January 04, 2021 | 15:28 GMT+7

Chứng khoán Việt Nam đứng trước vận hội mới năm 2021

Hoàng Linh

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng kỳ vọng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có một năm 2021 tiếp tục phát triển mạnh mẽ cả về quy mô và chất lượng

Lễ đánh cồng khai trương phiên giao dịch chứng khoán đầu tiên năm 2021
Lễ đánh cồng khai trương phiên giao dịch chứng khoán đầu tiên năm 2021

Sáng ngày 4/1/2021, tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã tới dự và đánh cồng khai trương phiên giao dịch chứng khoán đầu tiên năm 2021. 

Bộ trưởng đánh giá, thành công của thị trường chứng khoán năm 2020 đến từ nhiều yếu tố, trong đó, ghi nhận sự kiên định của ngành chứng khoán trong việc giữ thị trường hoạt động thông suốt, không ngừng nghỉ ngay cả khi xã hôi phải áp dụng biện pháp giãn cách để chống lại đại dịch Covid-19. Cùng với đó, Bộ trưởng ghi nhận và cảm ơn nhà đầu tư đại chúng, đã bền bỉ giữ thị trường, góp sức tạo nên sự tăng trưởng mạnh mẽ trên nhiều chỉ tiêu đánh giá của năm 2020.

"Có thể nói thành công trong phòng chống dịch bệnh, duy trì đà tăng trưởng kinh tế dương và các chính sách hỗ trợ kịp thời của Chính phủ, các chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt của Bộ Tài chính là những yếu tố nền tảng tạo nên một năm thành công ngoài mong đợi của Thị trường Chứng khoán Việt Nam", Bộ trưởng đánh giá.

Năm 2020, thị trường chứng khoán Việt Nam được ghi nhận là thị trường có mức tăng trưởng mạnh nhất thế giới. 84% công ty đại chúng quy mô lớn trên thị trường chứng khoán làm ăn có lãi, một tỷ lệ rất cao trong năm chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid – 19 so với các khu vực khác của nền kinh tế. Các thị trường cổ phiếu, trái phiếu, chứng khoán phái sinh đều tăng mạnh về quy mô vốn hoá, về thanh khoản. 

Giá trị huy động vốn của doanh nghiệp thông qua phát hành cổ phiếu và trái phiếu đều tăng trưởng đột phá so với cùng kỳ. Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 84,3% GDP, quy mô dư nợ thị trường trái phiếu đạt 45% GDP (mục tiêu đề ra tương ứng là 70% GDP và 30% GDP), thị trường chứng khoán dần trở thành kênh huy động và phân bổ vốn trung và dài hạn có hiệu quả cho các doanh nghiệp và nền tinh tế. Do vậy, thị trường chứng khoán Việt Nam đã được ghi nhận là một trong những thị trường có mức chống chịu và phục hồi tốt nhất thế giới.

Năm 2021, trước nguy cơ tác động của đại dịch Covid-19, thị trường có thể vẫn sẽ có những diễn biến phức tạp, phụ thuộc vào các yếu tố chính như thời điểm vắc-xin phòng Covid-19 đối với nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên với những kinh nghiệm và thành công bước đầu trong phòng chống đại dịch và tiềm năng vị thế sẵn có, Bộ trưởng đặt niềm tin, kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng đang đứng trước những vận hội mới. 

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 khai mạc trong vài ngày tới sẽ thông qua những văn kiện quan trọng như Chiến lược phát triển 10 năm 2021 - 2030, Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021 - 2025. Trên cơ sở đó Chính phủ sẽ ban hành các kế hoạch, giải pháp thực thi hiệu quả để thúc đẩy phát triển kinh tế mạnh mẽ ngay từ đầu năm. Cũng từ đầu năm nay, Luật Chứng khoán, Luật doanh nghiệp và Luật Đầu tư cùng có hiệu lực, tạo ra một khuôn khổ pháp lý và môi trường đầu tư đồng bộ hơn, minh bạch hơn cho hoạt động của doanh nghiệp, bảo vệ nhà đầu tư và phát triển thị trường chứng khoán bền vững.

Với sự ổn định của kinh tế vĩ mô, với Luật Chứng khoán đã được ban hành và những giải pháp thiết thực trên đây, người đứng đầu ngành tài chính tin rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có một năm 2021 tiếp tục phát triển mạnh mẽ cả về quy mô và chất lượng, tiếp tục khẳng định là kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế và là công cụ quản lý vĩ mô hiệu quả của Chính phủ.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate