Tại hội thảo “Phát huy và nâng cao hiệu quả các nguồn lực tài chính phát triển kinh tế đất nước trong bối cảnh mới” do Ban Kinh tế Trung ương chỉ đạo, Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy phối hợp với Vụ Kinh tế tổng hợp (Ban Kinh tế Trung ương) tổ chức, các chuyên gia đã thảo luận về thúc đẩy nguồn tài chính xanh.
Theo đó, Việt Nam đang ở ngã rẽ quan trọng trên con đường phát triển kinh tế bền vững và thực hiện các cam kết quốc tế về môi trường. Sự phát triển của thị trường vốn, đặc biệt là tài chính xanh, sẽ là chìa khóa để đạt được những mục tiêu tham vọng này. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn nhiều rào cản trong việc huy động và triển khai nguồn lực tài chính xanh.
“Chúng tôi lăn tăn tại sao các ngân hàng, các tổ chức tín dụng tại Việt Nam lại không xây dựng quỹ hỗ trợ chuyển đổi xanh giống như các quỹ của Pháp đang đầu tư hiện nay.”
Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10.
Theo TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia, cần thiết lập Quỹ hỗ trợ chuyển đổi xanh để doanh nghiệp có nguồn lực, bởi chi phí chuyển đổi xanh và thực hiện cam kết đưa phát thải ròng về 0 là rất lớn nhưng các doanh nghiệp lại không được tăng giá bán. Điều này trực tiếp khiến các doanh nghiệp rất khó khăn để vừa đảm bảo đáp ứng được các tiêu chuẩn xanh vừa cân đối được nguồn lực tài chính.
Với vai trò là doanh nghiệp xuất khẩu, ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10, cho rằng các doanh nghiệp hiện nay chưa thể tiếp cận nguồn vốn vay từ tín dụng xanh, mặc dù phải tốn rất nhiều chi phí để đáp ứng tiêu chuẩn xanh của thị trường quốc tế. Ông Việt cho rằng các ngân hàng và các tổ chức tín dụng tại Việt Nam cần sớm triển khai các quỹ hỗ trợ chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp.
Hiện nay, bộ tiêu chuẩn về tiêu chí xanh về thực hiện tín dụng xanh giữa các ngân hàng chưa thống nhất, mỗi ngân hàng đều áp dụng một kiểu. Do vậy, các chuyên gia đồng nhất ý kiến rằng, việc thiết lập một bộ tiêu chuẩn xanh của Việt Nam, với sự linh hoạt và phù hợp với điều kiện kinh tế trong nước là vô cùng cấp thiết. Điều này sẽ giúp các ngân hàng và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận và huy động các nguồn lực tài chính xanh.
Một lĩnh vực đầy triển vọng khác là thị trường carbon và tín chỉ carbon, tuy nhiên đây vẫn là một thị trường mới nổi và cần nhiều thời gian để phát triển. Việc nhanh chóng hoàn thiện các bộ tiêu chuẩn và quy định về thị trường này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính xanh trong tương lai.
PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho rằng trong tài chính xanh, nếu quốc gia nào đi trước sẽ đón đầu được xu thế nhưng nếu đi sau thì rất khó để có thể tham gia vào thị trường.
Hiện nay tỷ trọng của nguồn vốn tín dụng đối với nền kinh tế khoảng 130 % của GDP và được tập trung chủ yếu từ nguồn vốn từ các ngân hàng. Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới (World Bank) và Ngân hàng Phát triển Châu Á và Việt Nam (ADB), nếu Việt Nam tiếp tục đưa con số này lên cao thì sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô.
TS Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam, nhấn mạnh cần phải có những hành động quyết liệt, cần thiết, cấp bách để phục hồi sự đầu tư từ khu vực tư nhân cũng như các nguồn vốn tự có đầu tư vào khu vực tư nhân. Đồng thời tháo gỡ những điểm nghẽn để thu hút thêm những nguồn vốn đầu tư nước ngoài có chất lượng cao phục vụ nhu cầu phát triển cao hơn của nền kinh tế đất nước.