Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (19/10), chấm dứt chuỗi 2 phiên tăng trước đó, do áp lực giảm đến từ đà tăng mạnh của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ. Giá dầu thô bật tăng do sự áp đảo của nỗi lo về khả năng thiếu cung, dù tiếp tục đương đầu với sự bấp bênh về nhu cầu và thông tin Mỹ sắp xả thêm dự trữ chiến lược.
Lúc đóng cửa, chỉ số Nasdaq giảm 0,85%, còn 10.680,51 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,67%, còn 3.695,16 điểm. Chỉ số Dow Jones tụt 99,99 điểm, tương đương mất 0,33%, còn 30.423,81 điểm.
Trước phiên tăng này, chứng khoán Mỹ đã tăng mạnh trong hai phiên liên tiếp vào ngày thứ Hai và thứ Ba.
Mùa báo cáo tài chính quý 3/2023 khởi động bằng loạt báo cáo khả quan của các doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ vẫn giữ ở mức cao - một dấu hiệu cho thấy mối lo suy thoái kinh tế vẫn ám ảnh tâm trí của nhà đầu tư. Trong phiên ngày thứ Tư, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm có lúc tăng đến 4,136%, mức cao nhất kể từ tháng 7/2008.
“Nếu bạn nhìn mọi thứ một cách đơn giản và nói rằng lợi suất của trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm là mức lãi suất phi rủi ro mà về cơ bản, phần lớn các lớp tài sản khác trên thế giới được định giá căn cứ vào đó, có thể thấy rằng sự gia tăng của lợi suất sẽ còn gây ra nhiều biến động trên thị trường”, chiến lược gia Keith Lerner của Truist Advisory Services nhận định.
“Thị trường đang cầm cự, nhưng điều đó không phải là quá tệ xét tới sức ép mà ngưỡng 4% của lợi suất đang đặt lên giá cổ phiếu”, ông Lerner nói thêm.
Ảnh hưởng của lãi suất tăng đang được thể hiện rõ rệt trên thị trường bất động sản Mỹ. Số liệu công bố ngày thứ Tư cho thấy số nhà mới khởi công ở nước này trong tháng 9 giảm mạnh hơn dự báo.
Biến động của lợi suất cũng gây ra nhiều bất lợi đối với những cổ phiếu công nghệ có tính đầu cơ cao. Trong số những cổ phiếu giảm giá mạnh nhất thuộc chỉ số Nasdaq trong phiên này, phải kể tới cổ phiếu JD.com giảm hơn 7% và Baidu giảm 8,8%.
Trong một phiên giảm điểm diễn ra trên diện rộng, cổ phiếu Netflix trở thành điểm sáng với mức tăng 13%, sau khi “gã khổng lồ” truyền nội dung trực tuyến công bố doanh thu và lợi nhuận quý 3 vượt dự báo, cộng thêm tốc độ tăng trưởng số lượng người dùng khả quan.
Các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục thể hiện quan điểm cứng rắn trong lập trường chính sách tiền tệ - tín hiệu cho thấy ngân hàng trung ương này sẽ tiếp tục tăng mạnh lãi suất trong thời gian tới để chống lạm phát. Trong một phát biểu vào ngày thứ Tư, Chủ tịch Fed chi nhánh Minneapolis, ông Neel Kashkari nói rằng thị trường lao động vẫn đang mạnh và sức ép lạm phát trong nền kinh tế chưa hề đỉnh.
Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăng 2,38 USD/thùng, tương đương tăng 2,6%, chốt ở 92,41 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 2,73 USD/thùng, tương đương tăng 3,3%, chốt ở 85,55 USD/thùng.
“Việc Mỹ xả dự trữ chiến lược có thể khiến giá dầu giảm trong ngắn hạn, nhưng lại có thể khiến giá tăng trong dài hạn, vì rốt cục Chính phủ Mỹ sẽ phải mua dầu để làm đầy lại dự trữ. Nhìn chung, thị trường sẽ tiếp tục biến động mạnh do tác động của những thông tin trái chiều”, nhà nghiên cứu Gary Cunnningham của Tradition Energy nhận định.
Trong phiên giao dịch trước đó, giá dầu Brent và WTI giảm xuống mức thấp nhất 2 tuần sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố sẽ xả 15 triệu thùng dầu từ dự trữ chiến lược.
Phát biểu ngày thứ Tư, ông Biden cho biết Mỹ sẽ mua lại dầu cho dự trữ chiến lược nếu giá giảm đủ sâu. Đợt xả này sẽ là đợt cuối cùng trong kế hoạch xả 180 triệu thùng dầu từ dự trữ chiến lược mà Mỹ công bố không lâu sau khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra hồi cuối tháng 2.
Giá dầu đã được hỗ trợ kể từ khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh, tức liên minh OPEC+ nhất trí cắt giảm sản lượng khai thác dầu 2 triệu thùng/ngày. “Họ muốn giá dầu Brent dao động quanh ngưỡng 90 USD/thùng, nên họ sẽ tiếp tục giảm sản lượng để có được con số đó”, ông Cunningham nói.