February 24, 2021 | 22:30 GMT+7

Chuỗi cung ứng công nghệ "không Trung Quốc" của Mỹ và đồng minh sẽ như thế nào?

Ngọc Trang

Hiện tại, Mỹ phụ thuộc vào khoảng 80% đất hiếm nhập khẩu từ Trung Quốc và tới 90% đối với một số sản phẩm y tế

Tỷ trọng sản lượng sản phẩm bán dẫn trên toàn cầu của Mỹ giảm từ 37% năm 1990 xuống còn 12% hiện tại - Ảnh: Reuters
Tỷ trọng sản lượng sản phẩm bán dẫn trên toàn cầu của Mỹ giảm từ 37% năm 1990 xuống còn 12% hiện tại - Ảnh: Reuters

Theo nguồn tin của Nikkei Asia, Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ ký một sắc lệnh để thúc đẩy xây dựng chuỗi công nghệ cung cấp chíp và các sản phẩm chiến lược khác cùng với các đồng minh như Đài Loan, Nhật Bản Hàn Quốc, nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Sắc lệnh này dự kiến được ký sớm nhất trong tháng này.

Các chuỗi cung ứng này sẽ giúp những nước thành viên giảm bớt rủi ro từ những gián đoạn như thảm họa thiên nhiên hoặc lệnh cấm vận từ "các quốc gia không thân thiện". Trong tâm chủ yếu của các chuỗi cung ứng này là sản phẩm bán dẫn, pin xe điện, nguyên tố đất hiếm và sản phẩm y tế, theo tài liệu mà Nikkei Asia có được.

CHUỖI CUNG ỨNG CÔNG NGHỆ QUAN TRỌNG "KHÔNG CÓ TRUNG QUỐC"

Tài liệu nêu rõ "hợp tác với các đồng minh có thể tạo ra một chuỗi cung ứng bền vững và mạnh mẽ". Điều này cho thấy trọng tâm của kế hoạch này sẽ là các mối quan hệ quốc tế. Washington dự kiến theo đuổi mối quan hệ đối tác với Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc trong lĩnh vực sản xuất chip và với các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương bao gồm Australia để khai thác đất hiếm.

Theo tài liệu trên, Mỹ có kế hoạch chia sẻ thông tin với các đồng minh về mạng lưới cung ứng các sản phẩm quan trọng và tìm cách thúc đẩy sản xuất. Nước này dự kiến xem xét một khuôn khổ để chia sẻ nhanh chóng các mặt hàng này trong trường hợp khẩn cấp, cũng như thảo luận về việc đảm bảo kho dự trữ và năng lực sản xuất dự phòng. Bên cạnh đó, các đối tác có thể sẽ được yêu cầu giảm bớt quan hệ làm ăn với Trung Quốc. 

Vấn đề liên quan tới chuỗi cung ứng ngày càng trở nên cấp bách hơn khi việc thiếu hụt con chíp ảnh hưởng nặng nề tới các nhà sản xuất ôtô trên thế giới trong năm qua. Theo dữ liệu của Boston Consulting Group, tỷ trọng sản lượng sản phẩm bán dẫn trên toàn cầu của Mỹ sụt giảm mạnh trong những thập kỷ gần đây, từ mức 37% năm 1990 xuống còn 12% hiện tại. 

Mặc dù Đài Loan, nơi có tỷ trọng lớn nhất thế giới với 22%, đang đẩy mạnh sản xuất chíp, các nhà máy tại đây đã hoạt động hết công suất và không có nhiều dư địa để tăng sản lượng trong ngắn hạn. 

Trong khi đó, Boston Consulting dự báo Trung Quốc, với chương trình hỗ trợ lên tới 100 tỷ USD của chính phủ, sẽ dẫn đầu thế giới với tỷ trọng 24% vào năm 2030. 

Theo các chuyên gia, việc phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc đối với những sản phẩm quan trọng tiềm ẩn nhiều rủi ro về an ninh. Bắc Kinh đã và đang dùng nhiều quy định để gây áp lực với các đối tác thương mại, như áp hạn mức xuất khẩu đất hiếm sang Trung Quốc vào năm 2010 khi căng thẳng giữa hai nước leo thang. 

Giới chuyên gia nhận định, việc tái cấu trúc các chuỗi cung ứng có thể cần nhiều thời gian, đặc biệt là với sản phẩm bán dẫn. Do số lượng các nhà sản xuất chíp trên thế giới có hạn, những công ty này có nhiều điều phải quan tâm để quyết định có về phe Mỹ hay không. Việc này đòi hỏi sự thấu hiểu và hợp tác từ các chính phủ.

Hiện tại, Mỹ phụ thuộc vào khoảng 80% đất hiếm nhập khẩu từ Trung Quốc và tới 90% đối với một số sản phẩm y tế.

NHỮNG BƯỚC ĐI ĐẦU TIÊN

Theo một nguồn tin từ chính phủ Nhật, Mỹ sẽ tiến hành đánh giá toàn diện chuỗi cung ứng của mình để xem xét mức độ phụ thuộc vào các quốc gia về sản phẩm bán dẫn và đất hiếm.

"Từ mùa thu năm ngoái, Washington đã bắt đầu đặt nền móng cho việc này, kêu gọi các nền kinh tế công nghệ cao hoặc sở hữu nhiều tài nguyên giá trị như Đài Loan, Nhật Bản và Australia, tham gia vào việc tháo gỡ chuỗi cung ứng từ Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng âm ỉ với Bắc Kinh", nguồn tin nói với Nikkei Asia.

Tháng 11/2020, quan chức cấp cao Mỹ và Đài Loan ký kết biên bản ghi nhớ để thúc đẩy hợp tác công nghệ trong 7 lĩnh vực, bao gồm sản phẩm bán dẫn và 5G, cũng như xây dựng "chuỗi cung ứng an toàn, bảo mật và đáng tin cậy".

Chuỗi cung ứng công nghệ "không Trung Quốc" của Mỹ và đồng minh sẽ như thế nào? - Ảnh 1.

TSMC sẽ đầu tư 12 tỷ USD xây nhà máy tại bang Arizona (Mỹ), dự kiến bắt đầu hoạt động vào năm 2024 - Ảnh: Reuters

Mùa xuân năm ngoái, Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. (TSMC), nhà sản xuất chíp hàng đầu thế giới, đã đạt thỏa thuận xây dựng nhà máy tại bang Arizona (Mỹ) - nơi có thể trở thành biểu tượng của mối quan hệ song phương này. TSMC sẽ đầu tư 12 tỷ USD vào nhà máy, nơi sẽ sản xuất sản phẩm bán dẫn cho quân đội và dự kiến bắt đầu hoạt động vào năm 2024. Dự án này sẽ nhận được một số ưu đãi từ chính phủ Mỹ.

Về đất hiếm, Mỹ đang hợp tác với Australia nhằm giảm sự phụ thuộc và Trung Quốc. Nhà sản xuất đất hiếm Lynas cũng Australia đang xây dựng một cơ sở sản xuất tại bang Texas với sự hỗ trợ tài chính từ Bộ Quốc phòng Mỹ.

Tuy nhiên, trong một số lĩnh vực khác, như 5G, các chuỗi cung ứng mới có thể sẽ khiến chi phí của các doanh nghiệp Mỹ, Nhật... đội lên trong khi họ vốn không thể cạnh tranh về giá với đối thủ Trung Quốc như Huawei Technologies.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate