February 24, 2022 | 15:15 GMT+7

Chuyên gia: Căng thẳng Nga - Ukraine, chứng khoán Việt Nam giảm là cơ hội tốt để mua vào

Kiều Linh -

Những nhịp điều chỉnh sâu trong ngắn hạn là cơ hội để mua cổ phiếu. Bởi tăng trưởng kinh tế Việt Nam không vì căng thẳng này mà bị ảnh hưởng, doanh nghiệp Việt Nam cũng không vì thế mà sụt giảm về doanh thu lợi nhuận...

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Căng thẳng Nga - Ukraina diễn biến bất ngờ hơn cả thế giới dự kiến. Truyền thông thế giới đồng loạt đưa tin, Nga chính thức tiến hành hoạt động quân sự tại miền Đông Ukraina. Trong bài phát biểu trên truyền hình, ông Putin cho biết quyết định này được đưa ra sau khi nhận được đề nghị hỗ trợ từ lãnh đạo của các cộng hòa ly khai ở miền đông Ukraine. “Các tình huống đòi hỏi chúng tôi phải thực hiện hành động dứt khoát và ngay lập tức", ông Putin nói, theo Đài RT (Nga).

Phản ứng ngay lập tức với xung đột chính trị này, hầu hết thị trường chứng khoán toàn cầu giảm với biên độ 2-3%. Các chỉ số tương lai chứng khoán Mỹ, châu Âu sập trên 2%, S&P 500 giảm 1,85%; Dow Jones giảm 1,38%; Nasdaq giảm 2,57%. Thị trường chứng khoán châu Á cũng chứng kiến phiên giao dịch chỉ số giảm mạnh. Trong khi đó, các tài sản tài chính có tính phòng thủ cao như vàng, dầu lại tăng giá mạnh. Phiên giao dịch sáng nay, giá dầu có lúc đã vượt 100 USD/thùng.

Dù căng thẳng ở Nga và Ukraine vị trí địa lý khá xa so với Việt Nam nhưng ảnh hưởng tâm lý vẫn đáng kể đối với nhà đầu tư. Phiên giao dịch sáng nay, VN-Index giảm gần 15 điểm. Diễn biến vẫn đang khá tiêu cực với mức độ giảm tiếp tục lên đến 22 điểm vào đầu giờ chiều. 420 mã đỏ lửa đặt bên cạnh 58 mã xanh, trong đó chủ yếu là dầu khí và phân bón.

Diễn biến Vn-Index phiên chiều 24/2.
Diễn biến Vn-Index phiên chiều 24/2.

Đánh giá căng thẳng leo thang giữa Nga và Ukraine, ông Trần Đức Anh, Giám đốc Vĩ mô và Chiến lược thị trường của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, mức sụt giảm của Vn-Index đặt trong bối cảnh thị trường chứng khoán toàn cầu như vậy vẫn là khá tích cực, chỉ giảm trên dưới 1% trong khi đó chứng khoán toàn cầu ghi nhận giảm 2-3%.

Theo ông Đức Anh, ở thời điểm hiện tại, căng thẳng Nga - Ukraine leo thang đến đâu sẽ khó có câu trả lời chính xác. Tuy nhiên, trong tầm nhìn dài hạn thì mức độ ảnh hưởng đến chứng khoán Việt Nam không lớn. Lịch sử cũng cho thấy, các cuộc xung đột có tính chất địa chính trị xa Việt Nam có mức độ ảnh hưởng lên chứng khoán không đáng kể. Những nhịp điều chỉnh sâu trong ngắn hạn là cơ hội để mua cổ phiếu. Bởi tăng trưởng kinh tế Việt Nam không vì căng thẳng này mà bị ảnh hưởng, doanh nghiệp Việt Nam cũng không vì thế mà sụt giảm về doanh thu lợi nhuận.

"Xác xuất cho cuộc chiến căng thẳng hơn là rất thấp. Do đó, thị trường có thể điều chỉnh trong ngắn hạn nhưng về dài hạn thì triển vọng thị trường vẫn tích cực, có thể hồi phục và tăng lên mức cao hơn khi căng thẳng hạ nhiệt. Điều chỉnh hiện tại là cơ hội tốt để nhà đầu tư mua vào để hưởng lợi đà tăng trưởng của chứng khoán và vĩ mô", ông Trần Đức Anh nhấn mạnh.

Diễn biến thị trường cổ phiếu toàn cầu.
Diễn biến thị trường cổ phiếu toàn cầu.

Đồng quan điểm, ông Phan Linh, Founder của Công ty Tư vấn và đầu tư TakeProfit Việt Nam cho rằng, căng thẳng Nga với Ukraine không ảnh hưởng quá nhiều đến kinh tế và chính trị Việt Nam. Hành vi bán đến từ tâm lý nhà đầu tư mà chủ yếu là đầu cơ ngắn hạn khi lo ngại có xung đột chính trị. Nếu quan sát lại các sự kiện xung đột quá khứ thì thấy 100% khi có xung đột xảy ra thị trường chứng khoán giảm giá nhưng không lâu sau phục hồi và vượt đỉnh cũ, đó là về mặt trung hạn.

Do giảm giá đến từ tâm lý, nên đây là cơ hội để mua cổ phiếu khi thị trường có cú giảm mạnh. "Đây chỉ là cú flashsale sau đó thị trường hồi phục nhanh chóng và cơ hội đến từ các nhóm như dầu khí, phân bón và cả thép. Nga vốn dĩ quốc gia xuất khẩu các mặt hàng này với tỷ trọng lớn trên thế giới", ông Linh nhấn mạnh.

Đề cập tác động của sự kiện này tới thị trường chứng khoán, ông Huỳnh Minh Tuấn, nhà sáng lập của FIDT trước đó cũng cho rằng, nếu như xảy ra xung đột giữa Ukraina và Nga sẽ tác động tới tâm lý của thị trường tài chính và giới đầu tư là trọng yếu. Về kinh tế, những tác động tiêu cực sẽ được khoanh vùng ở khu vực xảy ra cuộc chiến.

Hồi giữa tháng 2 ông Tuấn cũng dự báo nếu Nga hành động quân sự xâm lấn sâu vào Ukraina thì thị trường tài chính toàn cầu cũng như Việt Nam sẽ chiết khấu (giảm giá) tương đối quanh 8-10%. Điều đó hiện đã xảy ra đối với chứng khoán thế giới khi các chỉ số liên tục giảm những ngày gần đây.

Trước đó, ông Petri Deryng, người quản lý quỹ Pyn Elite nhấn mạnh rằng không hề nhìn thấy tác động tiềm tàng của căng thẳng Nga -Ukraine với thị trường chứng khoán Việt Nam. Người quản lý Pyn Elite Fund cũng tỏ ra lạc quan với thị trường chứng khoán Việt Nam trong vòng 5 năm tới. Vn-Index sẽ hướng đến vùng 2.500 điểm. Hiện nay, các công ty niêm yết Việt Nam có bức tranh tài chính vẫn rất khoẻ. Trong bối cảnh kinh tế toàn cấu yếu, xuất khẩu Việt Nam tăng chậm lại nhưng kinh tế Việt Nam vẫn chống chọi được.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate