Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (24/12), khi các sàn đóng cửa sớm để đón Giáng sinh. Giá dầu thô cũng tăng nhờ kỳ vọng rằng nhu cầu tiêu thụ dầu của Trung Quốc trong năm 2025 có thể cải thiện.
Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 tăng 1,1%, đạt 6.040,04 điểm. Chỉ số Dow Jones tăng 390,08 điểm, tương đương tăng 0,91%, đạt 43.297,03 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 1,35%, đạt 20.031,13 điểm.
Cổ phiếu công nghệ tiếp tục đóng góp lớn vào phiên tăng này, nhất là Tesla với mức tăng 7,4%. Amazon và Meta Platforms tăng hơn 1% mỗi cổ phiếu.
Sở giao dịch chứng khoán New York (NYSE) đóng cửa sớm vào lúc 1h chiều theo giờ địa phương để nghỉ Giáng sinh, và thị trường trái phiếu đóng cửa lúc 2h chiều. Ngày thứ Tư, thị trường tài chính Mỹ nghỉ Giáng sinh nên sẽ không có giao dịch.
Phiên ngày thứ Ba đánh dấu sự khởi đầu của “Santa Claus rally” - sự tăng điểm của chứng khoán Mỹ trong mùa Giáng sinh hàng năm, cụ thể là trong 5 phiên giao dịch cuối cùng của năm trước và 2 phiên đầu tiên của năm sau. Theo dữ liệu của công ty LPL Research, từ năm 1950 đến nay, S&P 500 đã tăng trưởng bình quân 1,3% trong giai đoạn đó.
“Đang có nhiều điều tốt đẹp để nghĩ tới. Nhưng tôi cho rằng cùng với đó, nhà đầu tư cũng muốn kiềm chế sự hưng phấn bởi vì thị trường đã tăng điểm từ lâu rồi”, nhà đồng sáng nay Paul Hickey của công ty Bespoke Investment Group nhận định với hãng tin CNBC.
Chứng khoán Mỹ đã tăng liên tiếp trong hai phiên đầu tuần, với mức tăng tổng cộng đạt 1,8% đối với S&P 500 , khoảng 1% đối với Dow Jones và 2,3% đối với Nasdaq. Cũng nhờ hai phiên tăng này mà trạng thái của S&P 500 tính từ đầu tháng tới nay chuyển thành tăng, với mức tăng 0,1%.
Trong khi đó, Nasdaq đã tăng mạnh từ đầu tháng, với mức tăng 4,2%, nhờ đà tăng của các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn như Alphabet tăng 16%; Apple tăng gần 9% và Testa tăng khoảng 34%.
Riêng Dow Jones giảm điểm tính từ đầu tháng tới thời điểm này, với mức giảm khoảng 3,6%, tiến tới hoàn tất tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 4. Sự giảm điểm của Dow Jones và xu hướng tăng của Nasdaq phản ánh sự dịch chuyển của nhà đầu tư từ những cổ phiếu mang tính chất “nền kinh tế cũ” sang các cổ phiếu của nền kinh tế mới như cổ phiếu công nghệ.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 0,95 USD/thùng, tương đương tăng 1,3%, chốt ở mức 73,58 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,86 USD/thùng, tương đương tăng 1,2%, chốt ở 70,1 USD/thùng.
Giá dầu được hỗ trợ sau khi có tin Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu nhiều nhất thế giới, có kế hoạch phát hành 3 nghìn tỷ nhân dân tệ, tương đương 411 tỷ USD, trái phiếu đặc biệt trong năm 2025 để đẩy mạnh các biện pháp kích thích kinh tế bằng chính sách tài khóa.
Theo nhà phân tích Kelvin Wong của công ty phân tích và dữ liệu Oanda, kế hoạch kích cầu của Trung Quốc có thể sẽ mang lại sự hỗ trợ cho giá dầu WTI ở mức 67 USD/thùng trong ngắn hạn.
Ngoài các tin tức từ Trung Quốc, giới đầu tư cũng đang dõi theo tình hình kinh tế Mỹ, nước tiêu thụ dầu thô lớn nhất thế giới. Các số liệu kinh tế Mỹ gần đây nhìn chung thiếu đồng nhất, dẫn tới tác động không nhất quán tới diễn biến giá dầu.
Thống kê công bố tuần này cho thấy niềm tin của người tiêu dùng Mỹ đã yếu đi trong tháng 12, nhưng số đơn đặt mua trang thiết bị máy móc tăng mạnh trong tháng 11 và doanh số bán nhà mới cũng khởi sắc. Về cơ bản, nền kinh tế Mỹ vẫn đang ở trong một trạng thái vững vàng vào thời điểm năm 2024 đang dần khép lại.
Các nhà phân tích của công ty FGE cho rằng giá dầu sẽ tiếp tục giằng co ở vùng hiện tại do hoạt động giao dịch giảm xuống mức thấp trong mùa nghỉ lễ và các nhà đầu tư có xu hướng đứng ngoài thị trường cho tới khi họ có một cái nhìn rõ hơn về tương quan cung-cầu dầu toàn cầu trong năm 2024 và 2025.