Gửi ý kiến đóng góp đếnDiễn đàn Kinh tế-xã hội Việt Nam năm 2022có chủ đề ‘’Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững” được tổ chức ngày 18/9, bà Irina Korguna, Giám đốc Trung tâm Chiến lược Nga tại Châu Á, Viện Kinh tế, Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga, nhận thấy sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam sau đại dịch Covid-19 và các biện pháp kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt.
Tuy nhiên, “kể cả khi nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng ở mức 7% thì trước mắt vẫn còn nhiều thách thức mà Chính phủ Việt Nam phải đối mặt, trong đó có các yếu tố ảnh hưởng từ quốc tế và một số vấn đề nội sinh”, bà Irina Korguna nhấn mạnh. Việc áp dụng các công cụ chính sách đặc thù riêng biệt cho từng vấn đề là cần thiết.
Về môi trường kinh tế toàn cầu, bà Irina Korguna cho rằng đây là khía cạnh mang lại rủi ro lớn nhất trong thời điểm hiện tại.
"Chúng ta có thể thấy lạm phát tăng cao, nguy cơ xảy ra một sự đình trệ trong thị trường xuất khẩu với các quốc gia, tương tự với trường hợp của nước Mỹ. Cùng lúc đó, chúng tôi cũng nhận thấy khả năng xảy ra một "cơn sốc" hàng hóa", bà Irina Korguna lo ngại. Điều có thể xảy ra hoặc có thể không xảy ra nhưng khả năng xảy ra là khá cao, vì vậy việc chuẩn bị cho sự ngưng trệ này là cấp thiết.
Tác động của lạm phát có sức ảnh hưởng toàn cầu nên nền kinh tế Việt Nam cũng không thể tránh khỏi việc bị ảnh hưởng và hiện không có nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu tác động và kiềm chế lạm phát trên quy mô toàn cầu.
Đương nhiên việc Việt Nam có khả năng tự chủ trong hoạt động sản xuất nông nghiệp góp phần giảm thiểu tác động của lạm phát lên các sản phẩm nông nghiệp như lúa mì và các nông sản khác.
"Khả năng tự chủ về nông nghiệp là một lợi thế quan trọng, tuy nhiên lạm phát cũng sẽ dẫn đến giá cả năng lượng tăng cao và điều này có ảnh hưởng trực tiếp đến mức thu nhập của rất nhiều người và làm suy giảm sức tiêu thụ", bà Irina Korguna nhìn nhận.
Qua đó, cần nâng cao thu nhập của nhóm người dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố trên.
Nhóm người có mức thu nhập thấp cũng cần phải được hỗ trợ để đảm bảo thu nhập ổn định hay được cung cấp các cơ hội việc làm, qua đó đảm bảo một mức thu nhập tối thiểu để duy trì sức tiêu thụ.
Về khả năng xảy ra một cuộc suy thoái trong các thị trường xuất khẩu lớn, trong đó Việt Nam đối mặt với thách thức lớn khi nền kinh tế phụ thuộc hơn 100% vào hoạt động xuất khẩu.
"Một trong các giải pháp là tìm kiếm các thị trường xuất khẩu mới như ASEAN", Giám đốc Trung tâm Chiến lược Nga tại Châu Á gợi ý.
Ngoài ra, Việt Nam cũng có thể điều hướng một số hoạt động xuất khẩu sang một trong các thị trường xuất khẩu đang phát triển khác như Ấn Độ, từ đó gia tăng thêm sự hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực.
Về việc dịch chuyển mô hình sản xuất các sản phẩm phục vụ xuất khẩu sang phục vụ thị trường nội địa, nhằm thúc đẩy khả năng tiêu dùng trong nước đóng vai trò quan trọng, "Việt Nam cũng cần cân nhắc xem xét mở rộng ngân sách, tăng cường đầu tư công, từ đó tạo ra thêm nhiều cơ hội việc làm", bà Irina Korguna nói và lưu ý - "Điều này cũng đồng nghĩa với việc gia tăng thêm áp lực lên các chính sách tài khóa của Chính phủ".
Tác động của việc suy giảm khả năng xuất khẩu sẽ khiến việc phân bổ ngân sách trở nên khó khăn hơn. Điều này đòi hỏi sự khéo léo cân bằng giữa các khoản chi và nguồn thu.
"Các vấn đề được kể trên chỉ mang tính trung hạn trong khi việc đưa ra các giải pháp cho các vấn đề dài hạn mà Việt Nam phải đối mặt là tập trung phát triển công nghệ và nguồn nhân lực", bà Irina Korguna nhấn mạnh.
Dù vậy, Việt Nam đang duy trì lợi thế cạnh tranh dựa trên yếu tố lao động giá thành thấp. Tuy nhiên, trong tương lai, khi nền kinh tế Việt Nam phát triển hơn và mức thu nhập của người dân được cải thiện thì đồng nghĩa với việc chi phí sản xuất sẽ tăng lên.
Lưu ý những rủi ro về mặt môi trường, TS. Patrick Horvath - Tổng Thư ký Quỹ Chính sách kinh tế khoa học (WIWIPOL), Cộng hòa Áo, cho rằng kinh tế Việt Nam đang có tốc độ phát triển vượt bậc và năng động.
Tuy nhiên, sự tăng trưởng kinh tế rất quan trọng để đảm bảo sự giàu có trong tương lai của đất nước lại gây tổn hại đến môi trường ở một mức độ nhất định.
"Bài toán nan giải sẽ là làm thế nào để duy trì tốc độ tăng trưởng cao, để tạo ra của cải cho người dân nhưng đồng thời cũng phải bảo tồn được thiên nhiên phong phú mà Việt Nam vốn có được", ông Patrick Horvath lưu ý.
Trong vấn đề này, Áo có thể hỗ trợ Việt Na, vì Áo là quốc gia dẫn đầu thị trường thế giới về công nghệ môi trường, về sự đổi mới. Áo có thể hỗ trợ Việt Nam những giải pháp thông minh, để phát triển đô thị và bảo vệ môi trường. Một quan hệ đối tác xanh giữa Áo - Việt Nam, có thể giữa các doanh nghiệp, các không gian xanh...
Gợi ý thêm những giải pháp để đương đầu với các thách thức, bà Irina Korguna, cho rằng Việt Nam cần phải có sự chuyển đổi từ việc tập trung sản xuất các mặt hàng có giá trị gia tăng thấp sang các mặt hàng có giá trị gia tăng cao.
Công cuộc chuyển đổi này cần một nguồn nhân lực có thể đáp ứng nhu cầu sản xuất và ứng dụng các tiến bộ công nghệ cao trong sản xuất.
Vì vậy, "mặc dù phải đối mặt với các rủi ro từ lạm phát và các yếu tố khác, Việt Nam vẫn cần phải tiếp tục đầu tư phát triển nâng cao năng lực đổi mới nhằm hỗ trợ công cuộc chuyển đổi của nền kinh tế, trong đó cần tập trung đầu tư cho giáo dục nhằm cung cấp cho thế hệ trẻ các kiến thức cần thiết để đương đầu với các thách thức lớn hơn trong tương lai", bà Irina Korguna nhấn mạnh.
Bởi nền kinh tế sẽ tiếp tục thay đổi, với tác động của sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, tập trung vào trí tuệ nhân tạo, big data (dữ liệu lớn) và công nghệ học máy. Đây là những chuyên ngành đóng vai trò định hình tương lai, vì vậy cần nâng cao trình độ lao động, đặc biệt trong các lĩnh vực này, nhằm nâng cao khả năng thích ứng của nền kinh tế Việt Nam với các thách thức trong tương lai.