August 24, 2024 | 08:27 GMT+7

Chứng khoán Mỹ và giá dầu cùng “xanh rực” sau khi Chủ tịch Fed phát tín hiệu giảm lãi suất

Bình Minh -

Giá cổ phiếu ở Phố Wall tăng ngay từ buổi sáng, sau khi ông Powell nói rằng đã đến lúc Fed có thể hạ lãi suất...

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (23/8) sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell phát tín hiệu đã sẵn sàng cho việc cắt giảm lãi suất. Đây cũng là động lực đưa giá dầu thô tăng hơn 2%.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 462,3 điểm, tương đương tăng 1,14%, đạt 41.175,08 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 1,47%, đạt 17.877,79 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,15%, đạt 5.634,61 điểm, rất gần mức kỷ lục mọi thời đại thiết lập vào tháng trước.

Với phiên tăng này, cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ cùng hoàn tất một tuần tăng điểm. Trong đó, Dow Jones tăng gần 1,3%; Nasdaq tăng 1,4% và S&P 500 tăng 1,45%.

Giá cổ phiếu ở Phố Wall tăng ngay từ buổi sáng, sau khi ông Powell nói rằng đã đến lúc Fed có thể hạ lãi suất. Tuy nhiên, trong bài phát biểu được chờ đợi tại hội nghị thường niên của Fed ở Jackson Hole, Wyoming, ông không đưa ra thông tin cụ thể nào về việc Fed sẽ bắt đầu hạ lãi suất vào lúc nào và với mức cắt giảm bao nhiêu.

“Thời điểm cho việc điều chỉnh chính sách tiền tệ đã tới. Hướng đi của chính sách là rõ ràng, còn mốc thời gian cụ thể và tiến độ của việc hạ lãi suất sẽ tùy thuộc vào các dữ liệu sắp tới, triển vọng của nền kinh tế và cán cân rủi ro”, nhà lãnh đạo ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới nói.

Tuyên bố này của ông Powell làm hài lòng các nhà giao dịch, những người đang đặt cược 100% rằng Fed sẽ bắt đầu giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 9 - theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME. Tuy nhiên, các nhà giao dịch còn chia rẽ quanh việc Fed sẽ giảm lãi suất bao nhiêu trong lần giảm đầu tiên.

FedWatch Tool cho thấy đặt cược vào mức giảm 0,25 điểm phần trăm đang là 63,5%, trong khi đặt cược vào mức giảm 0,5 điểm phần trăm là 36,5%.

Cổ phiếu công nghệ, nhóm có mức độ nhạy cảm lớn với biến động lãi suất, tăng đặc biệt mạnh trong phiên này. Nhà đầu tư kỳ vọng rằng môi trường lãi suất giảm sẽ mang tới nhiều lợi ích cho cổ phiếu công nghệ. Tesla và Nvidia tăng hơn 4% mỗi cổ phiếu.

“Thị trường đang thở phào nhẹ nhõm” sau phát biểu của ông Powell và các quan chức Fed khác - Giám đốc đầu tư Skyler Weinand của công ty Regan Capital nhận định với hãng tin CNBC. “Điều mà thị trường nhận thấy là chu kỳ đã thay đổi, chưa đến mức thay đổi hoàn toàn, nhưng hướng đi sắp tới sẽ là một lối rẽ đúng đắn theo chiều nới lỏng”.

Nói về căn cứ cho việc giảm lãi suất, ông Powell nói rằng rủi ro suy giảm đối với thị trường việc làm đang tăng lên và lạm phát đang tiến gần tới mục tiêu 2% của Fed. “Rủi ro lạm phát tăng đã suy yếu. Và rủi ro suy giảm việc làm đã tăng lên”, ông nhấn mạnh. Phát biểu này của ông Powell được thị trường xem là một sự “phê chuẩn ngầm” cho việc xoay trục sang nới lỏng chính sách tiền tệ.

“Ông Powell mang tới một sự mềm mỏng đủ để hỗ trợ thị trường, đồng thời cũng tránh được việc gây ra một mối lo sợ” về sức khỏe của nền kinh tế  - Giám đốc điều hành Carl Ludwigson của công ty Bel Air Investment Advisors nhận định với hãng tin Reuters.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 1,8 USD/thùng, tương đương tăng 2,33%, chốt ở mức 79,02 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 1,82 USD/thùng, tương đương tăng 2,49%, đạt 74,83 USD/thùng.

“Sự xoay trục chính sách của Fed là có thật. Điều này tác động tới giá của tất cả các hàng hóa cơ bản”, nhà phân tích cấp cao Phil Flynn của công ty Price Futures Group nhận định.

Đầu tuần này, giá của cả hai loại dầu đều giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1 do lo ngại về triển vọng tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc, việc Chính phủ Mỹ điều chỉnh giảm mạnh số liệu thống kê về số lượng việc làm mới được tạo ra trong nửa đầu năm nay, và khả năng sắp đạt được một thỏa thuận ngừng bắn cho dải Gaza.

Ngoài triển vọng Fed sắp hạ lãi suất, giá dầu trong phiên ngày thứ Sáu còn được hỗ trợ bởi cú giảm mạnh của đồng USD. Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh của bạc xanh so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác giảm 0,82%, chốt ở mức 100,68 điểm.

Xu hướng giảm của lượng dầu tồn trữ ở Mỹ trong mấy tuần gần đây cũng hỗ trợ giá dầu, dù một số tổ chức dự báo gồm Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) gần đây đều hạ dự báo về tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu trong năm 2025.

“Hiện tại, cân bằng cung-cầu trên thị trường dầu lửa đang thắt chặt, với lượng dầu tồn trữ của Mỹ giảm bình quân khoảng 1,2 triệu thùng mỗi ngày trong vòng 4 tuần trở lại đây. Chúng tôi dự báo xu hướng này sẽ tiếp tục trong quý 3 năm nay”, một báo cáo của ngân hàng Morgan Stanley cho biết.

Dù tăng mạnh trong phiên ngày thứ Sáu, giá dầu vẫn giảm tuần này, với giá dầu WTI giảm 2,4% và giá dầu Brent giảm 0,83%. Nếu tính từ đầu năm, giá dầu WTI đến nay đã tăng 4,4% và giá dầu Brent tăng 2,6%.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate