Không phải những vấn đề “nóng” trên nghị trường. Cũng không phải tâm tư, băn khoăn, trăn trở của gần 500 vị đại biểu sau hơn một tháng Quốc hội...
Mà chính câu chuyện về bà Trần Ngọc Sương, hay còn gọi là Ba Sương, cựu Giám đốc Nông trường Sông Hậu với bản án đang gây dư luận nhiều chiều đã trở thành trọng tâm của những cuộc trao đổi giữa báo chí với nhiều vị đại biểu tại hành lang Quốc hội trong tuần cuối cùng của kỳ họp thứ sáu.
“Tôi có quan tâm đến vụ án”. Bốn ngày sau khi diễn ra phiên tòa phúc thẩm vụ án cựu nữ giám đốc đã từng được tôn vinh là “người phụ nữ ấn tượng Châu Á”, người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trao đổi với báo chí.
“Thông tin đưa nhiều chiều, nhưng án thì phải tại hồ sơ, phải đúng pháp luật. Để rồi các cơ quan chức năng có trách nhiệm phải lắng nghe đầy đủ các luồng ý kiến, các thông tin làm sao để xét xử đúng người đúng tội, đúng pháp luật. Pháp luật của ta thì có cả tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ. Quan trọng nhất là đúng pháp luật” Thủ tướng nói.
Vừa với trách nhiệm cá nhân, vừa với tư cách đại biểu Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cùng các vị Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Trưởng ban Dân vận Trung ương… cùng nhiều vị đại biểu nữa đã bày tỏ quan điểm về vụ án Nông trường Sông Hậu.
Theo Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, khi một bản án được tòa tuyên, có hiệu lực pháp luật rồi thì phải được dư luận xã hội đồng tình, đấy mới là bản án nghiêm minh, đúng pháp luật, đúng người đúng tội.
Còn bản án sau khi được tuyên mà dư luận lại không đồng tình thì phải xem lại. Về vụ việc bà Ba Sương cụ thể thế nào thì phải phụ thuộc hồ sơ, tài liệu chứng cứ. Nhưng sau phiên tòa xử phúc thẩm mà dư luận vẫn phản ứng như vậy, điều đó chứng tỏ vụ án này phải được xem xét ở cấp cao hơn nữa.
Án phúc thẩm là có hiệu lực pháp luật. "Nhưng với tình cảm là con người, là đại biểu Quốc hội, tôi hoàn toàn đồng tình việc hoãn thi hành án". Đại biểu Quốc hội (Bộ trưởng Bộ Tư pháp) Hà Hùng Cường nói.
Bộ trưởng Bộ Công an Lê Hồng Anh thì cho biết, việc điều tra vụ án này hoàn toàn phân cấp cho cấp dưới (Công an thành phố Cần Thơ) thực hiện. Khi dư luận có nhiều ý kiến trái chiều thì Bộ sẽ có xem xét lại quá trình điều tra của cấp dưới. Bộ trưởng cũng đã yêu cầu Công an Cần Thơ báo cáo toàn bộ quá trình điều tra vụ án này.
Sáng 26/11, trước phiên bế mạc kỳ họp Quốc hội thứ sáu một ngày, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Trần Quốc Vượng khẳng định “đã tập trung tất cả các bài báo, các ý kiến của các luật sư, ý kiến của mọi người và yêu cầu anh em sớm chuyển hồ sơ lên để nghiên cứu”
“Chúng tôi sẽ làm khẩn trương, theo đúng tinh thần pháp luật và nhất định sẽ kháng nghị, nếu có cơ sở”, ông Vượng khẳng định. Cũng hơn một lần, ông Viện trưởng, cũng là đại biểu Quốc hội nhấn mạnh là “sẽ làm nhanh”. “Tôi đã chỉ đạo ngay rồi, chứ không phải chờ đến khi bà Ba Sương có đơn đề nghị”, ông cho biết.
"Trách nhiệm của chúng tôi là kiên quyết xử, nếu đúng có tội và nếu không có tội thì phải kiên quyết minh oan cho người ta. Và khi có kết quả chắc chắn sẽ công khai với báo chí", Viện trưởng khẳng định.
Dưới góc độ một người nghiên cứu lịch sử, đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng vụ án này phản ánh bước chuyển đổi của xã hội, chuyển đổi về những giá trị và đương nhiên trong đó cốt lõi là luật pháp. Chính vì thế mà phải nhìn hiện tượng bà Ba Sương trong quá trình của nó, kể cả hành vi cũng như tất cả các yếu tố liên quan mà có thể người ta lấy căn cứ vào đó để cấu thành tội phạm, chứ không thể nhìn trong hiện tại thuần túy được.
"Mỗi chúng ta đều liên tưởng trong đời sống xã hội của mình, cơ quan mình cũng có những loại quỹ đời sống như tại Nông trường Sông Hậu", ông Quốc bày tỏ.
Theo vị đại biểu này, công và tội phải rõ ràng. "Nhưng công và tội luôn có mối quan hệ với nhau, bởi cuộc sống của một con người là quá trình liên tục. Cái gì đã khiến một người có công thành có tội? Phải trả lời được câu hỏi này. Một người phụ nữ hơn 60 tuổi, không nhà cửa, chồng, con thì chúng ta phải nhìn một cách nhân văn hơn. Do vậy, nếu không giải tỏa dư luận trong vụ án này thì bản án không có hiệu ứng như chúng ta mong muốn. Tôi nghĩ vụ án này cần tiếp tục làm rõ ra. Bởi đây không chỉ là một bản án cụ thể mà còn là một hiện tượng xã hội".
"Nếu làm rõ được bản án thì luật pháp sẽ có sự đồng thuận xã hội cao hơn. Điều này quan trọng hơn rất nhiều. Bỏ một người vào tù là rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn là để mỗi người bên ngoài nhìn vào tìm thấy những giá trị sống tốt hơn", đại biểu Quốc nói.
* Theo cơ quan pháp luật, từ đầu năm 2001 đến cuối năm 2007, trong quá trình giữ chức vụ Giám đốc Nông trường Sông Hậu, bà Sương đã móc nối với cấp dưới tự ý thành lập quỹ riêng từ khoản thu trong hoạt động của nông trường. Nguồn quỹ này do giám đốc Sương trực tiếp điều hành và quyết định thu, chi.
Cụ thể, năm 2003-2007, bà Sương đã chỉ đạo bán 4 lô đất của nông trường và nhập toàn bộ vào nguồn quỹ trái phép. Sau đó, bà đã thông đồng với các cấp dưới không đưa vào sổ sách kế toán các khoản thu từ việc bán bạch đàn tại nông trường, cho thuê đất, thu quản lý công trình điện nông thôn... Ước tính, số tiền hơn 8,4 tỷ đồng nhập vào quỹ riêng và sử dụng mua nhà, mua quà sinh nhật, lễ tết, tiếp khách, đi công tác nước ngoài... Theo kết luận giám định tài chính, hành vi lập quỹ trái phép, chi tiêu tùy tiện xảy ra tại Nông trường Sông Hậu đã gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước tổng số tiền trên 4,5 tỷ đồng.
Ngày 15/8, Tòa án Nhân dân huyện Cờ Đỏ (Cần Thơ) đã tuyên phạt bà Trần Ngọc Sương mức án 8 năm tù về tội "lập quỹ trái phép" và buộc bà phải nộp bồi thường thiệt hại cho Nông trường Sông Hậu hơn 4,3 tỷ đồng.
Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 19/11, bà Sương một mực kêu oan và 110 nông trường viên Nông trường Sông Hậu đã gửi đơn “xin đi tù thay” bà, nhưng Tòa án Nhân dân tỉnh Cần Thơ vẫn giữ nguyên mức án.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate