Như VnEconomy đưa tin, 20h ngày 2/7 (giờ Việt Nam), Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump về quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ và đàm phán về thuế đối ứng giữa hai nước...
Trên mạng xã hội, ông Trump cũng nói về mức thuế mà Mỹ dự kiến áp cho Việt Nam. Theo đó, thuế đối ứng 20% cho hàng hóa sản xuất từ Việt Nam và 40% cho các hàng hóa quá cảnh sang Việt Nam. Tuy nhiên, chưa có thông tin cụ thể về các mặt hàng sẽ chịu thuế cụ thể.
Nhận định về mức thuế này, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta, cho rằng có 3 khả năng, một là sẽ có khoảng khung áp thuế 10-20%; hay là áp đồng đều lên các mặt hàng 20%; ba là 20% là mức trung bình (nghĩa là cũng sẽ có các ngành chịu mức thuế trên 20%).
Tuy nhiên, như tinh thần chung mà Mỹ muốn áp thuế cho hàng hóa Việt Nam là giảm sự lệ thuộc vào hàng hóa Trung Quốc cho nên nhiều khả năng sẽ áp dụng 10-20% cho các hàng hóa sản xuất từ Việt Nam và mức thuế được áp dụng tùy vào tỷ lệ nguồn gốc xuất xứ hàng hóa từ Trung Quốc.
Như vậy, nếu khung thuế quan từ 10-20% cho hàng hóa sản xuất tại Việt Nam thì cũng là dấu hiệu tích cực mặc dù nó vẫn cao hơn so với kỳ vọng trước đó là 10-15%. Do đó, lợi thế cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam vẫn có thể cao hơn các nước trong khu vực (nhưng cần chờ quan sát thêm mức thuế cụ thể cho từng quốc gia).
Mức 40% được áp dụng cho hàng hóa trung chuyển sang Việt Nam, điều quan trọng là định nghĩa và quy định cụ thể cho hàng hóa trung chuyển là gì và Việt Nam sẽ có các giải pháp như thế nào để thỏa thuận với Mỹ.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu Nike và gia dày khác, Apple của Mỹ đã tăng giá tích cực sau thông tin này cho thấy các nhà đầu tư đang lạc quan hơn về kết quả đàm phán sơ bộ này.
Nhìn chung, vẫn chưa có mức áp dụng cụ thể và quy định chi tiết cho từng ngành hàng chịu thuế. Tuy nhiên, trong thông điệp lần này của Tổng thống Trump đó là giảm đáng kể thuế quan cho hàng hóa Việt Nam cho thấy tín hiệu tích cực trong đàm phán.
Ngoài việc chi tiết các hàng hóa sẽ có mức áp thuế cụ thể thì vấn đề mà chúng ta cần xem xét đến nữa đó là các mức thuế quan mà Mỹ áp dụng cho các quốc gia khác là bao nhiêu mới có thể đánh giá sự ảnh hưởng của FDI.
Kết quả đàm phán lần này vẫn mới chỉ đưa ra bộ khung (đã giảm so với bộ khung thời điểm 02/04/2025) và vẫn chưa có kết quả cụ thể nào. Nhưng căng thẳng thuế quan đã hạ nhiệt/tích cực và tiếp tục chờ đợi kết quả cụ thể thuế quan.
Mức độ ảnh hưởng lên thị trường chứng khoán sẽ thấp hơn. Diễn biến của các cổ phiếu tại Mỹ cũng đang cho thấy tín hiệu lạc quan từ vòng đàm phán lần này. Đồng thời, tương tự như các sự kiện khác thì mức độ tác động của thuế quan cũng sẽ giảm dần vì vẫn còn chờ thời gian và sự thích nghi khi có mức áp thuế cụ thể cho nên các nhà đầu tư không nên có hành động bán tháo và nhịp điều chỉnh có thể được xem là cơ hội mua vào.
Ngoài ra, trên quan điểm thận trọng, các nhà đầu tư vẫn nên hạn chế các cổ phiếu chịu tác động trực tiếp từ thuế quan như xuất khẩu (dệt may, thủy sản, đồ gỗ,…) và FDI (bất động sản khu công nghiệp).
Ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng Chứng khoán SSI đồng quan điểm nhấ mạnh: Đây là một tin tương đối tích cực, khá tích cực với Việt Nam. Trong số đối tác thương mại lớn của Mỹ, Việt Nam là quốc gia thứ 3 đàm phán xong, thể hiện Việt Nam là đối tác lớn.
Về con số, 20% được nhận định là cao song đâu đấy vẫn nằm ở giữa mức thuế tối thiểu 10% - 30% mà Mỹ áp cho Trung Quốc. Như vậy, với Việt Nam đây là mức chấp nhận được. Lưu ý cũng chưa chắc chắn đây là con số cuối cùng vì quá trình đàm phán còn tiếp diễn, không phải tất cả các mặt hàng đều 20%.

Yếu tố quan trọng hơn cả thuế là quy tắc xuất xứ. Thời điểm này, điều quan tâm hơn là liên quan đến quy tắc xuất xứ. Và trong buổi điện đàm cũng nhắc đến vấn đề quy tắc xuất xứ thuận lợi với hai quốc gia, đây là tín hiệu tích cực, nếu thuế 20% đi kèm quy tắc xuất xứ tương đối dễ thở so với Việt Nam có thể thực hiện được. Chúng ta không nhất thiết cần thuế quá thấp mà lại kèm quy tắc xuất xứ cao.
Bên cạnh đó, so với mức thuế Mỹ áp với Việt Nam và với các quốc gia khác, nếu mức chênh lệch không cao thì cũng không phải là lí do cho nhà đầu tư nước ngoài rời Việt Nam tìm nơi khác thiết lập nhà máy. Điều này khó xảy ra. Chính phủ có nhiều chính sách hỗ trợ nhà đầu tư nếu họ bị ảnh hưởng bởi thuế đối ứng như tiếp cận đất đai, tiền thuê đất khu công nghiệp thấp hơn, hay hỗ trợ tiền mặt trực tiếp cho nhà đầu tư vào công nghệ cao, ngân sách địa phương hỗ trợ...
"Mức thuế 20% không phải tiêu cực, đây là yếu tố tích cực cho Việt Nam, giảm rủi ro cho nhà đầu tư trước thềm 9/7. Mức thuế áp cho Việt Nam nếu so với các mức thuế khác ở các quốc gia khác thì cũng chỉ là mức trung tính", ông Phạm Lưu Hưng nhấn mạnh.