Chuyển đổi số đòi hỏi phải có chiến lược lâu dài. Việc chuyển đổi số trong lĩnh vực truyền thông cũng cần được thực hiện trong một khuôn khổ thống nhất, có tính tới phương pháp tiếp cận nhằm chuyển đổi từng bước phù hợp.
Chuyển đổi số trong truyền thông chính sách có thể quy về 3 trụ cột chính:
Một là, xây dựng danh tính số thông qua việc gia tăng sự hiện diện của cơ quan triển khai chính sách trên môi trường số với hình ảnh nhận diện và thông điệp thống nhất, song có sự chuyển đổi phù hợp trên từng môi trường cụ thể, đối tượng công chúng cụ thể.
Hai là, thực hiện chuyển đổi số về kênh truyền thông, gia tăng sự tiếp cận của công chúng đối với cơ quan thực thi chính sách cũng như gia tăng tương tác với công chúng trên môi trường số.
Ba là, xây dựng cơ sở dữ liệu số về đối tượng công chúng mục tiêu, theo dõi dư luận trên môi trường số và thấu hiểu công chúng qua các công cụ số.
Trong thời gian tới, nhằm thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động truyền thông chính sách, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cần xây dựng và gia tăng sự hiện diện trên các môi trường số như mạng xã hội, các kênh truyền thông số, qua đó gia tăng độ nhận biết. Song song với các chương trình truyền thông truyền thống và truyền thông thực địa, tổ chức bảo hiểm tiền gửi cần tăng dần tỷ trọng của các chương trình truyền thông số.
Bên cạnh đó, cần tăng khả năng tiếp cận của công chúng tới tổ chức bảo hiểm tiền gửi, qua đó thúc đẩy tương tác số. Công nghệ thông tin hiện đại cho phép thực hiện tương tác với công chúng trên quy mô lớn. Việc triển khai tiếp cận công chúng trong môi trường số cũng sẽ góp phần giúp tổ chức bảo hiểm tiền gửi củng cố uy tín, phát hiện sớm và xử lý các khủng hoảng truyền thông.
Một trong những mảng chuyển đổi số không kém phần quan trọng trong truyền thông chính sách là xây dựng kho dữ liệu số về người gửi tiền nói riêng và công chúng nói chung. Việc hoạch định, triển khai các chương trình truyền thông hiệu quả có một phần không nhỏ từ việc thấu hiểu công chúng mục tiêu.
Trên cơ sở xây dựng kho dữ liệu số về người gửi tiền, tổ chức BHTG có thể nắm bắt được các đặc điểm, nhu cầu, thói quen của từng đối tượng công chúng, qua đó tác động đúng, trúng tới nhóm công chúng mục tiêu nhất định, không chỉ đối với các chương trình truyền thông số mà có thể áp dụng ngay cả với các chương trình truyền thông truyền thống trên thực địa.
Bên cạnh đó, môi trường số cho phép Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam lắng nghe tích cực, chủ động theo dõi dư luận nhằm xác định phương hướng, thông điệp truyền thông. Trong tương lai, với việc sử dụng dữ liệu lớn (Big Data) và trí tuệ nhân tạo (AI), tổ chức bảo hiểm tiền gửi có thể tổng hợp, xử lý, phân tích dữ liệu trên cơ sở các thuật toán, qua đó tự động hóa các nghiệp vụ truyền thông số, giảm bớt chi phí nhân lực, đồng thời tăng hiệu quả truyền thông.
Có thể nói, ứng dụng tốt chuyển đổi số trong lĩnh vực truyền thông chính sách bảo hiểm tiền gửi sẽ là động lực để tăng cường nhận thức về chính sách, qua đó nâng cao niềm tin công chúng. Tuy nhiên, việc chuyển đổi số cần được thực hiện theo từng bước trong một chiến lược ít nhất 3 - 5 năm và phải liên tục được cập nhật để theo kịp các tiến bộ về khoa học công nghệ hiện đại, đồng thời kiểm nghiệm, đánh giá hiệu quả đối với những hoạt động đã triển khai để kịp thời cải tiến, khắc phục.
Mặt khác, không nên coi việc chuyển đổi số trong truyền thông chính sách là giải pháp vạn năng có thể giải quyết mọi vấn đề. Đặc thù của hoạt động thông tin tuyên truyền là phải thực hiện các biện pháp truyền thông trên môi trường số, đồng thời duy trì thực hiện các biện pháp truyền thông trực tiếp hoặc gián tiếp trên thực địa nhằm tiếp cận tới đối tượng công chúng mục tiêu. Trong quá trình này, các thành quả chuyển đổi số đóng vai trò gián tiếp vào hiệu quả truyền thông thực địa.
Thực tế cho thấy, các cơ quan, doanh nghiệp đã thực hiện chuyển đổi số vẫn đang triển khai các biện pháp thực địa như: Quảng cáo ngoài trời, tổ chức sự kiện... Do đó, việc thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động thông tin tuyên truyền là cần thiết, song trong bối cảnh hiện nay, vẫn cần duy trì một hàm lượng đáng kể các hoạt động truyền thông thực địa, qua đó xây dựng hiệu quả truyền thông bền vững.