về sự xuống thang của lạm phát.
“Đang có những kỳ vọng rõ rệt rằng chúng ta đang rơi vào một cuộc suy thoái. Và tín hiệu rõ ràng nhất đang đến từ thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ”, nhà phân tích cấp cao Edward Moya của Oanda nhận định. “Phần còn lại của nền kinh tế toàn cầu cũng đang xấu đi, và kỳ vọng ở đây là chúng ta sẽ chứng kiến thêm sự suy yếu kinh tế trong thời gian còn lại của năm. Rất khó để có thể lạc quan về chứng khoán”.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tụt về mức 2,67%, sau khi đạt mức cao nhất 2 tuần ở 2,82% trong phiên trước đó. Lợi suất giảm phản ánh nỗi lo suy thoái đang tăng lên. Đầu tuần này, có lúc lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tụt về 2,52%.
Nhằm chống lại sự leo thang chóng mặt của lạm phát, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) ngày 4/8 quyết định nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm, thay vì nâng 0,25 điểm phần trăm như trong các lần họp trước. Động thái này đưa BoE tăng tốc trong “cuộc đua” lãi suất với Fed và các ngân hàng trung ương khác nhằm bắt kịp đà tăng của giá cả trong nền kinh tế. Tuy nhiên, mức tăng lãi suất của BoE không nằm ngoài dự báo và nhà đầu tư chú ý nhiều hơn đến cảnh báo của BoE rằng nền kinh tế Anh có thể rơi vào một cuộc suy thoái kéo dài.
“Ngạc nhiên chính từ cuộc họp này của BoE là dự báo kinh tế bi quan. Dự báo lần này xấu hơn so với dự báo đưa ra hồi tháng 5. Khi đó, họ dự báo là sẽ có 1-2 quý kinh tế tăng trưởng thấp hoặc âm, sau đó sẽ là phục hồi”, chuyên gia kinh tế vĩ mô Stuart Cole của Equiti Capital nhận định.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm khiến đồng USD tụt giá, với chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác như Euro và Yên Nhật trượt gần 0,7%, về dưới 105,8 điểm.
Giá vàng giao ngay tại thị trường New York tăng 1,5%, đạt mức cao nhất 1 tháng, nhờ lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ và tỷ giá đồng USD giảm.
Giá tiền ảo Bitcoin ít biến động, tiếp tục xu hướng dao động trên 22.000 USD của thời gian gần đây. Lúc gần 7h sáng nay (5/8) theo giờ Việt Nam, giá Bitcoin theo dữ liệu từ trang Coinmarketcap.com đứng ở 22.654 USD, tăng hơn 0,2% so với cách đó 24 tiếng. Hôm thứ Bảy tuần trước, giá Bitcoin đạt đỉnh 1 tháng rưỡi gần mức 24.700 USD.
Trong một diễn biến liên quan, sàn tiền ảo lớn nhất ở Mỹ Coinbase tuyên bố hợp tác với công ty quản lý tài sản hàng đầu BlackRock để cung cấp cho khách hàng tổ chức của công ty này dịch vụ giao dịch và giữ hộ tiền ảo. Tuy nhiên, giá Bitcoin dường như không nhận được “cú huých” nào từ thông tin này.