October 09, 2019 | 12:12 GMT+7

Chứng khoán sáng 9/10: Tranh "nhảy tàu" FTM, giá lại sàn

Lan Ngọc

Phiên giao dịch èo uột sáng nay kéo lại chút hào hứng ở cuộc chơi với FTM. Hành trình cứu giá cổ phiếu này đang đi đến đoạn "mạnh ai nấy chạy"?

Phiên giao dịch èo uột sáng nay kéo lại chút hào hứng ở cuộc chơi với FTM. Hành trình cứu giá cổ phiếu này đang đi đến đoạn "mạnh ai nấy chạy"?

FTM được trục vớt từ ngày 27/9 và đã trải qua 8 phiên trần liên tiếp và sáng nay có thêm phiên thứ 9 trước khi xuất hiện tình trạng mạnh ai nấy chạy.

FTM được mua gom gần 4,8 triệu cổ tại đáy ngày 27/9. Vòng T3 đầu tiên giao dịch gần 3,3 triệu cổ, giá có chút biến động nhưng cuối cùng vẫn kịch trần. Liên tiếp các phiên sau đó vẫn có một bộ phận nhà đầu cơ "nhảy tàu" trong lặng lẽ nhưng cơ bản là thanh khoản yếu và không tác động nhiều đến giá.

Hôm nay xuất hiện phiên "nhảy tàu" quy mô lớn, mới phiên sáng FTM đã giao dịch hơn 4,68 triệu cổ. Ban đầu giá tiếp tục được kéo lên kịch trần 5.080 đồng. Khoảng 1,02 triệu cổ thoát được giá tốt nhất này. Lực bán ngày càng tăng và giá bắt đầu rơi xuống sàn 4.420 đồng. Khoảng 2,46 triệu cổ chạy được giá thấp nhất và đang còn ế 337.260 cổ.

FTM thu hút chú ý vì có khá nhiều công ty chứng khoán mắc kẹt khối lượng lớn và sau quá trình rơi tự do đã được trục vớt. Việc cứu giá không khó, nhưng duy trì giá để thoát ra mới là vấn đề. Ban đầu chắc chắn phải có sự đồng thuận, nhưng sẽ có không ít nhà đầu cơ khác "bâu" vào mua theo vì thông tin cũng không phải dạng bí mật. Cho tới hôm qua FTM đã tăng hơn 70% kể từ đáy.

Hành trình kéo giá lên mạnh như vậy cũng là "đáng nể" nhưng càng lên cao sẽ càng gặp khó khăn. Mâu thuẫn lợi ích ngày càng lớn và thiếu đồng thuận ngày càng rõ. Sáng nay có thể là phiên biến động thể hiện rõ sự mâu thuẫn nội tại.

Biến động giá của FTM hiện tại chỉ mang tính thị trường, cung cầu chứ không mang yếu tố cơ bản. Đó là điều thị trường đã nắm rõ nên sóng đến mức nào phụ thuộc hoàn toàn vào "lực" của bên đánh lên mạnh tới đâu.

Trở lại với các diễn biến chung, phiên hôm nay tiếp tục kiểm chứng khả năng dẫn dắt của nhóm cổ phiếu ngân hàng. Đà tăng của nhóm này bắt đầu suy yếu và có sự phân hóa. CTG nổi lên với mức tăng 2,65%, mức tăng mạnh nhất 18 phiên và thanh khoản cũng cao thứ hai trong nhóm, đạt 4,28 triệu cổ tương đương 90,8 tỷ đồng.

VCB đã chậm lại, chỉ còn tăng 0,24%, BID cũng chỉ tăng 0,85% VPB tăng 0,45%. Số còn lại làng nhàng: MBB tăng 0,66%, HDB tăng 0,18%, TCB giảm 0,21%, STB giảm 0,45%, EIB giảm 0,89%...

Điểm chung của nhóm cổ phiếu này là đà tăng chậm dần và không cổ phiếu nào duy trì được mức tăng tốt nhất. Thậm chí CTG cũng đang bị lực xả mạnh ép xuống, giá ban đầu tăng tới 3,37%.

Nhóm trụ nổi lên hỗ trợ ngân hàng chỉ có GAS tăng 1%. VIC tăng nhẹ 0,51%, VRE tăng 1,92% còn VHM tham chiếu. VNM giảm sâu 0,93%, SAB tham chiếu.

Như vậy do nhóm ngân hàng yếu đi, các trụ khác không bứt phá thay thế, VN-Index phiên sáng tăng không rõ ràng mà chỉ đủ cố gắng thoát giảm. Kết thúc phiên chỉ số tăng nhẹ 0,27% và đứng ngay 990,89 điểm với 132 mã tăng/133 mã giảm.

VN30-Index tăng không đáng kể 0,08% với 15 mã tăng/10 mã giảm. Nhóm cổ phiếu cơ sở của chứng quyền cũng chậm lại: FPT tăng 0,89%, MWG tăng 0,08%.

HNX sáng nay có nhiều trụ tốt: ACB tăng 0,86%, VCG tăng 3,02%, VCS tăng 1,28%, SHB tăng 3,08%. Nhờ đó HNX-Index tăng 0,6% với 46 mã tăng/58 mã giảm. HNX30 tăng 0,87% với 9 mã tăng/7 mã giảm.

Độ rộng hai sàn cho thấy thị trường phân hóa khá mạnh trên bình diện chung lẫn trong nhóm blue-chips. Các nhóm cổ phiếu dẫn dắt chững lại và không có sự thay thế rõ nét nên đà tăng cũng yếu.

Nguyên nhân quan trọng là thanh khoản đã không có cải thiện và dòng tiền vẫn chỉ tâp trung vào ngân hàng. Tổng giá trị khớp hai sàn tăng khoảng 9% so với sáng hôm qua nhưng hoàn toàn là do ROS giao dịch. Trừ cổ phiếu này ra thì thanh khoản không tăng. VPB, MBB, CTG hút phần lớn tiền của nhóm VN30, chiếm 32,2% của 29 mã nhóm này.

Khối ngoại giao dịch cân bằng ở HSX, bán ra 126,8 tỷ đồng, mua vào 127,6 tỷ đồng. VN30 mua 101,9 tỷ, bán 83,7 tỷ. HNX mua 2,3 tỷ, bán 7,3 tỷ đồng. Chỉ có 3 blue-chips được mua đáng kể là STB, HPG và VRE. Phía bán ròng có CTG, HDB, TDH, ITA, TNA, POW.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate