Thị trường chứng khoán toàn cầu tăng điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (7/11), khi giới đầu tư cho rằng Trung Quốc có thể sắp dỡ các hạn chế chống Covid và phập phồng hy vọng rằng nền kinh tế Mỹ đang giảm tốc tới mức đủ để Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sớm giảm tốc độ tăng lãi suất.
Tuy nhiên, tâm lý của nhà đầu tư cũng ít nhiều thận trọng trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ ở Mỹ vào ngày thứ Ba. Điều này khiến giá dầu giằng co mạnh và kết thúc phiên trong trạng thái giảm, dù đã có lúc đạt đỉnh 2 tháng.
Phiên đầu tuần đón nhận số liệu thống kê cho thấy cả xuất khẩu và nhập khẩu của Trung Quốc bất ngờ giảm trong tháng 10, trong bối cảnh nước này tiếp tục áp dụng các biện pháp hà khắc để chống dịch Covid-19. Thị trường cũng không loại trừ khả năng dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ công bố ngày thứ Năm sẽ tiếp tục cho thấy lạm phát ở nước này vẫn nóng. Dù vậy, với mức độ ham thích rủi ro tăng lên so với các phiên trước, nhà đầu tư vẫn xuống tiền mua cổ phiếu.
Tại Mỹ, nhà đầu tư đang chờ đợi cuộc bỏ phiếu sẽ quyết định xem liệu phe Cộng hoà có thể giành quyền kiểm soát Quốc hội Mỹ từ tay Đảng Dân chủ.
“Thị trường vẫn đang hành xử dựa theo các thông tin hàng ngày, trước mắt là bầu cử”, chiến lược gia trưởng Tim Ghriskey của Inverness Counsel nói với hãng tin Reuters. “Nhưng kết quả bầu cử sẽ không có ảnh hưởng lớn đến thị trường. Nhân tố ảnh hưởng chính vẫn là chính sách của Fed và cuộc chiến tranh Nga-Ukraine”.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 1,31%; S&P 500 tăng 0,96%; và Nasdaq tăng 0,85%.
Trong số các thị trường chủ chốt của châu Âu, chỉ có chứng khoán Anh giảm phiên này, với chỉ số FTSE mất 0,48% điểm số. Chỉ số DAX của Đức tăng 0,55%; CAC của Pháp gần như đi ngang; và Stoxx 600 của thị trường khu vực chốt phiên với mức tăng 0,33%.
Trước đó, thị trường chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương ghi nhận mức tăng 1,3% trong phiên ngày thứ Hai. Chỉ số MSCI All Country World Index của chứng khoán thế giới tăng 1,14%.
Việc mỗi chính đảng của Mỹ nắm quyền kiểm soát một viện Quốc hội nước này thường được xem là tốt cho thị trường chứng khoán. Hiện tại, Đảng Dân chủ đang nắm đa số mong manh ở cả Thượng viện và Hạ viện.
Tuy nhiên, nhà phân tích cấp cao Joe Manimbo của công ty Convera cho rằng hy vọng về việc kinh tế Mỹ đang mất đà và Fed từ đó sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất mới là động lực chính đưa thị trường tăng điểm phiên này. Ngoài ra, hy vọng này cũng kéo đồng USD giảm giá.
“Thị trường đang thực sự hy vọng về việc Fed chuyển sang mềm mỏng hơn. Nhà đầu tư có thể bấu víu vào bất kỳ dấu hiệu suy yếu nào của nền kinh tế để nuôi dưỡng hy vọng rằng sự dịch chuyển của Fed sẽ sớm diễn ra”, ông Manimbo nói.
Hôm thứ Sáu tuần trước, Bộ Lao động Mỹ đã công bố báo cáo việc làm tháng 10 cho thấy tỷ lệ thất nghiệp tăng lên. Tuần này, ngoài cuộc bầu cử ở Mỹ, tâm điểm chú ý sẽ hướng tới báo cáo lạm phát tháng 10 công bố vào ngày thứ Năm. Ông Manimbo nhấn mạnh rằng số liệu lạm phát yếu hơn dự báo sẽ thúc đẩy tâm lý ham thích rủi ro của nhà đầu tư, đồng thời gây áp lực giảm lên tỷ giá đồng USD.
Thị trường hiện dự báo lạm phát tháng 10 ở Mỹ giảm còn 8%, từ mức 8,2% của tháng trước, và lạm phát lõi hạ về 6,5% từ 6,6%.
Phiên này, chứng khoán thế giới cũng hưởng lợi từ những đồn đoán cho rằng Trung Quốc có thể sắp giảm bớt một số hạn chế chống Covid, sau khi Chính phủ nước này phát tín hiệu sẽ cho phép việc ra, vào thủ đô Bắc Kinh được dễ dàng hơn.
Chiến lược gia Stephane Ekolo của công ty Tradition nói rằng thị trường đang cố tìm một cái cớ để mua cổ phiếu. “Dù Trung Quốc vẫn giữ chiến lược Zero-Covid, một số người trên thị trường đang cố tin rằng Bắc Kinh sẽ nới lỏng chính sách này”, bà Ekolo nói.
Giá dầu thô có lúc tăng lên mức cao nhất kể từ cuối tháng 8, nhờ hy vọng Trung Quốc sắp nới hạn chế. Tuy nhiên, giá dầu đã có một phiên giằng co mạnh và chốt phiên trong trạng thái giảm.
Lúc đóng cửa, giá dầu thô WTI giao sau tại New York giảm 0,82 USD/thùng, còn 91,79 USD/thùng. Giá dầu Brent giao sau tại London giảm 0,65 USD/thùng, còn 97,92 USD/thùng.