April 25, 2025 | 09:54 GMT+7

Chuyên gia: Nếu Fed cắt giảm lãi suất 2 - 3 lần trong năm nay, Ngân hàng Nhà nước có thể hạ lãi suất điều hành 0,25%

Thu Minh -

Nếu Fed cắt giảm lãi suất hai đến ba lần trong năm nay, Ngân hàng Nhà nước có thể giảm lãi suất điều hành 25 điểm cơ bản trong quý 3/2025 để kích thích tăng trưởng tín dụng và hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng GDP.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận phân tích vĩ mô và thị trường chứng khoán của VnDirect vừa đưa ra những nhận định về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2025.

Theo đó, việc Mỹ áp thuế đối ứng 46% đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam đặt ra những thách thức đáng kể đối với nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu như Việt Nam. Mặc dù việc Mỹ tạm hoãn áp thuế trong 90 ngày có thể thúc đẩy xuất khẩu và tăng trưởng GDP của Việt Nam trong Q2/25 nhờ động thái gia tăng tích trữ hàng tồn kho của các nhà bán lẻ Mỹ, nhưng tăng trưởng kinh tế nửa cuối năm có thể đối mặt với khó khăn nếu các cuộc đàm phán thương mại giữa Việt Nam- Mỹ không thành công và mức thuế đối ứng mới không giảm đáng kể so với mức 46%.

Ngay cả khi thuế được giảm xuống, những tác động tiêu cực kéo dài vẫn có thể xảy ra. Người tiêu dùng Mỹ có nguy cơ đối mặt với tình trạng lạm phát gia tăng và tăg trưởng thu nhập chậm lại do thuế quan, điều này có thể làm giảm nhu cầu đối với hàng hóa nhập khẩu. Do đó, triển vọng tăng trưởng GDP năm 2025 của Việt Nam sẽ đối mặt với những nguy cơ từ chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ. 

Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam vẫn kiên định với mục tiêu tăng trưởng GDP 8% cho năm nay, và sẵn sàng áp dụng các chính sách kích thích kinh tế quyết liệt hơn nếu cuộc đàm phán thương mại với Mỹ gặp trở ngại hoặc các rủi ro lớn nổi lên, như gián đoạn chuỗi cung ứng hoặc suy thoái toàn cầu.

Việc điều chỉnh dự báo GDP của Việt Nam vào thời điểm này chưa đủ cơ sở thông tin và dữ liệu để đưa ra nhận định chuẩn xác, do vẫn còn khả năng—dù không cao—về một sự xoay chuyển đáng kể trong các cuộc đàm phán thương mại có lợi cho Việt Nam. Do đó, VnDirect quyết định chưa thay đổi dự báo tăng trưởng GDP năm 2025, trong khi chờ đợi kết quả đàm phán thương mại rõ ràng hơn và theo dõi sát sao diễn biến của dòng vốn FDI cũng như các chính sách kích thích kinh tế của Chính phủ để có đánh giá toàn diện.

Như vậy, VnDirect duy trì dự báo tăng trưởng GDP năm 2025 của Việt Nam ở mức 7,3% so với cùng kỳ.

Việc Mỹ áp thuế đối ứng 46% đối với hàng nhập khẩu Việt Nam đã gây ra một đợt bán tháo mạnh mẽ nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp, phản ánh mối lo ngại ngày càng gia tăng của nhà đầu tư về triển vọng FDI ngắn hạn.

Mặc dù hiện tại mức thuế suất 46% đang được hoãn áp dụng trong 90 ngày, dự báo vốn FDI đăng ký mới vẫn sẽ chịu ảnh hưởng đáng kể, thậm chí có khả năng đóng băng trong ngắn hạn. Trong khi vốn FDI tăng thêm và FDI thực hiện có thể chịu tác động ít nghiêm trọng hơn FDI đăng ký mới, sự chậm trễ trong việc giải ngân và thanh toán tiền thuê đất cho đến khi có thêm thông tin rõ ràng về mức thuế đối ứng cuối cùng sau đàm phán sẽ là những rủi ro gây gián đoạn dòng vốn đầu tư trực tiếp trong tương lai gần.

Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận phân tích vĩ mô và thị trường chứng khoán của VnDirect.
Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận phân tích vĩ mô và thị trường chứng khoán của VnDirect.

Nhà đầu tư lo ngại về kịch bản xấu nhất liên quan đến việc di dời hàng loạt các dự án FDI hiện tại khỏi Việt Nam, song đây là rủi ro có xác suất thấp trong ngắn và trung hạn do các quốc gia khác trong khu vực cũng phải đối mặt với mức thuế suất đáng kể, chi phí di dời lớn, sự bất ổn về mặt chính sách trong khung thời gian bốn năm nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ hiện tại và Việt Nam sở hữu các lợi thế cạnh tranh lớn.

Trên thực tế, nhà sản xuất điện tử Nhật Bản Sourcenext đang có kế hoạch thành lập một cơ sở sản xuất mới tại Việt Nam để chủ động giảm thiểu tác động của thuế quan trả đũa giữa Mỹ và Trung Quốc, một tín hiệu tích cực, thể hiện niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài vào các yếu tố cơ bản của Việt Nam trong bối cảnh thương mại đang thay đổi không ngừng.

Về tỷ giá, áp lực sẽ gia tăng sau thông báo về thuế đối ứng Mỹ. Trong ngắn hạn, tỷ giá VND sẽ tiếp tục đối mặt với áp lực. Việc đồng DXY tiếp tục suy yếu sẽ làm các đồng tiền khác mạnh lên, đáng chú ý là đồng Euro, khi nhà đầu tư tìm kiếm nơi trú ẩn trong bối cảnh thương mại toàn cầu có nhiều biến động. Đồng EUR mạnh lên sẽ gây thêm áp lực lên đồng VNĐ.

Hơn nữa, việc áp thuế đối ứng 46% có thể dẫn đến sự giảm tốc trong cả dòng vốn FDI và FII vào Việt Nam. Điều này chưa kể đến Việt Nam đang tích cực đàm phán với Mỹ để đạt được các thỏa thuận thương mại tiềm năng, kéo theo nhu cầu tăng cường nhập khẩu hàng hóa Mỹ trong tương lai gần, gây thêm áp lực đối với tỷ giá.

Trong bối cảnh này, VnDirect cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần điều hành tỷ giá linh hoạt hơn để hỗ trợ khu vực xuất khẩu đang chịu áp lực từ thuế quan. Điều này bao gồm việc chấp nhận biên độ dao động tỷ giá lớn hơn, đặc biệt khi dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện đang ở dưới ngưỡng khuyến nghị của IMF.

VnDirect cũng kỳ vọng lãi suất huy động sẽ duy trì ổn định và giữ nguyên dự báo lãi suất huy động bình quân kỳ hạn 12 tháng ở mức 4,8-5,0%/năm cho năm 2025, phản ánh quan điểm rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì nới lỏng chính sách tiền tệ, tích cực hỗ trợ thanh khoản hệ thống ngân hàng, từ đó duy trì môi trường lãi suất thấp để hỗ trợ nền kinh tế.

Trong thời gian tới, nếu Fed thực hiện chu kỳ cắt giảm lãi suất như dự kiến, Ngân hàng Nhà nước sẽ có thêm dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ. Nếu Fed cắt giảm lãi suất hai đến ba lần trong năm nay, Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét giảm lãi suất OMO từ mức 4%/năm hiện tại, và trong một động thái nới lỏng mạnh tay hơn, Ngân hàng Nhà nước có thể giảm lãi suất điều hành 25 điểm cơ bản trong quý 3/2025 để kích thích tăng trưởng tín dụng và hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng GDP.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate