Tại cuộc họp trao đổi về chính sách quản lý thị trường vàng và sửa đổi Nghị định số 24/2012/2012/NĐ-CP do Ngân hàng Nhà nước tổ chức cuối tuần qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết sau 1 tuần triển khai phương án bán vàng miếng SJC trực tiếp, chênh lệch giá bán vàng miếng SJC và giá vàng thế giới đã được thu hẹp.
CẦN THIẾT XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH THUẾ VỚI THỊ TRƯỜNG VÀNG
Theo các chuyên gia, phương án mới này của Ngân hàng Nhà nước được dư luận đồng tình ủng hộ; chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới sẽ được thu hẹp theo mục tiêu nhưng cần có thêm giải pháp dài hạn như sửa đổi Nghị định 24 cho phù hợp với tình hình hiện nay.
Tại cuộc họp, ông Phạm Quang Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho biết các cơ sở pháp lý của việc can thiệp của Ngân hàng Nhà nước vừa qua như: Nghị định 50/2014 về quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước; Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng; Nghị định 16/2017 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước; Thông tư 06/2013 hướng dẫn hoạt động mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước của Ngân hàng Nhà nước; Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2014/TT-NHNN ngày 10/12/2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước...
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế độc lập, trong 10 năm qua, Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ đã thành công trong việc chống vàng hóa. Người dân hiện nay không còn dùng vàng như một phương tiện thanh toán. Các ngân hàng không huy động vàng, không cho vay vàng.
TS. Trương Văn Phước, Nguyên Quyền Chủ tịch Uỷ ban giám sát tài chính quốc gia, đánh giá Nghị định 24 đã có đóng góp quan trọng cùng với các chính sách như là không cho phép huy động vàng, giao dịch vàng qua các sàn…, tập quán của người dân Việt Nam đã thay đổi nhiều. Vàng không là phương tiện trao đổi, định giá và hạn chế phổ biến coi vàng là phương tiện cất giữ tài sản.
Tại cuộc họp, một số chuyên gia khuyến nghị bên cạnh việc sửa đổi Nghị định 24 cho phù hợp với bối cảnh hiện nay, Nhà nước cũng cần nghiên cứu, xây dựng các chính sách thuế đối với vàng.
TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, cho rằng công cụ hữu hiệu nhất để quản lý thị trường vàng là thuế. Nếu không khuyến khích thì thuế cao, ngược lại thì giảm thuế xuống. Việc chống buôn lậu vàng đôi khi dùng các biện pháp hành chính không hiệu quả bằng thuế.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Thị Mùi, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần sớm kiến nghị Bộ Tài chính xây dựng các chính sách thuế đối với vàng. Theo vị chuyên gia này, việc áp dụng các chính sách thuế đối với thị trường vàng trong nước sẽ góp phần giảm bớt nhu cầu vàng của một số bộ phận nhà đầu tư và thị trường, đặc biệt đối với những đối tượng mua vàng với mục đích đầu cơ, tích trữ, thao túng giá vàng.
Bên cạnh đó, việc áp dụng thuế sẽ đảm bảo công bằng trong hoạt động kinh doanh vàng và tạo môi trường kinh doanh lành mạnh. Hiện nay, các lĩnh vực chứng khoán, bất động sản…. cũng đang áp dụng thuế thu nhập cá nhân, do đó mua bán vàng cũng nên áp dụng chính sách thuế phù hợp.
TS.Trương Văn Phước đồng tình với các quan điểm trên. Ông cho rằng việc hạn chế vàng là cần thiết. Nhà nước đáp ứng nhu cầu mua vàng vật chất của người dân có giới hạn, đáp ứng quyền tự do tiếp cận vàng nhưng cũng cần tôn trọng quyền tự do tiếp cận các mặt hàng thiết yếu trong nền kinh tế. Do đó, thuế là một công cụ điều tiết của bất cứ Nhà nước nào.
“Đến một lúc nào đó, Nhà nước cũng có thể sử dụng thuế để điều tiết, không chỉ là điều tiết thu nhập mà còn điều tiết hành vi của người tiêu dùng”, ông Phước nói.
CẦN HẠN CHẾ TẬP QUÁN TÍCH TRỮ VÀNG VẬT CHẤT
Tại hội nghị, các chuyên gia nhấn mạnh kinh nghiệm quốc tế cho thấy các quốc gia không khuyến khích người dân giữ vàng vật chất.
TS. Nguyễn Trí Hiếu dẫn chứng ở Mỹ họ cũng bán vàng vật chất và vàng trang sức nhưng bên cạnh đó thị trường chứng khoán Mỹ có những sản phẩm để đầu tư vào vàng.
“Người ta đầu tư vào chứng khoán vàng, người dân ở Mỹ không mua vàng. Ở Việt Nam rất lạ là những ngày vừa rồi chưa có gia đình nào bị cướp vàng. Ở Mỹ thì sợ mang vàng về nhà bị cướp, nên họ không bao giờ giữ vàng ở nhà, và họ phải mua bảo hiểm vàng”, TS Hiếu nói.
Các chuyên gia khuyến cáo người dân thận trọng khi mua vàng. Theo TS.Trương Văn Phước, Ngân hàng Nhà nước bán vàng cho 4 ngân hàng thương mại Nhà nước và Công ty SJC và giá vàng đã xuống trong khi người dân tập trung mua vàng rất lớn. Với góc nhìn của biến động thị trường, TS.Trương Văn Phước cho rằng lúc này người dân cần hết sức thận trọng vì chỉ một động thái Ngân hàng Trung ương Trung Quốc ngưng mua vàng cho dự trữ của họ thì giá vàng mỗi đêm giảm xuống từ 80 đến 100 USD. Đó là chưa kể nhiều biến số kinh tế của Mỹ và Châu Âu… “Dĩ nhiên tài sản là quyền của công dân, pháp luật không cấm mua bán nhưng nên thận trọng”, TS.Trương Văn Phước nhấn mạnh.
PGS.TS Nguyễn Thị Mùi nhấn mạnh trong bối cảnh hiện nay, có rất nhiều kênh đầu tư có thể kiếm lời cho người dân. Theo bà, nếu người dân chưa đủ tự tin để đầu tư chứng khoán vì đầu tư chứng khoán cần am hiểu hoặc không có đủ tiền để đầu tư bất động sản thì vẫn nên gửi tiết kiệm ngân hàng. Vàng nên chiếm tỷ trọng thấp nhất trong danh mục tích luỹ, đầu tư của các gia đình. Nếu mua vàng để chờ giá lên thì phải biết mua đúng thời điểm và chờ rất lâu.
Liên quan đến các vấn đề khác như nhập khẩu vàng, bỏ độc quyền vàng miếng SJC, các chuyên gia cho rằng Ngân hàng Nhà nước với tư cách nắm giữ dự trữ ngoại hối quốc gia, mà vàng là tài sản có nguyên liệu do thị trường quốc tế quyết định nên Ngân hàng Nhà nước cần giữ lấy quyền xuất nhập khẩu vàng. Còn việc chế biến gia công nên trao lại cho doanh nghiệp hoặc tổ chức tín dụng có điều kiện.
Kết luận hội nghị, Phó Thống đốc Phạm Quang Dũng cho biết Ngân hàng Nhà nước đánh giá sức hấp dẫn của vàng còn rất lớn; nhu cầu dự trữ vàng trong dân lớn. Tình trạng đô la hóa, vàng hóa vẫn tồn tại trong nền kinh tế, việc xử lý cần thời gian. Do đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ nghiên cứu các giải pháp đưa nguồn lực từ vàng vào sản xuất kinh doanh.