Rất khó để khái quát lĩnh vực nào, doanh nghiệp nào "đủ khỏe" để quay lại hoạt động khi nền kinh tế mở cửa trở lại. Song rõ ràng, mở cửa sẽ là sự cân bằng giữa phục hồi hoạt động kinh tế và giữ an toàn cho người dân.
Vì thế, khi trao đổi với Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy, bà Dorsati Mandani, Chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB) ở Việt Nam cho rằng việc đẩy mạnh ứng dụng các nền tảng kỹ thuật số sẽ là giải pháp hữu ích, tạo điểm khác biệt để doanh nghiệp bật dậy sau đại dịch.
Đợt dịch Covid-19 lần thứ tư được xem là đợt dịch tác động nghiêm trọng nhất tới nền kinh tế. Theo đánh giá của bà, đợt dịch này đã ảnh hưởng như thế nào tới doanh nghiệp Việt Nam?
Nền kinh tế đã bị ảnh hưởng trong tháng 7/2021 và đặc biệt là trong tháng 8/2021 do sự lây lan của Covid-19 và những biện pháp giãn cách, phong tỏa của Chính phủ nhằm kiểm soát dịch bệnh tại một số tỉnh, thành phố như TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội...
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong tháng 8/2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đã giảm 10,5% so với tháng trước và giảm 33,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa chiếm tỷ lệ lớn hơn trong sự sụt giảm này (59,6%).
Do thực hiện giãn cách, các cửa hàng buộc phải đóng cửa, người dân không thể tới mua hàng trực tiếp. Trong khi đó, chủ doanh nghiệp vẫn phải trang trải các chi phí để duy trì hoạt động. Đến nay, nhiều doanh nghiệp đã cạn kiệt lượng tiền dự trữ. Trong khi nhiều doanh nghiệp có quy mô nhỏ trong lĩnh vực bán lẻ khu vực phi chính thức không thể tiếp tục duy trì hoạt động. Nhiều người lao động rơi vào tình cảnh mất việc tạm thời hoặc bị sa thải, không có nguồn thu nhập trong nhiều tháng nay.
Trong đợt dịch Covid-19 đầu tiên vào tháng 4/2020, nhiều công ty tạm thời đóng cửa nhưng sau đó có thể hoạt động trở lại ngay khi các hạn chế về giãn cách được dỡ bỏ. Tuy nhiên, đợt dịch Covid-19 thứ tư lại kéo dài hơn và tác động nặng nề hơn đến sản xuất kinh doanh.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8/2021 giảm 4,2% so với tháng trước và giảm 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Sự sụt giảm này không nhiều như tôi dự kiến, có thể bắt nguồn từ việc một số công ty đã rất năng động trong tìm kiếm các giải pháp thay thế để tiếp tục sản xuất.
Và dường như đã có sự chuyển giao một số hoạt động sản xuất của các nhà máy đến các trung tâm sản xuất phía Bắc. Vì vậy, tăng trưởng của một số trung tâm phía Bắc được đẩy lên hai con số, trái ngược với sự sụt giảm sản lượng mạnh ở các tỉnh phía Nam.
Trong khi đó, một số nhà máy tại miền Nam đã đạt đến giới hạn của việc theo đuổi chiến lược “ba tại chỗ” để giữ công nhân ở lại nhà máy duy trì sản xuất. Các công ty phải chịu các chi phí về chỗ ở cho người lao động tại chỗ, xét nghiệm và kiểm dịch (nếu người lao động bị nhiễm bệnh), tạo áp lực rất lớn tới dòng tiền của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu các công ty bắt đầu từ bỏ chiến lược này, sản xuất công nghiệp có thể tiếp tục giảm hơn nữa.
Đã có rất nhiều doanh nghiệp không thể chống đỡ với Covid-19, buộc phải rời bỏ thị trường trong khi nhiều doanh nghiệp còn tồn tại, hoạt động cầm chừng và phải đối mặt với rất nhiều khó khăn như đứt gãy chuỗi cung ứng, dòng tiền, lao động... Vậy bà có nghĩ rằng các doanh nghiệp này còn "đủ khỏe" cho sự trở lại sắp tới không?
Khó có thể khái quát và nói về một yếu tố quan trọng đối với tất cả các doanh nghiệp trong tất cả các lĩnh vực. Tôi nghĩ chúng ta nên xem xét khía cạnh cung và cầu của thị trường và xem thách thức ở đâu.
Về phía nguồn cung, tôi cho rằng khả năng tài chính/vốn lưu động sẽ rất quan trọng đối với các công ty khi tình trạng giãn cách được dỡ bỏ. Vì vậy, sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước sẽ rất hữu ích và cần được tiếp tục trong ngắn hạn.
Ngoài ra, việc đảm bảo không thiếu hụt yếu tố đầu vào và lực lượng lao động sẽ tạo ra sự khác biệt lớn trong việc tiếp tục hoạt động kinh tế. Các chính sách hỗ trợ hiện tại của Chính phủ cũng có thể hỗ trợ các công ty vượt qua giai đoạn khó khăn này, nhưng một số chính sách, chẳng hạn như giảm thuế và phí doanh nghiệp chỉ hữu ích nếu công ty vẫn hoạt động.
Về phía cầu, mở cửa sẽ là sự cân bằng giữa phục hồi hoạt động kinh tế và giữ an toàn cho người dân. Điều này phụ thuộc vào việc Chính phủ kiểm soát thông qua tiêm chủng, xét nghiệm như thế nào và mọi người tuân thủ các hướng dẫn về việc đeo khẩu trang nơi công cộng và xã hội tốt ra sao.
Một điểm rất tích cực ở đây là nhiều doanh nghiệp và khách hàng đang ngày càng sử dụng các nền tảng kỹ thuật số và tiếp cận trực tuyến để kinh doanh. Đây sẽ là giải pháp giúp ích cho các doanh nghiệp bằng cách giúp họ tiếp cận nhiều khách hàng hơn trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt.
Sống chung và thích ứng với Covid-19 đang là những từ khóa được cả thế giới nhắc tới. Vậy theo bà, sau giai đoạn trở lại và phục hồi, doanh nghiệp Việt cần phải chuẩn bị những gì để có thể phát triển với quỹ đạo trước đại dịch trong bối cảnh “sống chung” với Covid-19?
Trong tương lai, tôi nghĩ có hai yếu tố quan trọng. Thứ nhất, trong ngắn hạn, để tránh bất kỳ đợt bùng phát dịch bệnh có thể xảy trong tương lai, mở cửa nền kinh tế phải đi cùng với việc đảm bảo bảo vệ tốt cho nhân viên và khách hàng như khẩu trang, giãn cách xã hội, tiêm chủng, và thường xuyên xét nghiệm… Các biện pháp này có thể kéo dài trong 1-2 năm tới.
Thứ hai, số hóa cách thức hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam. Xu thế này đã bắt đầu và đến nay, có khoảng 60% mô hình kinh doanh của Việt Nam dựa trên nền tảng Internet và kỹ thuật số. Điều này sẽ đẩy nhanh tăng trưởng cho doanh nghiệp và nền kinh tế sẽ quay trở lại tốc độ tăng trưởng trước đại dịch.
Bởi công nghệ và kỹ thuật số có thể giúp cắt giảm chi phí, đẩy nhanh tiếp cận khách hàng hơn và bán hàng trực tuyến nhiều hơn. Đây là điểm khác biệt để giúp doanh nghiệp dễ dàng thâm nhập vào các thị trường khác nhau.
Nhiều quan điểm cho rằng, không chỉ doanh nghiệp mà ngay cả Chính phủ cũng đang dần phải thích ứng với Covid-19. Vậy theo WB, chính sách tới đây của Chính phủ nên theo hướng như thế nào để có thể hỗ trợ tối đa cho sự trở lại và hồi sinh của khu vực doanh nghiệp Việt Nam?
Tôi nghĩ việc tiêm phòng sớm cho người dân vẫn là ưu tiên hàng đầu để giúp vực dậy khu vực doanh nghiệp. Vaccine sẽ giúp đảm bảo an toàn cho mọi người và cho phép các doanh nghiệp mở cửa trở lại.
Hỗ trợ kinh doanh thông qua các chính sách giúp duy trì dòng tiền và giải quyết sự gián đoạn về logistics và chuỗi giá trị sẽ giúp đảm bảo doanh nghiệp có thể hoạt động.
Cuối cùng, Chính phủ nên nghĩ đến việc hỗ trợ các công ty thích ứng với môi trường mới bằng cách áp dụng các quy trình và công nghệ mới, để đảm bảo rằng các công ty Việt Nam có thể cạnh tranh hiệu quả.