Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan, thành phố nhận thức việc thực hiện chuyển đổi xanh không phải là tham vọng đến mức độ bất khả thi. Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng có đủ điều kiện để sử dụng năng lượng tái tạo thay thế.
TP.HCM và Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã ký bản thỏa thuận hợp tác để hình thành nên Trung tâm Công nghiệp 4.0. Trung tâm này dưới sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới (World Bank) sẽ giúp thành phố có không gian nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách về những phần việc liên quan đến xu thế phát triển, đặc biệt là tăng trưởng xanh.
TĂNG TRƯỞNG XANH KHÔNG PHẢI VIỆC CỦA RIÊNG MỘT NGƯỜI
Phát biểu tại buổi họp báo kết luận Diễn đàn Kinh tế TP.HCM chiều 15/09, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan nhấn mạnh tăng trưởng xanh là việc của mọi người, mọi tổ chức, cộng đồng dân cư, của từng địa phương trong một quốc gia.
Theo ông Hoan, dưới góc độ là cơ quan quản lý, nhà nước cần sớm xây dựng khung chính sách, xây dựng bộ tiêu chí đo lường phát thải, quản trị việc phát thải, giảm thải. Các cơ quan chức năng cần nắm được lượng phát thải carbon, mức độ sử dụng năng lượng của các doanh nghiệp…
Cụ thể, từng nhóm ngành như xây dựng, giao thông, nông nghiệp, công nghiệp, du lịch… đều phải biết mức độ phát thải. “Đây là bộ tiêu chí quan trọng, nếu không làm được bộ tiêu chí này thì không thể phát triển kinh tế xanh do không có cơ sở để quản trị”, ông Hoan nhấn mạnh.
"Mặc dù TP.HCM đã có kế hoạch hành động thực hiện chiến lược gửi Chính phủ, tuy nhiên qua Diễn đàn Kinh tế 2023 thì kế hoạch hành động của thành phố sẽ cụ thể hơn, có nhiều kế hoạch, đi sâu và chi tiết hơn chứ không chỉ dừng ở tổng thể", ông Hoan cho biết.
Cũng theo ông Hoan, để phát triển tăng trưởng xanh, cơ quan Nhà nước của thành phố phải tiên phong trên hành động. Chẳng hạn như điện mặt trời trên mái nhà, lãnh đạo thành phố ưu tiên sử dụng ô tô điện, ưu tiên sử dụng mua sắm tiêu dùng đạt tiêu chí xanh…
Bên cạnh đó, người dân cần tiêu dùng có trách nhiệm, tiêu dùng đủ, tiết kiệm và tiêu dùng xanh. Đồng thời, các cá nhân cũng cần tham gia tích cực vào việc tái tạo lại môi trường, tham gia vệ sinh môi trường, tham gia xử lý rác.
Đối với doanh nghiệp, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng các đơn vị về mặt nhận thức cần xác định lợi nhuận phải đến từ cải tiến khoa học công nghệ, sử dụng năng lượng một cách hợp lý. Hiện các doanh nghiệp còn lãng phí nhiều khâu về năng lượng, sản phẩm chất lượng đầu ra có sự góp mặt của khoa học công nghệ là chưa nhiều.
Để chuyển đổi xanh thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, Phó chủ tịch UBND TP.HCM nhận định cần phải có sự hành động một cách đồng bộ, lần lượt từ nhỏ tới lớn, từ thấp tới cao, từ cơ sở đến thành phố.
Từ nay đến cuối năm, TP.HCM cần có kế hoạch để nghiên cứu, hoàn thiện khung chính sách, bộ tiêu chí để triển khai tăng trưởng xanh. “Có tiêu chí như thế mới có thể đánh giá và đưa ra chính sách phù hợp”, ông Hoan cho biết.
Song song đó, thành phố sẽ cố gắng có bộ tiêu chí đánh giá để quản lý về phát thải, sử dụng năng lượng trong năm 2024.
Sắp tới thành phố cũng sẽ nghiên cứu xem xét yếu tố tăng trưởng xanh trong GDP, lượng hóa được yếu tố khoa học công nghệ, sử dụng công nghệ để giảm phát thải trong sự phát triển kinh tế.
DOANH NGHIỆP VIỆT CHỦ ĐỘNG TÍCH HỢP ESG
Theo báo cáo về mức độ sẵn sàng thực hành ESG tại Việt Nam năm 2022 của PwC, tỷ lệ cam kết ESG (Environment - môi trường, Social - xã hội và Governance - quản trị doanh nghiệp) của các doanh nghiệp niêm yết là 93%, vượt mức trung bình của Việt Nam là 80%. Tuy nhiên, chỉ có 35% các doanh nghiêp niêm yết đã thiết lập kế hoạch ESG, thấp hơn đáng kể so với mức trung bình là 44%. Hơn một nửa doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam (58%) đang và sẽ trong giai đoạn lập kế hoạch trong 2-4 năm tới.
Báo cáo phát triển bền vững ở Châu Á Thái Bình Dương 2023 của PwC cho thấy, so với Việt Nam, các doanh nghiệp niêm yết ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương đang thể hiện tốt hơn đáng kể trong việc công bố vấn đề quản trị cấp cao và trách nhiệm của họ đối với các vấn đề ESG.
Trong số các công ty được khảo sát tại Việt Nam, 46% công bố trách nhiệm của Hội đồng quản trị liên quan đến tính bền vững, 44% công bố cơ cấu quản trị bền vững và chỉ 8% công bố số lượng thành viên Hội đồng quản trị hoặc nhân sự quản lý đã qua đào tạo về phát triển bền vững. Các tỷ lệ phần trăm này thấp hơn nhiều so với mức trung bình của khu vực Châu Á Thái Bình Dương – lần lượt là 84%, 79% và 36%.
Đáng chú ý hơn, không có doanh nghiệp nào ở Việt Nam tiết lộ mối liên hệ giữa thù lao của các giám đốc điều hành cấp cao và hiệu quả công việc của họ trong việc quản trị bền vững.
Phần lớn các doanh nghiệp niêm yết được nghiên cứu ở Việt Nam đều công bố mục tiêu ESG ngắn hạn và trung hạn (lần lượt là 84% và 70%). Chưa đến một nửa (48%) tiết lộ các mục tiêu dài hạn, tức là trên 5 năm và chỉ có 8% tiết lộ mục tiêu NetZero.
Trong khi đó, số liệu về các doanh nghiệp niêm y công bố mục tiêu ESG ngắn hạn, trung hạn và dài hạn ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương là tương tự nhau – trung bình khoảng 76%.
Đưa ra lời khuyên đối với các doanh nghiệp, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan, cho biết các doanh nghiệp cũng cần chủ động hành động, đi sâu vào bộ tiêu chuẩn ESG để tăng năng lực cạnh tranh, tồn tại phát triển theo xu hướng. Nếu không sớm thay đổi, các doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn khi tham gia vào chuỗi cung ứng trên thế giới.
Đồng quan điểm, theo ông Nguyễn Hoàng Nam, Phó Tổng giám đốc, Lãnh đạo Dịch vụ ESG và Dịch vụ Kiểm toán, PwC Việt Nam, cần có sự cam kết và hợp tác giữa nhiều bên liên quan để đạt được tác động lâu dài cũng như tạo dựng môi trường kinh doanh có trách nhiệm ở Việt Nam. Doanh nghiệp niêm yết nên chủ động tích hợp các nguyên tắc ESG vào hoạt động, tận dụng các cấu trúc có sẵn và nguồn lực dồi dào của tổ chức.