Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (30/6), khiến chỉ số S&P 500 khép lại quý tồi tệ nhất trong 5 thập kỷ trở lại đây. Giá dầu thô cũng giảm mạnh vì nỗi lo về nhu cầu tiêu thụ trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có thể rơi vào một cuộc suy thoái.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm gần 254 điểm, tương đương giảm hơn 0,8%, còn 30.775,43 điểm. S&P 500 giảm gần 0,9%, còn 3.785 điểm. Chỉ số Nasdaq mất hơn 1,3%, còn 11.029 điểm.
Đây là phiên giao dịch cuối cùng của quý 2 và của nửa đầu năm 2022. Trong quý, S&P 500 “bốc hơi” hơn 16%, đánh dấu quý giảm mạnh nhất kể từ quý 1/2020 - thời điểm thị trường tài chính toàn cầu chao đảo vì Covid-19 trở thành đại dịch. Tính 6 tháng đầu năm, thước đo rộng nhất của chứng khoán Mỹ mất 20,6% điểm số, đánh dấu nửa đầu năm tệ nhất kể từ năm 1970. Chỉ số này cũng rơi vào thị trường đầu cơ giá xuống (bear market) vì đã giảm hơn 21% so với mức cao kỷ lục thiết lập hồi đầu tháng 1.
Dow Jones và Nasdaq cũng không tránh khỏi tình trạng tuột dốc chóng mặt trong 2 quý vừa qua. Dow Jones - chỉ số với 30 cổ phiếu - mất 11,3% trong quý 2, nâng tổng mức giảm trong nửa đầu năm lên 15%. Nasdaq sụt 22,4% trong quý 2, đánh dấu tháng giảm mạnh nhất kể từ năm 2008.
Với mức giảm này, Nasdaq chìm sâu vào trạng thái thị trường đầu cơ giá xuống, vì giảm gần 32% so với đỉnh cao mọi thời đại thiết lập vào tháng 11. Nếu tính từ đầu năm, chỉ số này đã giảm 29,5%.
Đà giảm mạnh của thị trường trong 2 quý đầu năm diễn ra trong bối cảnh nhà đầu tư vật lộn với lạm phát tăng cao và chính sách tiền tệ thắt chặt. Chỉ số tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi, thước đo lạm phát Mỹ được Fed ưa chuộng, tăng 4,7% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm ngoái. Mức lạm phát này thấp hơn một chút so với dự báo của các chuyên gia kinh tế được khảo sát bởi dịch vụ tin tức tài chính Dow Jones, nhưng vẫn gần mức cao nhất nhiều thập kỷ.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã phải mạnh tay nâng lãi suất để chống lại đà leo thang của giá cả, mới nhất là đợt nâng 0,75 điểm phần trăm trong tháng 6. Đó là đợt tăng lãi suất mạnh nhất của Fed từ năm 1994.
Cả hai yếu tố lạm phát và lãi suất tăng góp phần đặt ra nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ và kinh tế toàn cầu. Dữ liệu GDPNow của Fed chi nhánh Atlanta cho thấy tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 2 của Mỹ có thể giảm 1%, sau khi số liệu chính thức cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới đã giảm 1,6% trong quý 1.
“HIếm khi thị trường giảm với tốc độ như thế này trong những quý liên tiếp. Nhưng điều đó không có nghĩa là thị trường sẽ không giảm thêm”, chuyên gia Michael Shaoul của Marketfield Asset Management phát biểu. “Đây có vẻ mới là phần giữa của câu chuyện mà ở đó, triển vọng được cho là êm ả trước kia đã bị thay thế bởi thứ gì đõ ‘bão tố’ hơn. Hiện tại, chưa có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy thời tiết sắp sửa tốt lên”.
Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London giảm 3,42 USD/thùng, tương đương giảm 3%, còn 109,03 USD/thùng. Giá dầu thô WTI giao sau tại New York sụt 4,02 USD/thùng, tương đương giảm 3,7%, còn 105,76 USD/thùng.
Kết thúc cuộc họp sản lượng kéo dài 2 ngày, OPEC+ cho biết chỉ nâng sản lượng khai thác dầu trong tháng 8 bằng với mức nâng của tháng 7, mặc cho nguồn cung dầu toàn cầu có nhiều dấu hiệu thắt chặt. Ngoài ra, OPEC+ tránh đề cập đến chính sách sản lượng từ tháng 9 trở đi.
OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số nước ngoài khối gồm Nga. Mức tăng sản lượng dầu của OPEC+ trong tháng 7 và tháng 8 đều là 648.000 thùng/ngày so với tháng liền trước.
Giới đầu tư cho rằng việc OPEC+ không tăng sản lượng mạnh hơn có thể là một dấu hiệu cho thấy nhóm này đang lo ngại về khả năng xảy ra suy thoái kinh tế, dẫn tới sự giảm tốc của nhu cầu tiêu thụ năng lượng.
Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm, giá dầu Brent giao sau tại thị trường London đã tăng hơn 36%, do chiến tranh Nga-Ukraine khiến nguồn cung dầu bị thắt lại, giữa lúc nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh khi đại dịch bớt căng thẳng. Nhiều chuyên gia tin rằng với sự gián đoạn nguồn cung năng lượng Nga do các biện pháp trừng phạt áp lên nước này, giá dầu sẽ khó giảm sâu trong ngắn hạn.