Ngày 30/10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Năm thăm chính thức Trung Quốc theo lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trở thành lãnh đạo cấp cao nước ngoài đầu tiên tới thăm Trung Quốc sau khi nước này sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đây là sự kiện đối ngoại đặc biệt quan trọng đối với cả Việt Nam và Trung Quốc, thể hiện sự coi trọng của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và cá nhân ông Tập Cận Bình đối với vị thế, vai trò quốc tế của Việt Nam và cá nhân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Về phía Việt Nam, chuyến thăm nhằm triển khai tích cực, mạnh mẽ đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng ta, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, tin cậy chính trị giữa hai Đảng Cộng sản, hai Nhà nước và nhân dân hai nước; đồng thời củng cố quan hệ giữa hai đồng chí Tổng Bí thư và lãnh đạo cấp cao hai nước, phấn đấu đưa quan hệ hai nước bước sang giai đoạn phát triển mới, góp phần tích cực vào việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển.
Chuyến thăm nhằm đề cao đường lối đối ngoại, trong đó khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam coi trọng quan hệ với Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại, mong muốn phát triển lâu dài, ổn định, ngày càng hiệu quả, thực chất theo tinh thần nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai đảng, hai nước; đồng thời làm rõ những quan tâm, lập trường đúng đắn, các lợi ích chính đáng của Việt Nam.
Chuyến thăm cũng thể hiện sự ủng hộ đối với những tư tưởng và đường lối phát triển của Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc có lợi cho hòa bình, hợp tác, phát triển; vị trí “hạt nhân lãnh đạo” của Tổng Bí thư Tập Cận Bình được Đảng Cộng sản Trung Quốc xác lập; đồng thời thúc đẩy chính sách của Trung Quốc về hữu nghị, hợp tác với Việt Nam; ủng hộ Việt Nam phát triển, có vị thế quốc tế ngày càng cao, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng…
Chuyến thăm của Tổng Bí thư được đánh giá có ý nghĩa quan trọng trong việc đưa mối quan hệ láng giềng hữu nghị, đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc bước sang một giai đoạn mới.
Những năm qua, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Trung Quốc liên tục tăng trưởng mạnh và vẫn duy trì đà tăng trưởng tốt bất chấp đại dịch Covid-19. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn nhất trong ASEAN và đối tác thương mại lớn thứ 6 trên thế giới của Trung Quốc.
Năm 2021, tổng kim ngạch thương mại Việt Nam-Trung Quốc đạt 165,9 tỷ USD, tăng 24,6% so với năm 2020. Trong 8 tháng đầu năm năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam-Trung đạt 117,4 tỷ USD, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2021.
Về đầu tư, lũy kế tới 20/8/2022, Trung Quốc đứng thứ 6/139 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư FDI vào Việt Nam với gần 3.500 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đạt 22,42 tỷ USD. Riêng 8 tháng của năm 2022, Trung Quốc đứng thứ 4/94 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 143 dự án, tổng vốn đạt 1,4 tỷ USD.
Một điểm sáng trong quan hệ giữa hai nước là hợp tác y tế, đặc biệt là phòng, chống dịch Covid-19. Trung Quốc là một trong những nước cung cấp vaccine nhiều và nhanh nhất cho Việt Nam. Đến cuối năm 2021, Trung Quốc đã viện trợ cho Việt Nam 7,3 triệu liều và cung cấp thương mại khoảng 45 triệu liều vaccine. Một số địa phương Trung Quốc như: Quảng Tây, Vân Nam, Quảng Đông... cũng ủng hộ lượng lớn vật tư y tế cho các địa phương Việt Nam.
Phía Trung Quốc cho biết, nếu Việt Nam có nhu cầu, sẵn sàng ưu tiên đáp ứng tối đa trong khả năng có thể, bao gồm hợp tác về cung ứng và sản xuất vaccine, thuốc điều trị Covid-19, xây dựng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, cơ sở điều trị. Vừa qua, thông qua kênh Đảng, Trung Quốc tặng Việt Nam lô vật tư y tế trị giá 1,5 triệu Nhân dân tệ (khoảng 5,4 tỷ đồng).
Về biên giới lãnh thổ, tình hình biên giới trên đất liền và Vịnh Bắc Bộ cơ bản ổn định. Hợp tác ở Vịnh Bắc Bộ diễn ra khá thường xuyên, như tuần tra liên hợp nghề cá, tuần tra chung hải quân, thả cá giống bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở Vịnh Bắc Bộ... Hai bên tiếp tục triển khai các vòng đàm phán cấp Chính phủ và cấp chuyên viên theo các cơ chế đã thỏa thuận.
Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục duy trì trao đổi, đàm phán ở các cấp về vấn đề trên biển, đạt tiến triển nhất định trong lĩnh vực hợp tác ít nhạy cảm. Hai bên ký Thỏa thuận hợp tác về Dự án nghiên cứu so sánh môi trường địa chất và tai biến địa chất khu vực châu thổ sông Hồng, châu thổ sông Trường Giang; cam kết tiếp tục thúc đẩy, sớm đạt nhất trí đối với Thỏa thuận hợp tác tìm kiếm cứu nạn và Thỏa thuận thiết lập đường dây nóng về các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển Việt Nam - Trung Quốc.
Những thành tựu đạt được trong việc phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện Việt Nam - Trung Quốc thời gian qua thể hiện mong muốn của nhân dân hai nước không ngừng vun đắp tình hữu nghị Việt - Trung, tài sản quý giá của hai dân tộc. Những thành tựu to lớn mà nhân dân hai nước giành được trong đổi mới, cải cách mở cửa cùng những đóng góp hiệu quả của hai nước vào các vấn đề quốc tế và duy trì hòa bình, an ninh ở khu vực.
Chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao của Đảng và Nhà nước ta lần này góp phần củng cố, mở rộng và nâng cao hiệu quả quan hệ giữa hai đảng, làm định hướng cho quan hệ giữa hai nước; tăng cường quan hệ trên các kênh Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc; tạo chuyển biến mới, tích cực trong hợp tác bình đẳng, cùng có lợi về kinh tế, thương mại, đầu tư và các lĩnh vực khác; nâng cao hợp tác quốc phòng-an ninh, tăng cường hợp tác tại các diễn đàn quốc tế; phát triển quan hệ giữa các tổ chức quần chúng, giao lưu nhân dân.
Chuyến thăm cũng củng cố nhận thức chung cấp cao về kiểm soát bất đồng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý thỏa đáng vấn đề trên biển bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982; giữ gìn hòa bình ở Biển Đông, thúc đẩy đàm phán về các vấn đề trên biển trong khuôn khổ song phương và ASEAN; thúc đẩy sự tôn trọng các lợi ích chính đáng, hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982; củng cố đường biên giới trên bộ hòa bình, hữu nghị và hợp tác.