February 18, 2025 | 10:08 GMT+7

Chuyên gia: Thị trường sẽ bùng nổ từ tháng 7 đến tháng 9 nhờ sóng nâng hạng?

Thu Minh -

Giai đoạn tích cực nhất có thể là sau quý 2, từ tháng 7 đến tháng 9, yếu tố nâng hạng sẽ kích hoạt và giúp chỉ số vượt qua ngưỡng 1.300 điểm một cách mạnh mẽ hơn...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nhận định về thị trường trong giai đoạn đầu năm, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc chiến lược thị trường, Công ty cổ phần Chứng khoán VPBank (VPBankS) cho rằng trong giai đoạn đầu năm, chỉ số VN-Index có thể tiếp tục đà tăng và có những nhịp bật lên 1.300 điểm, chẳng hạn 1.310 điểm và hơn một chút.

Nhưng sau đó, rất có thể VN-Index sẽ điều chỉnh trở lại bởi đến nay, dù có rất nhiều thông tin tích cực, nhiều nhóm ngành tăng trưởng tốt nhưng thanh khoản vẫn chưa thể đảm bảo giữ vững nhịp tăng mạnh.

THỊ TRƯỜNG SẼ BÌNH YÊN ĐẾN THÁNG 4

Theo ông Sơn, rất lâu rồi mới có những cổ phiếu khoáng sản quay trở lại nền giá cao từ 200.000 – 300.000 đồng/cổ phiếu. Giai đoạn hiện nay cũng rất đặc biệt khi những cổ phiếu trụ cột như ngân hàng, chứng khoán mang tính chất giữ nhịp và chỉ số phục hồi một cách ổn định. Trong khi đó, dòng tiền tập trung vào nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ.

Đặc biệt, trong giai đoạn này, khi vấn đề thuế quan ngày càng nóng, câu chuyện về cổ phiếu hưởng lợi từ giá hàng hóa thế giới phục hồi đang rất nóng bỏng. Nhờ vậy, cổ phiếu khoáng sản, cao su đang tăng rất tốt. Đây là cơ hội riêng có của thị trường trong giai đoạn này.

Còn về yếu tố thông tin, nhà đầu tư cần chờ thêm những tin tức về tăng trưởng tín dụng hay kịch bản về nâng hạng. Do đó, giai đoạn tích cực nhất có thể là sau quý II, từ tháng 7 đến tháng 9, yếu tố nâng hạng sẽ kích hoạt và giúp chỉ số vượt qua ngưỡng 1.300 điểm một cách mạnh mẽ hơn.

Từ nay đến 1/4, có thể thị trường toàn cầu nói riêng và Việt Nam nói chung sẽ có được giai đoạn bình yên. Chiến lược thương mại trong thời kỳ Trump 2.0 đã rõ ràng, những quốc gia mục tiêu bao gồm Mexico, Canada và Trung Quốc. Ông Trump đã thực hiện áp thuế 25% với Mexico và Canada, nhưng đang hoãn lại trong một tháng. Yếu tố mà Mexico và Canada đang cần đàm phán liên quan đến người nhập cư, cũng như ngăn chặn luồng đi của ma túy fentanyl vào Mỹ.

Ngoài thương mại, việc áp thuế còn có yếu tố liên quan đến chính trị và xã hội. Về mặt chính trị, ông Trump áp thuế 10% với Trung Quốc (đã có hiệu lực) và muốn đàm phán về luồng fentanyl đang chảy vào Mỹ. Trong giai đoạn vừa qua, ông Trump cũng đã trục xuất nhiều người nhập cư bất hợp pháp từ Mexico, từ Canada.

Việt Nam đứng trong top 8 quốc gia có kim ngạch thương mại lớn nhất với Mỹ và top 4 có thặng dư thương mại lớn nhất của Mỹ. Nguyên nhân khiến Việt Nam chưa rơi vào tầm ngắm là do trong giai đoạn Trump 1.0, ông đã mạnh tay đánh thuế vào Trung Quốc và một số nước khác.

Tuy nhiên, vì đánh thuế mạnh tay như vậy, Mỹ cần một lượng hàng hóa thay thế cho những hàng hóa đã chịu thuế. Việt Nam, Mexico và Đài Loan (Trung Quốc) đã hưởng lợi từ thời kỳ Trump 1.0. Việc đánh thuế của ông Trump trong nhiệm kỳ thứ hai là đa mục đích, nhưng Mỹ vẫn cần lượng hàng hóa để nhập, đảm bảo mức độ cạnh tranh. Vì vậy, từ nay đến 1/4, nếu ông Trump đánh thuế vào Mexico và Canada thì đây có thể là cơ hội của cho những quốc gia xuất khẩu khác vào Mỹ, bao gồm Việt Nam.

Lượng hàng hóa, đặc biệt là nông sản từ Mexico và Canada vào Mỹ hiện đang rất lớn. Mỹ đang thâm hụt ở những sản phẩm nông sản này. Nếu áp thuế chung 25% cho hàng hóa Mexico và Canada thì có lẽ nông sản của các quốc gia xuất khẩu vào Mỹ, trong đó bao gồm Việt Nam có thể hưởng lợi.

Ngoài ra, việc đánh thuế vào Mexico và Canada có thể ảnh hưởng tới một số ngành, lĩnh vực khác liên quan đến sản xuất ô tô. Sản xuất ô tô có thể chịu tác động lớn khi nhiều nhà sản xuất đang đặt nhà máy tại Mexico và Canada. Nếu chiến dịch áp thuế diễn ra một cách rõ ràng, giá ô tô nhập khẩu vào Mỹ có thể tăng từ 3.000 – 10.000 USD/xe. Ô tô sản xuất từ châu Âu nhập khẩu vào Mỹ cũng đối mặt với nguy cơ bị áp thuế từ 2,5% - 10%.

NHỮNG MẶT HÀNG NÀO NGUY CƠ BỊ ĐÁNH THUẾ CAO?

Theo Giám đốc chiến lược thị trường VPBankS, Việt Nam có thể ảnh hưởng nếu Mỹ đưa ra luật thuế đối ứng (qua lại giữa Mỹ và các nước khác) áp dụng lên những quốc gia có thặng dư thương mại hoặc kim ngạch thương mại lớn với Mỹ.

Với loại thuế này, Mỹ sẽ tập trung vào những loại hàng hóa mà Mỹ không có lợi thế nhưng phải nhập khẩu nhiều. Trong giai đoạn vừa rồi, Mỹ đã áp thuế 25% lên thép và nhôm nhập khẩu nhằm bảo vệ cho các hãng sản xuất thép của Mỹ. Đây là động thái mang tính chiến lược để bảo vệ nền sản xuất thép và nhôm trong nước.

Việt Nam đang xuất khẩu rất nhiều sang Mỹ máy móc, thiết bị phụ tùng, máy tính và linh kiện, hàng dệt may. Đây là những mặt hàng có thể chịu ảnh hưởng nếu Mỹ đánh thuế đối ứng. Hiện ông Trump mới chỉ đưa ra bản ghi nhớ về loại thuế này và có thể vẫn đang xây dựng hàng rào thuế với nhiều quốc gia.

Nhà đầu tư có thể lường trước yếu tố này, còn khả năng ông Trump áp dụng ngay lập tức là chưa có. Bởi nếu áp dụng ngay, giá cả toàn cầu sẽ lên rất cao, người tiêu dùng Mỹ sẽ chịu ảnh hưởng lớn, chi tiêu tiêu dùng giảm, trong khi lạm phát vọt tăng, gây hại cho nền kinh tế Mỹ. Khi lạm phát tăng lên, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể chậm lại trong quá trình hạ lãi suất, ảnh hưởng tới nhiều doanh nghiệp.

Thứ hai, khi giá cả tăng lên, niềm tin tiêu dùng và lĩnh vực bán lẻ của Mỹ sẽ suy yếu. Báo cáo doanh số bán lẻ tháng 1 của Mỹ cho thấy dấu hiệu suy giảm rất mạnh, một phần do ảnh hưởng của thời tiết, cũng như yếu tố cháy rừng. Tuy nhiên, một phần khác cũng có thể đến từ chính sách thuế quan.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate