May 04, 2021 | 09:13 GMT+7

Chứng khoán Việt rẻ hơn nhờ lợi nhuận quý 1 "bùng nổ"

Kiều Trang -

Trong số hơn 500 doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính có đến 63% báo lợi nhuận tăng trưởng mạnh. Trong khi đó, P/E của VN-Index đang ở mức thấp so với nhiều thị trường trong khu vực…

Diễn biến chỉ số ngành từ đầu năm 2021.
Diễn biến chỉ số ngành từ đầu năm 2021.

Thống kê cho thấy, tính đến 3/5, đã có khoảng 530 doanh nghiệp trên hai sàn HNX, HSX công bố báo cáo tài chính quý 1/2021 với hơn 330 doanh nghiệp báo lãi tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 63% tổng số doanh nghiệp đã báo cáo. Trong đó có đến 172 doanh nghiệp có mức tăng trưởng từ 100% trở lên, những doanh nghiệp báo lợi nhuận tăng trưởng lên đến 200-300%, hàng nghìn phần trăm cũng không phải hàng hiếm.

Nhóm doanh nghiệp ngân hàng, công ty chứng khoán, bất động sản hay vật liệu xây dựng…đã dẫn đầu tăng trưởng lợi nhuận trong quý 1/2021.

Cụ thể, ở nhóm ngân hàng, trong số 19/27 ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh (chiếm 60% vốn hoá của ngành) với lợi nhuận sau thuế tăng 86,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tại Vietinbank, ngân hàng này dẫn đầu về tăng trưởng lợi nhuận với mức tăng 169,1%; Maritime Bank cũng có mức tăng trưởng lợi nhuận lên đến 300%; MB Bank tăng trưởng 107% hay như SHB tăng trưởng 116%; LienvietPostBank tăng 80,6%; Ngân hàng ACB tăng 61%; BIDV tăng 88%.

Ở nhóm công ty chứng khoán, đa số lợi nhuận doanh nghiệp bùng nổ trong quý 1/2021 như VnDirect lợi nhuận đạt 499,8 tỷ đồng, tăng 760%; Chứng khoán Trí Việt tăng 1.093%; Chứng khoán SHS tăng 481%; Chứng khoán Everest tăng 758%; Chứng khoán MB tăng 278%; Chứng khoán FPT tăng 249%.

Ở nhóm ngành xây dựng, bất động sản, nhiều doanh nghiệp vốn hoá lớn cũng công bố báo cáo lợi nhuận ròng tăng vọt bất chấp tác động của đại dịch Covid 19 còn dai dẳng như Tập đoàn Vingroup lợi nhuận tăng 377% so với cùng kỳ; Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long lợi nhuận ròng quý 1/2021 đạt 365 tỷ đồng tăng 230% so với quý 1/2020; Bất động sản An Gia tăng 635%; Hoà Phát tăng 205%; Thép Nam Kim tăng 668%; Novaland tăng 66,8%; Tổng công ty CP Thiết bị điện Việt Nam tăng 366%.

Đáng lưu ý, có những doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận ròng lên đến hàng nghìn phần trăm như: Công ty CP Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh tăng đến 1.556%; Công ty CP Thương nghiệp Cà Mau tăng 3.732%…

Chứng khoán Việt rẻ hơn nhờ lợi nhuận quý 1 "bùng nổ" - Ảnh 1

Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng của doanh nghiệp đã giúp cho thị trường chứng khoán Việt Nam trở nên hấp dẫn với định giá P/E theo Bloomberg tính đến ngày 29/4 là 17,68 lần, trong khi của Singapore là 39 lần, Thái Lan là 38 lần; Philippines và Indonesia là 27...

P/E forward 2021 của VN-Index đang ở mức 16,3 lần, mức này còn cách xa so với đỉnh lịch sử là 22 lần vào thời điểm năm 2018 và thấp hơn tương đối so với các nước khác như Thái Lan, Philippines, Indonesia, Nhật Bản… Tương quan P/E forward 12 tháng với 2 chỉ số tiêu chuẩn khác là FTSE- EM Index thì giá trị so sánh của VN-Index vẫn đang ở mức thấp trong nhiều năm qua.

“Định giá P/E cho thấy sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam và tiềm năng thu hút dòng vốn ngoại khi thị trường Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi”, báo cáo của Mirae Asset nhấn mạnh.

So sánh VnIndex so với các thị trường trong khu vực (Nguồn: VnDirect).
So sánh VnIndex so với các thị trường trong khu vực (Nguồn: VnDirect).

P/E chỉ là một yếu tố để đánh giá mức độ đắt hay rẻ của thị trường. Định giá thị trường chứng khoán Việt Nam rẻ còn phụ thuộc vào chỉ số Vn-Index.

Dù đạt đỉnh lịch sử 1.268 điểm (ngày 20/4) song Vn-Index vẫn đang ở vùng giá hấp dẫn. Trong khi các thị trường khác tăng mạnh từ đầu năm thì Vn-Index chỉ tăng hơn 10%, chưa kể, các yếu tố hỗ trợ tích cực đang có phần vượt trội so với các yếu tố ảnh hưởng tiêu cực.

Chẳng hạn, Fed và các Ngân hàng Trung ương lớn trên thế giới vẫn giữ nguyên chính sách tiền tệ nới lỏng; Tăng trưởng GDP Việt Nam quý 2/2021 được dự báo khuếch đại từ mức nền thấp của cùng kỳ năm trước; Lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết chưa công bố được dự báo tăng trưởng mạnh từ mức nền thấp của quý 1 năm trước sẽ tiếp tục kéo mặt bằng định giá P/E về mức hấp dẫn hơn.

Theo nhận định của giới chuyên môn, tất nhiên mỗi quốc gia sẽ có những lợi thế hay sức mạnh tài chính riêng nhưng một khi có sự chênh lệch lớn về định giá giữa các thị trường chứng khoán thì P/E chính là cơ sở cho các quỹ đầu tư quan tâm, xem xét giải ngân.

Thực tế, sau khi bán ròng suốt từ đầu năm đến nay, trong tuần giao dịch trước kỳ nghỉ lễ  30/4 - 1/5, khối ngoại bất ngờ quay sang mua ròng toàn thị trường. Trong đó, 3 quỹ ETFs lớn nhất thị trường, bao gồm VFM VNDiamond ETF, VNM ETF, Fubon FTSE Vietnam ETF đã hút ròng lượng vốn lên tới hơn 2.500 tỷ đồng. Những tín hiệu tích cực từ khối ngoại đã giúp cho thị trường chứng khoán Việt Nam ngày càng trở nên hấp dẫn hơn trong tháng “Sell in may”.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate