Theo các chuyên gia tham gia Hội nghị “Chuyển đổi số trong doanh nghiệp hướng tới nền kinh tế số bền vững” do Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) tổ chức vào ngày 8/10, chuyển đổi số đang trở thành một trong những yếu tố quan trọng để thúc đẩy sự phát triển bền vững và thực hiện các mục tiêu chuyển đổi xanh,
Hội nghị diễn ra nhằm hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia 10/10, đồng thời tái khẳng định cam kết của Việt Nam trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, đặc biệt là cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs).
CHUYỂN ĐỔI SỐ - ĐỘNG LỰC THEN CHỐT CHO MỤC TIÊU XANH
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhấn mạnh tầm quan trọng của chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo trong việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Thứ trưởng cho rằng đây không chỉ là một trong những ưu tiên hàng đầu của chính phủ Việt Nam, mà còn là yếu tố quyết định nâng cao sức cạnh tranh quốc gia.
“Để thúc đẩy xu hướng này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng công nghệ số nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và cải thiện vị thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế”, Thứ trưởng chia sẻ.
Nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số, Chương trình chuyển đổi số quốc gia được Thủ tướng phê duyệt vào năm 2020 cũng đã đề ra mục tiêu kinh tế số sẽ chiếm 20% GDP vào năm 2025 và đạt 30% vào năm 2030.
Trong những năm qua, lĩnh vực kinh tế số của Việt Nam đã và đang được phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều kết quả tích cực. Từ các số liệu được công bố từ Google, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế số nhanh nhất Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp (năm 2022 đạt 28% và năm 2023 đạt 19%). Bộ Thông tin và Truyền thông ước tính tỷ trọng kinh tế số trong GDP Việt Nam năm 2023 đạt 16,5%. Hiện nay, số doanh nghiệp công nghệ số là 50.350 doanh nghiệp đang hoạt động, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2023 và ước đạt 106% kế hoạch năm 2024.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Trung, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), chuyển đổi số không chỉ đơn thuần là việc số hóa các quy trình hiện có, mà còn phải gắn liền với chuyển đổi xanh, hướng tới một nền kinh tế số bền vững. “Xu hướng chuyển đổi số gắn với chuyển đổi xanh hướng tới nền kinh tế số bền vững là một trong những điều kiện bắt buộc mà các doanh nghiệp cần phải áp dụng”, ông Trung nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, ông Dennis Quennet, Giám đốc Chương trình Phát triển Kinh tế Bền vững, Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) cũng nhấn mạnh chuyển đổi số sẽ đóng góp tích cực cho quá trình nỗ lực cắt giảm phát thải trong xu hướng phát triển nền kinh tế xanh của Việt Nam. Không những thế, chuyển đổi số còn giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa cải thiện năng suất, dễ dàng hơn trong tìm kiếm thị trường mới, và qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa và phát triển kinh tế xanh đang diễn ra mạnh mẽ.
“Chuyển đổi kép đã trở thành xu thế mới trên toàn cầu, trong đó các giải pháp số sẽ được áp dụng để quản lý tốt hơn các vấn đề môi trường, hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững”, ông Dennis cho hay. “Mỗi nước trên thế giới có một khung phát triển về kinh tế số và trí tuệ nhân tạo (AI) khác nhau, Việc học hỏi và áp dụng những khung phát triển này vào Việt Nam sẽ tạo nền tảng vững chắc cho quá trình chuyển đổi kép và phát triển bền vững”.
Trong bối cảnh các thị trường như Liên minh châu Âu (EU) ngày càng áp dụng các tiêu chuẩn khắt khe về giảm thải carbon đối với hàng hóa nhập khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với áp lực tuân thủ các quy tắc này nếu muốn tiếp cận thị trường quốc tế. Chính vì vậy, các chuyên gia nhấn mạnh rằng điều này đòi hỏi các doanh nghiệp, dù lớn hay nhỏ, đều phải áp dụng chuyển đổi số để phát triển các sản phẩm tuân thủ tiêu chuẩn về môi trường.
“CHUYỂN MÌNH” ĐỂ NẮM BẮT ĐƯỢC XU HƯỚNG “CHUYỂN ĐỔI KÉP”
Tại Việt Nam, các doanh nghiệp công nghệ đã và đang đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số để bắt kịp xu thế này. Ông Bùi Sơn Nam, Phó Tổng Giám đốc MobiFone, chia sẻ rằng công ty này đã không ngừng chuyển mình từ một doanh nghiệp viễn thông truyền thống sang một doanh nghiệp công nghệ. Trong đó, MobiFone hiện đang đầu tư mạnh mẽ vào các sản phẩm và dịch vụ số, hỗ trợ các doanh nghiệp và cơ quan nhà nước trên hành trình chuyển đổi số, bao gồm các dịch vụ hóa đơn điện tử, chữ ký số và đào tạo trực tuyến.
“Chúng tôi đang tích cực chuẩn bị cho lộ trình thương mại hóa 5G tại Việt Nam, với mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp trong hành trình chuyển đổi số và đóng góp vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của đất nước”, ông Nam nói.
“Chuyển đổi số hướng tới chuyển đổi xanh không còn là mục tiêu riêng của các tập đoàn lớn hay các doanh nghiệp có tiềm lực mạnh, mà đã trở thành mục tiêu chung của mọi doanh nghiệp tại Việt Nam”.
Tương tự, các công ty công nghệ lớn như FPT Smart Cloud cũng đang theo đuổi chiến lược chuyển đổi kép. Trong đó, bà Vũ Kiều Trang, Phó Giám đốc kinh doanh của FPT Smart Cloud, cho biết công ty cam kết giảm 60% lượng khí thải từ hoạt động của trung tâm dữ liệu (Data Center) vào năm 2025. Công ty cũng tích hợp các tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị (ESG) vào quy trình quản lý và vận hành của mình nhằm thúc đẩy phát triển bền vững.
“Việc thay thế tài liệu giấy bằng văn bản điện tử, chữ ký số là một ví dụ điển hình về cách chuyển đổi số có thể hỗ trợ chuyển đổi xanh,” bà Trang chia sẻ. “Chúng tôi đang nỗ lực áp dụng các giải pháp này từ cấp tập đoàn đến từng chi nhánh và nhân viên”.
Ngoài ra, bà Phạm Hoài Anh, Giám đốc Thương mại 1C Việt Nam, chia sẻ rằng ngoài các giải pháp công nghệ quy mô lớn đã được triển khai, công ty hiện đang tập trung vào việc ra mắt các sản phẩm tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI), đồng thời nghiên cứu và phát triển các giải pháp số không chỉ đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và thế giới, mà còn hỗ trợ các doanh nghiệp trong hành trình phát triển bền vững và thân thiện với môi trường.
Bà Anh cũng đặc biệt nhấn mạnh về mục tiêu xanh trong chuyển đổi số. Trong đó, chuyển đổi số không chỉ là việc áp dụng công nghệ mới, mà còn là cơ hội để doanh nghiệp tái cơ cấu theo hướng bền vững, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và đóng góp vào mục tiêu phát triển xanh của đất nước cũng như đáp ứng được các tiêu chuẩn về phát triển bền vững được các nước trên thế giới áp dụng.
“Chuyển đổi số hướng tới chuyển đổi xanh không còn là mục tiêu riêng của các tập đoàn lớn hay các doanh nghiệp có tiềm lực mạnh, mà đã trở thành mục tiêu chung của mọi doanh nghiệp tại Việt Nam”, bà Anh cho biết.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số, trong khuôn khổ của hội nghị, Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã ký kết biên bản ghi nhớ với 5 doanh nghiệp công nghệ, bao gồm MobiFone, FPT Smart Cloud, MISA, 1C Việt Nam và Tổng công ty Công nghệ & Giải pháp CMC. Thỏa thuận này sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam với tổng giá trị lên đến 33 tỷ đồng, thông qua các gói giải pháp công nghệ và tư vấn chuyên sâu đến từ các doanh nghiệp công nghệ lớn tại Việt Nam.
Thông qua các gói hỗ trợ từ 5 doanh nghiệp công nghệ lớn tại Việt Nam, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh rằng việc hợp tác với các đơn vị công nghệ sẽ xây dựng được các gói giải pháp riêng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, giúp doanh nghiệp giảm tối đa chi phí tư vấn hay các giải pháp số nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Qua đó, góp phần đẩy mạnh tính tiên phong trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; chuyển giao công nghệ từ các Tập đoàn, tổng công ty, nâng cao tính hiệu quả trong doanh nghiệp dẫn dắt, trách nhiệm với cộng đồng, qua đó thúc đẩy quá trình chuyển đổi số nhanh chóng, hiệu quả, góp phần tăng trưởng GDP như kỳ vọng của Đảng và Nhà nước đã đề ra.