Ba trong số 4 khó khăn nêu trên có thể được giải quyết nếu các bên cho vay được tiếp cận thông tin về bên vay một cách đầy đủ, kịp thời, chính xác.
Theo Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng, thông tin tín dụng không chỉ hỗ trợ các tổ chức tín dụng trong hoạt động kinh doanh; hỗ trợ khách hàng vay tiếp cận nguồn vốn tín dụng đáp ứng nhu cầu đời sống, kinh tế, xã hội theo quy định của pháp luật mà còn có vai trò đặc biệt quan trọng, giúp tạo lập cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia để Ngân hàng Nhà nước thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng.
SÁU LÝ DO KHIẾN NGÂN HÀNG E DÈ VỚI SME
Tại hội thảo khoa học về nâng cao chất lượng cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia mới đây, bà Phạm Thị Thanh Huyền, chuyên gia của IFC, cho biết hiện chỉ 30% doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) tại Việt Nam có khả năng tiếp cận tín dụng. Khoảng 70% còn lại khó hoặc không có khả năng tiếp cận tín dụng.
Chuyên gia của IFC chỉ ra 6 lý do dẫn đến thực trạng trên.
Thứ nhất, Việt Nam đang thiếu hệ thống cơ sở hạ tầng tài chính tốt, bao gồm hệ thống về giao dịch bảo đảm, hệ thống chia sẻ thông tin tín dụng, các chế định về mất khả năng thanh toán và phá sản.
Thứ hai, các bên đi vay thiếu tài sản bảo đảm. Thông thường, các bên đi vay không có nhà cửa hay đất đai mà chỉ có các khoản phải thu hàng hóa luân chuyển trong kinh doanh hay các loại tài sản là động sản khác.
Thứ ba, thị trường còn thiếu các dịch vụ và sản phẩm tài chính ngân hàng phù hợp dành cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.
Thứ tư, các định chế tài chính còn chưa đa dạng để có thể có cả các tổ chức tín dụng ngân hàng và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng hoạt động trên thị trường.
Thứ năm, các bên đi vay thiếu tính minh bạch trong báo cáo tài chính; phương án kinh doanh còn chưa có tính thực thi; các doanh nghiệp khởi nghiệp còn chưa có thông tin về tín dụng và doanh thu còn thấp.
Thứ sáu, bên cho vay thiếu thông tin về doanh nghiệp.
Cũng theo bà Phạm Thị Thanh Huyền, ở các thị trường cho vay chuẩn mực trên thế giới, bên cho vay sử dụng 10-20 nhà cung cấp dữ liệu và phân tích dữ liệu bên thứ 3 ngoài báo cáo tín dụng. Ở các thị trường non trẻ hơn, bên cho vay sử dụng 2-3 nguồn của bên thứ ba. Các bên cho vay ở Việt Nam cũng đang thực hiện tương tự. Do đó, cần phát triển một không gian lớn hơn cho “dữ liệu thay thế ngoài báo cáo tín dụng”, một thị trường dành cho các nhà cung cấp dữ liệu và phân tích dữ liệu bên thứ 3.
Tại hội thảo, các chuyên gia nhấn mạnh, khả năng tiếp cận tín dụng đầy đủ không thể xảy ra một cách độc lập. Thị trường tín dụng cần có “một cơ sở hạ tầng tài chính tốt” để vượt qua 4 khó khăn: thông tin bất cân xứng; động lực cho vay (làm thế nào để khiến người vay trả nợ?); chi phí giao dịch và cơ chế rời thị trường.
Theo trên, bên cạnh những nội dung như hệ thống về giao dịch bảo đảm, các chế định về mất khả năng thanh toán và phá sản thì hệ thống báo cáo tín dụng (CRS) tốt sẽ giúp bên cho vay có được bản dữ liệu tín dụng chính xác, kịp thời, đầy đủ, và phù hợp về bên vay, qua đó giúp giảm tình trạng bất cân xứng thông tin, tạo động lực trả nợ vay, giảm chi phí giao dịch, và kiểm soát rủi ro về các khoản nợ quá hạn.
Ngoài hệ thống báo cáo tín dụng thì thị trường dữ liệu và phân tích dữ liệu là một công cụ giúp phát triển tài chính bao trùm và là nền tảng cơ bản cho hoạt động và phát triển của ngành tài chính số.
BỐN THÁCH THỨC KHI PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG BÁO CÁO TÍN DỤNG Ở VIỆT NAM
Ông Cao Văn Bình, Tổng Giám đốc Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia (CIC), cho biết trong năm 2022, số lượng báo cáo do CIC cung cấp cho các tổ chức tín dụng tăng trưởng vượt bậc với hơn 77,7 triệu báo cáo, tăng hơn 55% so với cùng kì năm 2021. Tuy nhiên, việc phát triển hệ thống báo cáo tín dụng vẫn đang gặp một số trở ngại.
Một là, việc chia sẻ thông tin nền tảng, chia sẻ thông tin giữa các bộ, ngành hiện nay chưa đồng nhất. Thực tế cho thấy, qua việc khai thác thông tin của CIC với các bộ, ngành (như với Bộ Công an về Đề án 06) thì việc kết nối cũng không hoàn toàn là dễ dàng. Hiện nay, các tổ chức tín dụng chưa hoàn thành việc kết nối dữ liệu. Đối với các bộ, ngành khác thì rào cản pháp lý cũng như nền tảng công nghệ để kết nối vẫn là khó khăn còn tồn tại.
Hai là, thách thức về an toàn, an ninh thông tin. Thực tế là không có một cơ sở dữ liệu nào hoặc không có một hệ thống thông tin nào là an toàn tuyệt đối.
Ba là, thách thức về nguồn nhân lực công nghệ thông tin, đặc biệt là nguồn nhân lực về công nghệ mới của nước ta hiện nay. Yêu cầu về ứng dụng công nghệ mới rất cao nhưng các chuyên gia trong lĩnh vực này còn rất ít.
Bốn là, khả năng triển khai hệ thống công nghệ thông tin của nước ta hiện nay cũng còn nhiều vấn đề, đặc biệt là các đơn vị tư vấn trong nước chưa làm chủ được các công nghệ mới, gần như phụ thuộc hoàn toàn vào các công ty công nghệ nước ngoài.
Ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, nhấn mạnh trong bối cảnh toàn ngành ngân hàng đang quyết liệt triển khai Quyết định 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, nhiều tổ chức tín dụng đã và đang đẩy mạnh các dịch vụ ngân hàng số, cho vay trên nền tảng công nghệ, việc xây dựng và phát triển cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia đầy đủ, chính xác trên nền tảng công nghệ hiện đại có ý nghĩa hết sức quan trọng.
“Để đạt được mục tiêu này, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động thông tin tín dụng, kiểm tra việc chấp hành các quy định về báo cáo thông tin tín dụng của các tổ chức tín dụng, kiên quyết xử lý các tổ chức tín dụng báo cáo thông tin không đầy đủ, không chính xác. Đồng thời, yêu cầu các tổ chức tín dụng khai thác triệt để các sản phẩm dịch vụ thông tin tín dụng phục vụ hoạt động kinh doanh, đảm bảo tuân thủ các quy định của Ngân hàng Nhà nước về cấp tín dụng, quản trị rủi ro”, ông Phạm Tiến Dũng cho biết.