Báo cáo “Cải cách kinh tế nhằm bảo hộ sở hữu trí tuệ hiệu quả trong bối cảnh hội nhập kinh tế và chuyển đổi số ở Việt Nam” được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) công bố ngày 24/3 dưới sự hỗ trợ của Chương trình Aus4Reform chỉ ra rằng Việt Nam đang đứng trước đòi hỏi phải đẩy nhanh việc tìm kiếm mô hình tăng trưởng mới cho nền kinh tế.
NỀN KINH TẾ MẤT DẦN LỢI THẾ CẠNH TRANH
Mặc dù tăng trưởng kinh tế cao và được duy trì liên tục ở mức trung bình 7%/năm giai đoạn 1990-2010, 6,1%/năm giai đoạn 2011-2016 và 7%/năm giai đoạn 2017-2019 nhưng nền kinh tế đang đối mặt với một loạt thách thức.
Đó là đại dịch Covid-19 kéo dài khiến nền kinh tế trì trệ và có khả năng kéo theo suy thoái nếu không có giải pháp sớm phục hồi và phát triển kinh tế (trong các năm 2020 và 2021, tăng trưởng GDP của Việt Nam chỉ đạt 2,91% và 2,58%); mô hình kinh tế dựa trên lao động giá rẻ và tài nguyên thiên nhiên đang mất dần lợi thế cạnh tranh; nguy cơ bị mắc kẹt trong bẫy thu nhập trung bình và nguy cơ già hóa dân số.
“Trong bối cảnh này, định hướng quan trọng là phải thúc đẩy đổi mới sáng tạo gắn với cải thiện năng suất và hiệu quả sử dụng nguồn lực trong nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đang chuyển biến nhanh trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là gắn với chuyển đổi số”, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp (CIEM) nhận định.
Còn theo bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM, việc dựa vào đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ để tạo động lực cho tăng trưởng đòi hỏi phải có những nỗ lực nhằm tăng cường ý thức và hiệu lực bảo vệ sở hữu trí tuệ của cả các cơ quan chính phủ, người dân và doanh nghiệp.
“Đặc biệt, trong bối cảnh CMCN 4.0 đang diễn ra như vũ bão, nhiều nội dung có liên quan đã và đang trở thành nội dung quan trọng trong hợp tác quốc tế, kể cả trong hiệp định thương mại tự do (FTA) mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)”, bà Minh cho biết.
Tuy nhiên, Viện trưởng CIEM cho rằng việc thực hiện hiệu quả các nội dung này lại phụ thuộc đáng kể vào cách tiếp cận của Việt Nam trong việc nội luật hóa các cam kết và trong nâng cao năng lực cho các cơ quan, doanh nghiệp và người dân. Bởi các hiệp định mới bao gồm những quy định chặt chẽ và gắt gao về sở hữu trí tuệ mà Việt Nam phải tuân thủ, yêu cầu Việt Nam phải sửa đổi để phù hợp với các cam kết quốc tế.
XỬ PHẠT HÀNH CHÍNH THẤP, CHƯA ĐỦ SỨC RĂN ĐE
Dẫn câu chuyện thực tiễn từ gạo ST25, bà Nguyễn Thị Hoàng Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo và hỗ trợ, tư vấn (Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng việc hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới thông qua các FTA đã thúc đẩy xu hướng chuyển đổi số diễn ra sâu rộng tại Việt Nam và trên toàn thế giới. Điều đó giúp hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp có những cơ hội nhưng cùng với đó là những thách thức. Trong đó, sở hữu trí tuệ chính là công cụ giúp doanh nghiệp duy trì phát triển bền vững.
Báo cáo được thực hiện nhằm nghiên cứu, cập nhật những quy định về bảo hộ sở hữu trí tuệ ở Việt Nam; rà soát, phân tích các nội dung cam kết trong một số điều ước quốc tế; hoàn thiện các quy định tại Việt Nam về sở hữu trí tuệ nhằm hỗ trợ chuyển đổi số và phân tích các thách thức trong sửa đổi một số quy định về sở hữu trí tuệ...
Báo cáo được CIEM công bố cũng cho thấy thực trạng thi hành Luật Sở hữu trí tuệ phần nào cho thấy sự quan tâm chưa đúng mức của khối doanh nghiệp, các trường đại học và viện nghiên cứu đối với lĩnh vực này. Việc xử lý các tranh chấp phát sinh đối với quyền sở hữu trí tuệ chủ yếu ở hàng nhái, hàng giả về nhãn hiệu hoặc vi phạm kiểu dáng công nghiệp. “Nhưng số tiền xử phạt hành chính cũng tương đối thấp và chưa thực sự đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ”, báo cáo nhận định.
Do vậy, theo bà Trần Thị Hồng Minh, việc sửa đổi, bổ sung pháp luật về sở hữu trí tuệ không chỉ có ý nghĩa đối với hội nhập quốc tế mà còn đối với công cuộc chuyển đổi số của đất nước. Nền kinh tế số đòi hỏi Nhà nước phải có các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt đối với các sản phẩm hàng hóa được mua bán qua kênh thương mại điện tử, các sản phẩm kỹ thuật số khi mà chúng dễ bị sao chép và phát tán trên internet.
“Mặc dù mới hình thành từ năm 2020, các hiệp định hợp tác về kinh tế số đã nhận được rất nhiều sự chú ý từ các quốc gia. Dù chưa tham gia các hiệp định hợp tác về kinh tế số,Việt Nam cũng cần suy nghĩ đến việc sửa Luật Sở hữu trí tuệ theo hướng “đón đầu” xu hướng hợp tác quốc tế này để chủ động có những chuẩn bị cần thiết”, bà Minh lưu ý.
Song song với đó, đại diện CIEM cho rằng Việt Nam cần lưu tâm đến bảo vệ cân bằng lợi ích giữa chủ quyền sở hữu trí tuệ và lợi ích xã hội, tạo lập môi trường cạnh tranh lành mạnh, phù hợp với thực tiễn của một nền kinh tế đang phát triển.
BỐN NHÓM KIẾN NGHỊ CHÍNH SÁCH
Theo đó, Báo cáo đưa ra bốn nhóm kiến nghị chính sách sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ để Việt Nam có thể hội nhập và chuyển đổi số thành công trong thời gian tới.
Thứ nhất, cách tiếp cận đối với việc sửa đổi, bổ sung Luật sở hữu trí tuệ cần hướng tới nội luật hóa sớm hơn và cao hơn so với các cam kết quốc tế để tạo động lực cho doanh nghiệp và thích ứng với môi trường chuyển đổi số.
Thứ hai, cần nâng cao năng lực và ý thức bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân (đặc biệt là ở nước ngoài).
Thứ ba, cần vận dụng cơ chế giải quyết tranh chấp trực tuyến trong việc xử lý dân sự các tranh chấp liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ để giảm chi phí cho doanh nghiệp và cá nhân.
Thứ tư, cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong quản lý sở hữu trí tuệ. Cần tính đến khả năng hợp nhất một số cơ quan quản lý sở hữu trí tuệ, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan.