Trong một bài viết trên tờ Financial Times mới đây, bà Tao Wang, nhà kinh tế thuộc UBS Investment Research, cho rằng Trung Quốc khó có thể giải quyết tình trạng tăng trưởng giảm tốc bằng một gói kích thích lớn, bởi những thách thức của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới không phải là vấn đề mang tính chu kỳ.
"Tôi tin rằng Bắc Kinh rất quan tâm tới tăng trưởng và sẽ can thiệp để ổn định nền kinh tế cũng như thị trường bất động sản khi cần thiết. Với đà suy thoái kinh tế mạnh gần đây, hiện tại chính là thời điểm chín muồi để hành động", bà Wang viết. "Tuy nhiên, việc hỗ trợ chính sách có thể vẫn ở mức khiêm tốn".
Theo bà, các hỗ trợ của Chính phủ Trung Quốc có thể gồm các biện pháp nới lỏng hạn chế trên thị trường bất động sản, âm thầm tăng chi tiêu hạ tầng, hỗ trợ tài chính cho các nhà phát triển bất động sản và chính quyền địa phương cũng như trợ cấp tiêu dùng một cách có mục tiêu.
"Những người mong chờ một gói kích thích lớn tương tự như năm 2008 hoặc giải cứu nợ cho các chính quyền địa phương năm 2015, hay trông chờ động thái nới lỏng chính sách tiền tệ mạnh tay hay thúc đẩy thị trường bất động sản, có thể sẽ vô cùng thất vọng", bà Wang viết.
Bà chỉ ra 3 nguyên nhân để "không nên kỳ vọng Bắc Kinh sẽ có một gói kích thích kinh tế khổng lồ".
Thứ nhất, Trung Quốc không có nhiều dư địa tài chính để tung ra một gói kích thích kinh tế lớn. Tổng nợ năm 2022 của nước này, bao gồm nợ doanh nghiệp, nợ hộ gia đình và nợ chính phủ, đang ở mức gần 300% tổng sản phẩm trong nước (GDP) - theo ước tính của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS).
Còn theo ước tính của UBS, nợ chính phủ, bao gồm nợ của chính quyền các địa phương, đã vượt mức 90% GDP, trong đó phần lớn các chính quyền địa phương không có đủ dòng tiền để chi trả các khoản thanh toán lãi.
Tiết kiệm của các hộ gia đình ở mức cao cộng với hệ thống ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước đang giúp hạn chế rủi ro xảy ra một cuộc khủng hoảng nợ. Vì vậy, về lý thuyết, chính quyền trung ương có thể vay nợ thêm để thực hiện một gói kích thích tài khóa lớn.
Tuy nhiên, theo bà Wang, Trung Quốc đang đối mặt những thách thức tài khóa nghiêm trọng, bao gồm lương hưu và chi phí y tế tăng lên để hỗ trợ cho dân số đang già hóa nhanh chóng.
Thứ hai, nhu cầu trên thị trường nhà ở đang yếu do tỷ lệ sở hữu nhà đã đạt 80% vào năm 2020, còn dân số ngày càng giảm và tăng trưởng thu nhập của các hộ gia đình cũng chững lại.
Thứ ba, không có gì đảm bảo việc mạnh tay nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ mang lại hiệu quả trong bối cảnh niềm tin suy yếu của doanh nghiệp và hộ gia đình hiện nay, cũng như mức nợ cao của cả hai đối tượng này.
"Với nhu cầu tín dụng trong khu vực tư nhân thấp, việc nới lỏng tiền tệ sau cùng có thể sẽ chỉ hỗ trợ cho chi tiêu của chính quyền địa phương, tạo ra một mô hình thiếu bền vững", bà Wang viết, "Bắc Kinh cũng có thể lo lắng về nguy cơ đối với sự ổn định tài chính và các hậu quả của lạm phát".
Nhà kinh tế học của UBS cho rằng, điều quan trọng nhất là các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc hiểu rõ những thách thức với nền kinh tế của hộ không mang tính chu kỳ.
"Một gói kích thích khổng lồ không thể giải quyết được gốc rễ của những vấn đề thuộc về cấu trúc”, bà Wang viết. “Dù đã sẵn sàng hay chưa thì Trung Quốc cũng đang dịch chuyển khỏi nền kinh tế tăng trưởng nhờ dự bất động sản và chính quyền địa phương. Đây là một quá trình đầy chông gai”.
Trung Quốc chậm kích cầu, giới chuyên gia bi quan về triển vọng tăng trưởng
Sau khi phục hồi nhẹ trong quý đầu năm nay, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc ngày càng bị kéo tụt do sản lượng công nghiệp, doanh số bán lẻ, đầu tư và xuất khẩu đều giảm mạnh.
Để kích thích hoạt động kinh tế, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) gần đây liên tục hạ lãi suất, trong khi đó các quan chức Chính phủ đang thảo luận về các kế hoạch thúc đẩy chi tiêu hạ tầng và nới lỏng các hạn chế cho thị trường bất động sản.
“Tuy nhiên, Bắc Kinh sẽ không đưa ra kiểu giải cứu như các lần suy giảm tăng trưởng trước đây, bởi các động lực chính của nền kinh tế đã thay đổi”, bà Wang dự báo.
Theo bà, thay vì chi tiêu quá độ, Bắc Kinh nên thực hiện các biện pháp kích thích vừa phải và triển khai các chính sác nhằm vào các những vấn đề mang tính cơ cấu.
Các chính sách này có thể bao gồm giảm các rào cản đầu vào và tăng cường bảo vệ pháp lý cho khu vực tư nhân; tăng chi tiêu cho y tế và bảo trợ xã hội; cùng với đó thực hiện cải cách về chính sách hộ khẩu để thúc đẩy dòng dịch chuyển lao động và tăng sức chi tiêu của người di cư từ nông thôn.
"Về lâu dài, Chính phủ Trung Quốc nên tránh việc đưa ra những hỗ trợ lớn cho nền kinh tế. Bởi như vậy sẽ giúp loại bỏ các đối tượng kém hiệu trên thị trường, đồng thời cho phép khu vực tư nhân phát triển và thúc đẩy chi tiêu xã hội nhiều hơn. Việc sắp xếp lại vai trò của nhà nước và thị trường như vậy sẽ được hoan nghênh”, bà Wang nhấn mạnh.