CPA Australia là một trong các hiệp hội kế toán chuyên nghiệp lớn nhất thế giới với hơn 170.000 thành viên tại hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có hơn 21.000 thành viên tại Đông Nam Á.
Khảo sát Doanh nghiệp Nhỏ Châu Á-Thái Bình Dương mới nhất của CPA Australia cho thấy các doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam đã phục hồi nhanh chóng sau đại dịch COVID-19 và dẫn đầu về sức tăng trưởng trong số các thị trường được khảo sát. Đà tăng trưởng này dự kiến sẽ tiếp tục với 83% người Việt Nam được hỏi cho rằng doanh nghiệp Việt đang có rất nhiều cơ hội tiếp tục phát triển
DOANH NGHIỆP VIỆT NAM TỰ TIN SẼ PHÁT TRIỂN MẠNH TRONG NĂM 2023
9/10 doanh nghiệp nhỏ Việt Nam được khảo sát cũng kỳ vọng nền kinh tế quốc gia sẽ tăng trưởng vào năm 2023. Đây là kết quả tốt nhất trong số 11 thị trường được CPA Australia khảo sát. Việt Nam cũng đứng đầu danh sách về tốc độ tăng trưởng doanh nghiệp nhỏ năm 2022 (78%).
Đại dịch COVID-19 đã gây thiệt hại cho nhiều doanh nghiệp tại thị trường Việt Nam vào năm ngoái tuy nhiên bất chấp các thách thức, các doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam đang phục hồi nhanh chóng. Chưa đến một phần ba (32%) doanh nghiệp báo cáo rằng COVID-19 ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của họ vào năm 2022, tỷ lệ này giảm so với 78% vào năm 2021.
Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Chủ tịch Ủy ban Cố vấn Phía Bắc Việt Nam của CPA Australia cho biết: “Sự hỗ trợ của chính phủ dành cho các doanh nghiệp nhỏ sau COVID-19 đã giúp họ phục hồi nhanh hơn”.
“Việt Nam mở cửa lại biên giới vào quý I năm 2022 để thúc đẩy đầu tư nước ngoài, thương mại quốc tế và du lịch. Nền kinh tế kỹ thuật số của đất nước đã bùng nổ khi nhiều doanh nghiệp chuyển sang hoạt động trực tuyến để ứng phó với COVID-19. Điều này đồng thời cũng có những đóng góp quan trọng để củng cố sự phát triển kinh tế của Việt Nam”, ông nói thêm. Bên cạnh đó, ông Lực cũng cho biết cải cách thể chế của đất nước và thực hiện các hiệp định thương mại tự do có thể thúc đẩy niềm tin hơn nữa.
NHU CẦU TÌM KIẾM TÀI TRỢ NƯỚC NGOÀI CỦA CÁC DOANH NGHIỆP NHỎ VIỆT NAM TĂNG
Theo đánh giá của một số chuyên gia, khả năng tiếp cận nguồn tài chính từ bên ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam quy mô nhỏ đang dễ dàng hơn nhưng nhu cầu vay mượn của họ cũng đã giảm đi. Theo đó, trong năm 2022, 47% doanh nghiệp đã tìm kiếm nguồn tài trợ từ bên ngoài, giảm mạnh so với 79% vào năm 2021. Tuy nhiên, 6 trong số 10 lãnh đạo của các doanh nghiệp được khảo sát có kế hoạch tìm kiếm nhiều nguồn tài trợ từ bên ngoài hơn trong năm 2023 này.
“Năm ngoái, hầu hết các doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam đều phụ thuộc tài chính vào ngân hàng. Tuy nhiên, lãi suất tăng đang ảnh hưởng đến ý định của các doanh nghiệp về tìm kiếm các giải pháp tài chính từ bên ngoài”, ông Lực cho biết. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng các điều kiện tài chính trên thị trường quốc tế đang thắt chặt hơn sẽ cản trở nhu cầu vay mượn của nhiều doanh nghiệp.
Theo khảo sát, thương mại điện tử Việt Nam đã duy trì mức tăng trưởng ổn định trong năm ngoái, với 75% cho biết họ nhận được hơn 10% doanh thu từ bán hàng trực tuyến. Tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp báo cáo khoản đầu tư công nghệ sinh lãi đã giảm xuống còn 51% vào năm 2022, từ mức 82% vào năm 2021.
Trong số 11 thị trường được khảo sát, Việt Nam có tỷ lệ các chủ doanh nghiệp nhỏ trong độ tuổi từ 30 – 49 tuổi cao nhất. Theo đó, cứ 10 doanh nghiệp nhỏ ở Việt Nam thì có 9 doanh nghiệp được thành lập dưới 11 năm. “Đây là một đặc điểm thú vị của doanh nghiệp nhỏ Việt Nam. Điều này cho thấy khả năng chuyên môn và quản trị của các chủ doanh nghiệp nhỏ Việt Nam tốt hơn nhiều so với các đồng nghiệp của họ trong lĩnh vực này”, Chủ tịch Ủy ban Cố vấn Phía Bắc Việt Nam của CPA Australia cho biết đồng thời ông cũng cho rằng các lãnh đạo của doanh nghiệp nhỏ tại Việt Nam không chỉ am hiểu công nghệ và luôn đón nhận sự đổi mới mà còn có kinh nghiệm làm việc vững chắc để mở rộng quy mô kinh doanh của công ty mình.
Theo đánh giá của CPA Australia, Việt Nam là nền kinh tế đang bùng nổ mạnh mẽ và nhận được nhiều sự quan tâm và đầu tư từ nước ngoài. Các doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong quá trình chuyển đổi số và áp dụng công nghệ trong ba năm qua do đại dịch. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng nên tìm kiếm lời khuyên từ các cố vấn chuyên nghiệp để cải thiện khả năng sinh lời của các khoản đầu tư công nghệ của mình, Tiến sĩ Cấn Văn Lực lưu ý.