September 15, 2022 | 18:55 GMT+7

Chuyển đổi sang khu công nghiệp sinh thái, cần chính sách ưu đãi và khuyến khích

Anh Nhi -

Việc chuyển đổi theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong các khu công nghiệp, khu kinh tế là yếu tố then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh và đảm bảo phát triển bền vững cho từng khu công nghiệp, khu kinh tế cũng như cho từng địa phương và cả nền kinh tế…

Khu Công nghiệp Deep C (Hải Phòng) phát triển theo mô hình khu công nghiệp sinh thái với sự hỗ trợ từ dự án UNIDO và Chính phủ Thụy Sỹ.
Khu Công nghiệp Deep C (Hải Phòng) phát triển theo mô hình khu công nghiệp sinh thái với sự hỗ trợ từ dự án UNIDO và Chính phủ Thụy Sỹ.

Phát biểu tại Hội thảo “Phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam: Chính sách và giải pháp thực hiện” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổ chức công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) tổ chức ngày 15/9, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đã được xác định là một trong những phương hướng, nhiệm vụ trong Chiến lược phát triển kinh tê – xã hội 10 năm 2021-2020.

“Các cơ chế, chính sách mới ban hành/phê duyệt gần gây của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như Nghị định số 35/2022/NĐ-CP về quản lý khu công nghiệp, khu sinh thái, trong đó quy định về mô hình khu công nghiệp sinh thái; Đề án phát triển Kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam; Chiến lược Tăng trưởng xanh quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch hành động Tăng trưởng xanh quốc gia giai đoạn 2021-2030… đã thể hiện khát vọng của Việt Nam trong việc hướng tới một quốc gia phát triển bền vững”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

50% ĐỊA PHƯƠNG CÓ KẾ HOẠCH CHUYỂN ĐỔI SANG KHU CÔNG NGHIỆP SINH THÁI

Trong hơn 30 năm hình thành và phát triển, các khu công nghiệp, khu kinh tế đã có nhiều đóng góp to lớn trong các thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, trong đó có sự lớn mạnh về quy mô của nền kinh tế, tạo việc làm, nâng cao năng lực cạnh tranh và thu nhập, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đổi mới công nghệ, thúc đẩy hội nhập, cải thiện vị thế Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Tuy vậy, các khu công nghiệp, các khu kinh tế cũng như toàn bộ nền kinh tế cũng đối diện với không ít thách thức. Việc phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế theo chiều rộng gặp khó khăn do nguồn lực về lao động, đất đai, tài nguyên đã tới hạn, trong khi năng suất lao động, hiệu quả khai thác tài nguyên chưa cao; chưa đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường và an sinh xã hội; các ưu đãi về thuế, đất đai đang có xu hướng giảm dần; liên kết và hợp tác sản xuất công nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế của còn hạn chế.

 

Từ năm 2015 đến 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với UNIDO thí điểm chuyển đổi khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp sinh thái với nguồn tài trợ từ Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) và Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF), nhằm phát triển công nghiệp từ chiều ngang sang chiều sâu, và thúc đẩy sự liên kết hợp tác trong sản xuất để sử dụng hiệu quả nguồn lực.

“Do vậy, việc phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế cần có những mô hình mới với các cơ chế chính sách phù hợp để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, thu hút đầu tư và tận dụng được cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.0”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc nêu rõ.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tại Báo cáo tổng kết 30 năm phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã được Chính phủ đồng ý, đến năm 2030 sẽ có từ 40-50% địa phương có kế hoạch chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu sang khu công nghiệp sinh thái và 8% đến 10% địa phương có định hướng xây dựng khu công nghiệp sinh thái mới từ bước lập quy hoạch xây dựng và định hướng ngành, nghề thu hút đầu tư.

Hơn nữa, với 403 khu công nghiệp đang hoạt động, việc thúc đẩy phát triển khu công nghiệp theo hướng sinh thái sẽ huy động nguồn lực lớn từ khu vực tư nhân cho các giải pháp công nghiệp xanh, đảm bảo an ninh năng lượng, đóng góp đáng kể vào nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam, thúc đẩy tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, thể hiện quyết tâm chính trị của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết phát triển bền vững.

LỰA CHỌN 3 KHU CÔNG NGHIỆP THÍ ĐIỂM

Theo đó, dự kiến, trong giai đoạn 2020 - 2023, Chính phủ Thuỵ Sỹ tiếp tục hỗ trợ 3 Khu công nghiệp tại TP HCM, Hải Phòng và Đồng Nai chuyển đổi sang mô hình Khu công nghiệp sinh thái theo khung quốc tế, để từ đó nhân rộng mô hình này trên cả nước.

Từ góc nhìn của UNIDO, Bà Lê Thị Thanh Thảo, Trưởng đại diện UNIDO tại Việt Nam đánh giá cao định hướng và sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ Việt Nam trong việc phát triển khu công nghiệp sinh thái theo định hướng phát triển kinh tế và công nghiệp bền vững tại Việt Nam theo Định hướng của Chính phủ Việt Nam về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, phát triển kinh tế theo chiều sâu, giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường.

“Trong đó có thể nói mô hình khu công nghiệp sinh thái là một minh chứng cụ thể cho những định hướng chính sách đúng đắn này”, bà Thảo nhấn mạnh.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu tại Hội thảo.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu tại Hội thảo.

Về vai trò quan trọng của khu vực tư nhân trong việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi khu công nghiệp truyền thống sang Khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam, Ông Werner Bardill, Tổng lãnh sự, Lãnh sự quán Thụy Sỹ tại Hồ Chí Minh nhấn mạnh ở cấp độ khu công nghiệp và doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp đã tiên phong trong đầu tư và thực hiện các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn.

“Chúng tôi hy vọng ngày càng có nhiều khu công nghiệp tại Việt Nam tham gia vào quá trình chuyển đổi này để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời gian tới” ông Werner bày tỏ.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc, mô hình khu công nghiệp sinh thái chỉ thực sự phát huy vai trò tích cực đối với với chiến lược phát triển bền vững của quốc gia khi được nhân rộng trên cả nước, với các hỗ trợ về chính sách, công nghệ, tài chính, thông tin và cơ chế kết nối chặt chẽ giữa các cơ quan trong nước và các tổ chức quốc tế.

Theo đó, cần có thêm các hướng dẫn về quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật của các Bộ ngành và hướng dẫn về kỹ thuật từ các chuyên gia trong nước, quốc tế, đặc biệt đối với các mạng lưới cộng sinh công nghiệp và giải pháp kinh tế tuần hoàn.

“Ngoài ra, việc bổ sung chính sách ưu đãi về tài chính cho các khu công nghiệp, khu sinh thái, doanh nghiệp sinh thái như miễn, giảm thuế, tiền thuê đất, ưu tiên vay vốn tín dụng… là cần thiết để khuyến khích doanh nghiệp tự thực hiện việc chuyển đổi và xây dựng mới khu công nghiệp sinh thái”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khuyến nghị.

 

Đã có trên 72 doanh nghiệp thực hiện hơn 900 giải pháp tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn, tiết kiệm 76 tỷ đồng/năm và huy động được khoảng 207 tỷ đồng từ khu vực tư nhân, cắt giảm được 32 Kilo tấn khí CO2 hằng năm, bước đầu đem lại hiệu quả về mặt kinh tế, xã hội và môi trường.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate