April 05, 2023 | 07:51 GMT+7

Chứng khoán Mỹ tụt điểm vì nỗi lo kinh tế, dầu thô vững giá

Bình Minh -

Khi giá dầu có khả năng leo thang lên cao sau khi liên minh OPEC+ bất ngờ giảm sản lượng hơn 1 triệu thùng/ngày, thị trường nhận thấy lạm phát có thể sẽ dai dẳng ở mức cao, buộc Fed phải tiếp tục thắt chặt lãi suất...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (4/4), khi các nhà giao dịch đánh giá về ảnh hưởng của việc giá dầu tăng mạnh sau động thái giảm sản lượng của nhóm OPEC+ đối với nền kinh tế toàn cầu. Trong khi đó, dầu thô vững giá giữa một bên là nỗi lo nguồn cung thắt lại và một bên là những số liệu thống kê cho thấy hoạt động kinh tế yếu đi cả ở Mỹ và Trung Quốc.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 198,77 điểm, tương đương giảm 0,59%, còn 33.402,38 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,58%, còn 4.100,6 điểm. Cả hai chỉ số này cùng chấm dứt 4 phiên tăng liên tiếp. Chỉ số Nasdaq giảm 0,52%, còn 12.126,33 điểm.

Thị trường tụt dốc sau báo cáo mới nhất về số công việc cần tuyển dụng trong nền kinh tế. Bộ Lao động Mỹ cho biết số vị trí cần tuyển đã giảm xuống dưới 10 triệu lần đầu tiên trong gần 2 năm trong tháng 2 vừa qua - một dấu hiệu cho thấy thị trường lao động thắt chặt đang bắt đầu suy yếu.

“Vẫn có tương đối nhiều việc làm cần người nếu so với số người cần việc. Nhưng thị trường rất nhạy cảm với bất kỳ thay đổi nhỏ nào theo hướng mà họ không muốn chứng kiến”, Chủ tịch Ed Yardeni của Yardeni Research nói với hãng tin CNBC.

Cho tới gần đây, bất kỳ dấu hiệu nào của sự suy yếu trong nền kinh tế đều được giới đầu tư hào hứng đón nhận, vì điều đó củng cố khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sớm chuyển sang một lập trường chính sách tiền tệ mềm mỏng hơn.

Nhưng giờ đây, khi giá dầu có khả năng leo thang lên cao sau khi liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh bất ngờ giảm sản lượng hơn 1 triệu thùng/ngày, thị trường nhận thấy lạm phát có thể sẽ dai dẳng ở mức cao, buộc Fed phải tiếp tục thắt chặt lãi suất. Triển vọng này đặt ra áp lực lớn đối với nền kinh tế đang có những dấu hiệu suy yếu, nên khiến nhà đầu tư cảm thấy lo ngại hơn.

Tuy nhiên, cần phải nói rằng thị trường chứng khoán Mỹ vẫn đang thể hiện được sự vững vàng, khi các chỉ số đều tăng điểm trong tháng 3 vừa qua và trong quý 1 năm nay, bất chấp lạm phát cao, cuộc khủng hoảng ngân hàng, và lãi suất tăng.

Tuần này, một nguồn bất ổn mới đã xuất hiện khi OPEC+ tuyên bố giảm sản lượng 1,16 triệu thùng/ngày cho tới cuối năm. Trong phiên ngày thứ Hai, giá dầu thô giao sau tại thị trường New York tăng mạnh nhất trong vòng 1 năm trở lại đây.

“Trong sự dịch chuyển mà thế giới đang trải qua để phát triển năng lượng xanh và sạch, OPEC+ thừa hiểu thế giới vẫn rất cần ‘vàng đen’ nhưng sẽ đến lúc năng lượng hoá thạch mất đi sức hút”, chiến lược gia trưởng Quincy Krosby của LPL Financial phát biểu. “Cho tới lúc đó, trong khi các quốc gia chủ chốt của OPEC+ chuẩn bị cho tương lai bằng cách chi hàng nghìn tỷ USD để xây dựng lại cơ sở hạ tầng và dịch chuyển nguồn thu nhập chính khỏi dầu thô, nhóm này sẽ kiểm soát giá dầu trực tiếp và mạnh mẽ hơn so với những gì dự kiến”.

Lúc đóng cửa, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 0,01 USD/thùng, đạt 84,94 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,29 USD/thùng, tương đương tăng 0,4%, đạt 80,71 USD/thùng.

“Chúng ta vẫn cần phải chờ nhu cầu có thể duy trì và tăng như thế nào thì giá dầu mới có thể tăng lên cao hơn nữa trong vùng trên của 80 USD/thùng”, Phó chủ tịch cấp cao Dennis Kissler của BOK Financial nhận định.

Cả giá dầu Brent và WTI đều tăng hơn 6% trong phiên ngày thứ Hai sau động thái bất ngờ của OPEC+. Giới phân tích nói rằng việc OPEC+ mạnh tay giảm sản lượng - với tổng mức giảm 3,66 triệu thùng/ngày nếu tính cả số 2 triệu thùng/ngày mà nhóm này quyết định giảm vào tháng 10 năm ngoái - giá dầu có thể lên mức 100 USD/thùng trước cuối năm nay.

Ngân hàng Goldman Sachs đã nâng dự báo giá dầu Brent cho cuối năm lên 95 USD/thùng và cho năm 2024 lên 100 USD/thùng.

Tuy nhiên, giá dầu phiên này chịu áp lực giảm từ số liệu cho thấy hoạt động sản xuất trong tháng 3 ở Mỹ giảm xuống mức thấp nhất gần 3 năm. Sản xuất trong tháng 3 ở Trung Quốc cũng suy yếu. Các số liệu này làm dấy lên lo ngại về nhu cầu tiêu thụ dầu.

Ngoài ra, với áp lực lạm phát từ giá dầu tăng lên, triển vọng lãi suất của Fed cũng tăng lên, đặt ra rủi ro suy thoái đối với kinh tế Mỹ. Một nền kinh tế suy thoái sẽ gây suy giảm nhu cầu tiêu thụ năng lượng.

Các nhà giao dịch trên thị trường dầu vẫn đang cân nhắc xem liệu Fed còn nâng lãi suất bao nhiêu và liệu kinh tế Mỹ có suy thoái hay không. Thị trường đang đặt cược khả năng 40% Fed nâng lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong tháng 5, và khả năng 60% Fed dừng tăng lãi suất.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate