Mỗi buổi sáng, Loek đến xưởng may nơi anh làm việc ở tỉnh Kandal, Campuchia để sản xuất quần áo cho một trong những thương hiệu lớn nhất thế giới. Người đàn ông 42 tuổi đã làm việc ở đó được 9 năm, nhưng năm nay cái nóng trở nên đặc biệt khó chịu. Máy móc, đông công nhân và bàn ủi tỏa nhiệt, biến nhà máy thành lò lửa. Loek từng chứng kiến một nữ đồng nghiệp đang mang thai ngất xỉu. “Công nhân kiệt sức và mệt mỏi,” anh nói với phóng viên Vogue Business. “Phụ nữ càng khó khăn hơn”.
Những đợt nắng nóng trải rộng trên khắp Đông Nam Á mùa hè năm nay đã gia tăng do biến đổi khí hậu, một báo cáo của nhóm nghiên cứu môi trường Quantis kết luận vào tháng 7. Các đợt sóng nhiệt trên 40 độ C khiến các nhà máy trở nên nguy hiểm đối với công nhân may mặc, đặc biệt khi khả năng tiếp cận hệ thống làm mát kém. Các kiểu thời tiết khó lường cũng làm tăng khả năng xảy ra lũ lụt, lốc xoáy, lở đất và hạn hán.
Một báo cáo khác được công bố vào ngày 13/9 vừa qua bởi Viện Lao động Toàn cầu ILR của Đại học Cornell và công ty quản lý tài sản Schroders của Anh, cũng nhấn mạnh tính dễ bị tổn thương của công nhân may mặc và các nhà máy nơi họ làm việc. Báo cáo dự đoán các kịch bản nắng nóng và lũ lụt trong tương lai cho Campuchia, Bangladesh, Pakistan và Việt Nam, vẽ ra một bức tranh đáng lo ngại sâu sắc về tác động có thể xảy ra của biến đổi khí hậu đối với công nhân, sức khỏe và năng suất của họ - và từ đó, đối với chuỗi cung ứng quần áo mà các thương hiệu phụ thuộc vào để duy trì hoạt động.
Ngành công nghiệp thời trang đã chuẩn bị cho điều này chưa? Về bản chất, các hiện tượng thời tiết cực đoan là không thể đoán trước được và những nỗ lực giảm thiểu tác động của chúng đối với người lao động không nhất thiết phải được trình bày trong sổ sách. Tuy nhiên, Jason Judd, Giám đốc điều hành của Viện Lao động Toàn cầu, cho biết: “Tôi có thể tin tưởng rằng đa số các nhà sản xuất và thương hiệu đã tính đến tác động thời tiết cực đoan đối với hoạt động kinh doanh của họ".
Một ví dụ đơn giản, nếu hệ thống điều hòa không khí được triển khai, thì các nhà máy khó có thể giảm thiểu được lượng khí thải, và tác động dây chuyền là ảnh hưởng tiêu cực đến xếp hạng nhà cung cấp bền vững trong các cuộc khảo sát của bên thứ ba”.
Báo cáo của Viện Lao động Toàn cầu ILR cho thấy các hiện tượng thời tiết cực đoan có thể gây nguy hiểm cho xuất khẩu hàng may mặc trị giá 65 tỷ USD cho đến năm 2030 đối với các quốc gia Đông Nam Á. Tác động sẽ lan rộng khắp các khu vực và thành phố khác nơi đặt các nhà máy may mặc chuyên sản xuất sản phẩm cho các thương hiệu. Trong đó, Colombo ở Sri Lanka và Bangkok ở Thái Lan là hai thành phố đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ tăng, độ ẩm đặc biệt và lũ lụt.
Ông Judd cho biết: “Điều cấp bách trước mắt là việc khí hậu nóng lên đang làm giảm năng suất, dù người sử dụng lao động hoặc thương hiệu có thừa nhận hay không. Nhiệt độ cực cao đang ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động, và tình trạng này sẽ còn gia tăng thêm”.
Trong một ngành đầy rẫy những cam kết về khí hậu, dường như rất ít thương hiệu đã nhận ra mối liên hệ giữa tác động của khí hậu đối với con người và năng suất sản xuất của chính họ, cũng như lợi nhuận ròng và khả năng đáp ứng các mục tiêu về khí hậu.
Kalpona Akter, người sáng lập và giám đốc điều hành của Trung tâm Đoàn kết Công nhân Bangladesh (BCWS), một tổ chức cơ sở làm việc trực tiếp với công nhân may mặc trong nước, cho biết, để có thể cải thiện điều kiện cho người lao động, các nhà sản xuất cần sự hỗ trợ từ các thương hiệu. “Các thương hiệu chắc chắn phải có trách nhiệm. Họ không thể nói về sản xuất không carbon nếu phó mặc các nỗ lực bền vững cho cơ sở sản xuất và người lao động”.
Ngoài các nhà máy, các tuyến giao thông cũng bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu. Mưa lớn ở Myanmar hồi tháng trước đã khiến một con đường lớn vận chuyển hàng hóa nhập khẩu từ Thái Lan bị sập. Kết quả là, công nhân may mặc ở Myanmar đang chứng kiến chi phí thực phẩm cơ bản tăng vọt, Bent Gehrt, giám đốc khu vực Đông Nam Á của Hiệp hội Quyền Lao động, một tổ chức độc lập giám sát quyền lao động quốc tế, cho biết. “Khi đường sá bị hư hỏng nặng, công nhân không thể tiếp cận các nhà máy. Điều đó có nghĩa là họ không được trả tiền, đôi khi còn bị sa thải”, vị này nói.
Bên cạnh đó, trong số nhiều thách thức mà ngành công nghiệp thời trang phải đối mặt do biến đổi khí hậu, việc tìm nguồn cung cấp sợi và chất liệu tự nhiên có thể trở nên khó khăn hơn, và việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng chỉ là giải pháp tạm thời. Từ cotton đến cashmere, nhiều loại sợi tự nhiên và hàng dệt đang trở nên khó để cung ứng đủ lượng nhu cầu.
Đối với bông, sáu quốc gia sản xuất hàng đầu gồm Ấn Độ, Pakistan, Brazil, Trung Quốc, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ – chịu nhiều rủi ro về khí hậu bất ổn, trong đó Tây Bắc Phi và Tây và Nam Á có nguy cơ cao nhất. Theo một báo cáo của Cotton 2040, có khoảng 40% các vùng sản xuất bông sẽ có mùa vụ trồng ngắn hơn vào năm 2040.
Lĩnh vực thời trang cao cấp đang ủng hộ một số sáng kiến, dẫn đầu là “Quỹ Tái sinh cho Thiên nhiên” (Regenerative Fund for Nature) của Kering – một tổ chức hỗ trợ các dự án nông nghiệp trên khắp thế giới tìm cách chuyển đổi từ phương pháp canh tác hiện tại sang phương thức tái sinh. Một số thành công đã được báo cáo. Ví dụ, một dự án do Kering hỗ trợ những người chăn nuôi ở sa mạc Gobi của Mông Cổ nhằm tái tạo các đồng cỏ bản địa bị sa mạc hóa do biến đổi khí hậu và gia tăng chăn thả đã giúp cải thiện năng suất và sinh kế tốt hơn cho người chăn nuôi. Dự án đòi hỏi sự kiên nhẫn và nhiều vốn đầu tư trả trước.
Lĩnh vực thời trang hiện đang chịu trách nhiệm cho 10% lượng khí thải toàn cầu hàng năm và 48% chuỗi cung ứng của nó có liên quan đến nạn phá rừng. Ngành này cũng có tác động tiêu cực nặng nề đến đa dạng sinh học do sử dụng hóa chất và ô nhiễm vi nhựa. Ngành công nghiệp thời trang đang chịu áp lực phải làm nhiều hơn nữa để hỗ trợ các mục tiêu của hội nghị khí hậu COP26. Ở cấp độ cơ bản nhất, rủi ro về danh tiếng là rất lớn đối với các thương hiệu thời trang lẫn ngành xa xỉ khi không tích cực ứng phó với khủng hoảng khí hậu.