Cả hai ứng viên Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump và bà Hillary Clinton, đều bày tỏ ý định tăng cường bảo hộ thương mại, phát triển sản xuất trong nước, phản đối Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)...
Điều này có ảnh hưởng tiêu cực ít nhiều đến triển vọng kinh tế của Việt Nam, cũng như kỳ vọng của các nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến từ giới tài chính trong nước nhận định, nếu ông Trump trở thành Tổng thống Mỹ thì hệ quả trước mắt với kinh tế Việt Nam sẽ lớn hơn so với bà Clinton.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho rằng những phản ứng của thị trường chứng khoán và vàng tại Mỹ thời gian qua đã phần nào thể hiện quan điểm của giới tài chính với hai ứng viên trong cuộc đua vào Nhà Trắng.
Ông Hưng cho rằng ông Trump là người không ổn định trong suy nghĩ, bất cần, phát ngôn không đồng nhất, và không tôn trọng phụ nữ. "Suy cho cùng, điều quan trọng nhất đối với thị trường tài chính là niềm tin", ông nói.
Với tính cách và chiến lược tranh cử của bà Clinton, ông Hưng cho rằng nếu bà trúng cử sẽ có sự thuận lợi, ổn định hơn cho giới tài chính thế giới và Việt Nam.
Công ty Chứng khoán MB (MBS) dự báo khả năng thông qua TPP bị kéo dài đến 2018, với nhiều sửa đổi, thậm chí có thể bị xóa bỏ. Chủ nghĩa bảo hộ lên ngôi sau cuộc bầu cử này khi Mỹ đóng vai trò kích hoạt, tiến trình toàn cầu hóa do đó sẽ bị chậm lại, ảnh hưởng tiêu cực đến thương mại toàn cầu.
"Nếu ông Trump bất ngờ thắng cử, đây sẽ là một cú sốc mạnh cho chứng khoán thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, do các quan điểm cứng rắn và không có lợi cho kinh tế toàn cầu của Trump. Dự đoán các thị trường chứng khoán chính trên thế giới và Việt Nam sẽ có nhịp điều chỉnh từ 5-7%", MBS nhận định và cho rằng VN-Index sẽ bị tác động tiêu cực trong ngắn hạn.
Theo MBS, trong dài hạn, cả hai ứng viên đều không tác động tốt với chứng khoán Việt Nam, vì cùng tỏ ra không mặn mà với TPP. Việc Mỹ tăng cường áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại sẽ khiến giá hàng nhập khẩu của Mỹ tăng, kéo theo lạm phát tại nước này. Điều lại dẫn tới khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) buộc phải dừng các biện pháp nới lỏng tiền tệ hiện nay, tác động tiêu cực đến dòng vốn chảy vào các thị trường chứng khoán toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Khoáng sản, hàng hoá cơ bản sẽ giảm giá, dệt may và da giày xuất khẩu vào Mỹ cũng khó tăng trưởng do giả thiết TPP bị trì hoãn. Dĩ nhiên, trong trường hợp bà Clinton trúng cử, mức độ ảnh hưởng sẽ nhẹ hơn.
Trong khi đó, Công ty Chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC) cho rằng, thông tin từ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang có ảnh hưởng đến tâm lý cũng như diễn biến thị trường chứng khoán trong nước.
Trong trường hợp bà Clinton đắc cử, đây sẽ là thông tin tích cực trong ngắn hạn, giúp kéo dòng tiền trở lại thị trường. VN-Index có thể quay lại kiểm tra mốc 690 điểm và có thể lập đỉnh cao mới trong năm.
Còn trong trường hợp ông Trump đắc cử, tâm lý lo âu sẽ kéo thị trường giảm điểm. VN-Index có thể mất mốc 650 điểm và thậm chí còn tiêu cực hơn nữa trước khi ổn định trở lại.
Trước đó, theo thống kê của VnEconomy, tính đến hết 30/9/2016, lượng vay margin của 10 công ty chứng khoán lớn đã vượt 20.000 tỷ đồng, cao nhất trong ba năm trở lại đây. Vì vậy, những biến động mạnh trên thị trường tài chính thế giới đang là nỗi ám ảnh của nhiều nhà đầu tư Việt.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate