TIỀM NĂNG LỚN NHƯNG CÒN NHIỀU THÁCH THỨC TRONG CHUYỂN ĐỔI SỐ NGÀNH DU LỊCH
Khảo sát của Bộ Kế hoạch và đầu tư năm 2023 đã chỉ ra: 98% doanh nghiệp Việt kỳ vọng rằng chuyển đổi số sẽ đem đến nhiều tác động tích cực trong việc kinh doanh, giảm chi phí và cải thiện quy trình sản xuất. Trong ngành du lịch, chuyển đổi số không chỉ là xu hướng mà còn là yếu tố quyết định để nâng cao trải nghiệm du khách trong thời đại công nghệ.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp du lịch - đặc biệt ở các địa phương, vẫn gặp nhiều trở ngại trong quá trình số hóa do hạn chế về chi phí đầu tư và nhân lực công nghệ. Thách thức này không chỉ làm chậm quá trình chuyển đổi số mà còn khiến một vài dự án chưa phát huy được hiệu quả tối đa.
Một trong những điểm chạm quan trọng của chuyển đổi số ngành du lịch là ứng dụng thanh toán số. Theo khảo sát của VINASME 2023, chỉ 25% doanh nghiệp vừa và nhỏ có kế hoạch triển khai thanh toán số. Thực tế cho thấy phần lớn các doanh nghiệp vẫn ưu tiên các chương trình khuyến mãi kích cầu ngắn hạn thay vì đầu tư dài hạn vào hạ tầng thanh toán - yếu tố chính thu hút khách quốc tế, tối ưu hóa trải nghiệm du khách, và mang lại nguồn doanh thu bền vững.
Nghiên cứu của Visa về thái độ thanh toán của du khách cho thấy, 97% người tiêu dùng Việt ưu tiên thanh toán không tiền mặt khi đi du lịch. Thanh toán số cho phép du khách không cần giữ tiền mặt trong người để tự do trải nghiệm hành trình du lịch. Đồng thời, toàn bộ lịch sử giao dịch sẽ được lưu lại khi thanh toán trực tuyến. Nhờ vậy, du khách sẽ dễ dàng rà soát các khoản chi tiêu xuyên suốt chuyến đi.
Bên cạnh đó, theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, thanh toán qua QR Code đã chứng kiến tăng trưởng vượt bậc với gần 183 triệu giao dịch trong năm 2023 - tăng hơn 170% về số lượng và hơn 74% về giá trị so với năm trước, và con số này tiếp tục tăng cao (tăng gần 900% số lượng) vào đầu năm 2024. Một số ngân hàng trong nước đang phát triển hệ thống QR xuyên biên giới, hỗ trợ du khách quốc tế thanh toán trực tiếp mà không cần đổi tiền mặt.
Đứng trước sự thay đổi này, các doanh nghiệp địa phương cần nhanh chóng nâng cấp hạ tầng công nghệ cùng các giải pháp thanh toán linh hoạt để bắt kịp xu thế, nhanh chóng kết nối khách du lịch trong và ngoài nước.
APPOTAPAY TỔ CHỨC HỘI THẢO CHUYỂN ĐỔI SỐ DU LỊCH TẠI QUẢNG BÌNH ĐỂ KẾT NỐI CÔNG NGHỆ VÀ DU LỊCH
Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số ngành du lịch, đặc biệt tại các địa phương, AppotaPay đã phối hợp cùng Netin Travel tổ chức thành công Hội thảo “Chuyển đổi số về Marketing - Thanh toán ngành Du lịch” vào ngày 1/11 tại Quảng Bình.
Hội thảo đã quy tụ hơn 200 đại diện doanh nghiệp cùng các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực du lịch và công nghệ, tạo nên một diễn đàn thảo luận sôi nổi về những giải pháp thanh toán số thiết thực, giúp ngành du lịch không chỉ thích ứng mà còn phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh hiện nay.
Trong khuôn khổ hội thảo, ông Lê Đức Anh, Giám đốc Marketing của AppotaPay, đã chia sẻ những kinh nghiệm quý báu về chuyển đổi số trong ngành thanh toán: “Sự nhanh chóng và thuận tiện trong quy trình thanh toán không chỉ nâng cao trải nghiệm khách hàng mà còn gia tăng lòng tin và sự hài lòng của họ. Chúng tôi đang nỗ lực xây dựng một môi trường thanh toán thuận lợi, giúp du khách dễ dàng tiếp cận các dịch vụ tại các địa điểm tham quan, từ đó thúc đẩy sự phát triển bền vững cho ngành du lịch”.
AppotaPay đã mang đến Hội thảo nhiều giải pháp thanh toán sáng tạo, cùng kinh nghiệm hỗ trợ chuyển đổi số cho hơn 500 doanh nghiệp du lịch trong suốt 9 năm qua. Các giải pháp như: Cổng thanh toán đa quốc gia, SmartPOS 2in1, Payment Link,...được tinh chỉnh và phát triển dựa phù hợp nhu cầu của doanh nghiệp du lịch và lữ hành, cũng như đáp ứng các phương thức thanh toán phổ biến nhất tại Việt Nam. Những nỗ lực này không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp du lịch địa phương mở rộng cơ hội ra thị trường quốc tế mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực du lịch toàn cầu.
Hội thảo cũng là nơi các đơn vị du lịch chia sẻ các “case study” thành công từ Quảng Bình và các tỉnh miền Trung, đồng thời thảo luận về những giải pháp công nghệ, marketing và các cơ hội mới nhằm cải thiện chất lượng dịch vụ, thu hút nhiều du khách hơn trong mùa lễ hội cuối năm.
Với những nỗ lực không ngừng trong việc ứng dụng công nghệ vào từng điểm chạm trong hành trình du lịch, AppotaPay đã khẳng định rõ ràng sứ mệnh của mình trong việc thúc đẩy chuyển đổi số Việt Nam theo Đề án Chính phủ 2024. Những bước đi này không chỉ góp phần nâng cao vị thế của du lịch Việt Nam trên bản đồ thế giới mà còn mở ra một kỷ nguyên mới cho ngành công nghiệp không khói đầy tiềm năng này.