Theo số liệu mới nhất từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), nhà đầu tư trong nước đã mở mới 102.244 tài khoản chứng khoán trong tháng 9, giảm 34% so với tháng trước và chỉ bằng 1/5 so với giai đoạn bùng nổ hồi tháng 5-6 năm nay.
Đây là lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư nội thấp nhất kể từ tháng 7/2021 và là tháng thứ 3 liên tiếp sụt giảm mạnh.
Trong đó, nhà đầu tư cá nhân mở mới 102.144 tài khoản và các tổ chức mởi mới 100 tài khoản. Tính đến cuối tháng 9, số tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước đã vượt hơn 6,5 triệu tài khoản, tương đương khoảng 6,5% dân số. Lũy kế 9 tháng đầu năm, nhà đầu tư trong nước mở mới 2,3 triệu tài khoản chứng khoán, vượt xa con số cả năm 2021 (1,53 triệu tài khoản).
Cùng với việc sụt giảm đáng kể lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, thanh khoản đã giảm mạnh trong tháng 9 vừa qua. Giá trị giao dịch bình quân thông qua khớp lệnh trên Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh giảm xuống còn 11,7 nghìn tỷ đồng/phiên (-16,6% so với tháng trước).
Chính sách thắt chặt tiền tệ toàn cầu khiến thanh khoản giảm sút không chỉ trên thị trường chứng khoán toàn cầu, mà cả tại thị trường chứng khoán Việt Nam. Hệ quả này lấn át sự tích cực của việc giao dịch T+2 và giao dịch lô lẻ, có hiệu lực từ đầu tháng 9.
Mặc dù vậy, các nhà đầu tư cá nhân trong nước đã đảo chiều mua ròng trong tháng Chín với giá trị 2.705 tỷ đồng và lũy kế từ đầu năm duy trì vị thế mua ròng đạt 8.167 tỷ đồng.
Trong khi đó, khối ngoại gây ngạc nhiên khi quay lại bán ròng với giá trị -2.333 tỷ đồng sau 5 tháng mua ròng liên tiếp. Trong đó, ngân hàng, dịch vụ tài chính và bất động sản là nhóm ngành bị hút ròng nhiều nhất từ các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, lũy kế cả năm vẫn duy trì vị thế mua ròng ở mức 1.408 tỷ đồng.