May 30, 2024 | 07:59 GMT+7

Chứng khoán Mỹ và giá dầu đồng loạt sụt mạnh vì nỗi lo lãi suất cao hơn lâu hơn

Bình Minh -

Phiên giảm điểm này diễn ra trên diện rộng, với toàn bộ 11 nhóm cổ phiếu ngành chính trong S&P 500 đồng loạt chốt phiên trong sắc đỏ...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Retuers.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Retuers.

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (29/5), dưới sức ép đến từ lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng và khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trì hoãn việc giảm lãi suất. Khả năng lãi suất cao hơn lâu hơn cũng khiến giá dầu thô giảm đáng kể trước thềm cuộc họp sản lượng của OPEC+.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones “bốc hơi” 411,32 điểm, tương đương giảm 1,06%, còn 38.441,54 điểm. Chỉ số S&P 500 sụt 0,74%, còn 5.266,95 điểm, đánh dấu phiên giảm đầu tiên trong vòng 3 phiên trở lại đây.

Chỉ số Nasdaq ghi nhận mức giảm nhẹ nhàng hơn hai thước đo còn lại, mất 0,58%, còn 16.920,58 điểm.

Đà tăng của cổ phiếu hãng sản xuất con chip Nvidia giúp hạn chế bớt mức giảm của Nasdaq. Dù có thời điểm trong phiên giảm 2,6%, Nvidia vẫn chốt phiên với mức tăng 0,8%. Cổ phiếu có mức vốn hoá khổng lồ này đã tăng liên tục kể từ hôm thứ Tư tuần trước, với tổng mức tăng đạt gần 21%, sau khi công bố kết quả kinh doanh vượt xa kỳ vọng.

Phiên giảm điểm này diễn ra trên diện rộng, với toàn bộ 11 nhóm cổ phiếu ngành chính trong S&P 500 đồng loạt chốt phiên trong sắc đỏ. Sự giảm điểm diễn ra ở hơn 440 trong số 500 cổ phiếu thành viên của chỉ số. Đối với Dow Jones - chỉ số gồm 30 thành viên - có 27 cổ phiếu giảm phiên này.

Nguyên nhân chính dẫn tới phiên bán tháo này là lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng phiên thứ hai liên tiếp, lên ngưỡng 4,6%. Lợi suất của kỳ hạn này vượt qua mức 4,5% - một ngưỡng chủ chốt khiến nhà đầu tư lo ngại - vào hôm thứ Ba, sau khi một phiên đấu giá trái phiếu của Bộ Tài chính Mỹ nhận được lực cầu ảm đạm từ phía nhà đầu tư.

Lợi suất tăng có thể làm giảm mức định giá mà nhà đầu tư sẵn sàng đưa ra đối với cổ phiếu, đồng thời đẩy chi phí đi vay tăng lên, ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu chi tiêu của người tiêu dùng, đồng thời khiến các quỹ đầu tư tín phiếu và quỹ thị trường tiền tệ trở nên hấp dẫn hơn so với đầu tư cổ phiếu.

Ngoài ra, kết quả một cuộc khảo sát của tổ chức nghiên cứu Conference Board cho thấy niềm tin của người tiêu dùng Mỹ bất ngờ tăng trong tháng 5 sau khi suy giảm 3 tháng liên tiếp. Sự khởi sắc niềm tin tiêu dùng này có được là nhờ lạc quan về thị trường lao động.

Tin tốt là tin xấu, vì những tín hiệu cho thấy sự vững vàng của nền kinh tế Mỹ củng cố khả năng Fed duy trì lãi suất hiện tại lâu hơn để ứng phó với áp lực giá cả. Triển vọng lãi suất cao hơn lâu hơn gây bất lợi cho giá cổ phiếu và nhiều loại hàng hoá cơ bản.

Cuộc khảo sát của Conference Board cũng cho thấy người tiêu dùng tiếp tục lo ngại về lạm phát cao kéo dài, đồng thời nhiều hộ gia đình kỳ vọng lãi suất còn cao trong vòng 1 năm tới.

Hiện tại, các nhà giao dịch gần như không còn hy vọng Fed bắt đầu giảm lãi suất vào tháng 9. Thay vào đó, họ cho rằng phải đến tháng 11 Fed mới có đợt hạ lãi suất đầu tiên, và Fed sẽ chỉ giảm lãi suất 1 lần trong năm nay. Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool, thị trường đang đặt cược khả năng 54% Fed sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tháng 9.

“Lãi suất là chủ đề chính của ngày hôm nay”, chiến lược gia trưởng Adam Turnquist của công ty LPL Financial nhận định với hãng tin CNBC, nhấn mạnh rằng lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm và 2 năm đã đạt tới “những mức không hề dễ chịu” và “khiến nhiều nhà đầu tư cảm thấy bất an”.

Tuy nhiên, với thành quả tăng từ đầu tháng, thị trường đang tiến tới hoàn tất một tháng tăng mạnh. S&P 500 đã tăng 4,6% trong tháng 5 này, trong khi Dow Jones tăng khoảng 1,7% và Nasdaq tăng hơn 8%.

“Nhà đầu tư đang đặt câu hỏi: ‘Mùa hè này sẽ mang tới điều gì? Liệu môi trường vĩ mô có đang thực sự thay đổi?’ Năm nay, mọi thứ biến động rất nhanh chóng. Một số việc được kỳ vọng sẽ diễn ra, đến giờ khả năng diễn ra những việc đó đang giảm đi”, nhà phân tích Shelby McFaddin của công ty Motley Fool Asset Management nhận định.

Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London giảm 0,62 USD/thùng, tương đương giảm 0,74%, còn 83,6 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 0,6 USD/thùng, tương đương giảm 0,75%, còn 79,23 USD/thùng.

Khả năng Fed giữ lãi suất cao hơn lâu hơn đã gây áp lực giảm giá lên dầu. Ngoài ra, nhà đầu tư còn lo ngại về những dấu hiệu cho thấy nhu cầu tiêu thụ xăng ở Mỹ yếu.

Giới phân tích dự báo lượng tồn trữ xăng thương mại của Mỹ tăng thêm 1 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 24/5, trước nghỉ lễ Tưởng niệm (Memorial Day) vào hôm thứ Hai tuần này - thời điểm được coi là khởi động mùa lái xe cao điểm hàng năm ở Mỹ. Năm ngoái, lượng xăng tồn trữ thương mại ở Mỹ giảm 200.000 thùng trong cùng kỳ. Trong kỳ 5 năm từ 2019-2023, mức giảm bình quân được ghi nhận là 200.000 thùng.

Tuần tới, giá dầu có thể bị chi phối bởi kết quả cuộc họp sản lượng vào ngày Chủ nhật tuần này của OPEC+, liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối gồm Nga. Theo giới thạo tin, lần họp này, OPEC+ sẽ duy trì kế hoạch giảm sản lượng tự nguyện 2,2 triệu thùng/ngày cho tới hết năm nay.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate