Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật Tp.HCM (CII) trong tờ trình đại hội cổ đông bất thường lần 2 dự kiến diễn ra vào tháng 10 tới đây cho biết, trong thời gian tới, CII sẽ tiếp tục phát hành 7.000 tỷ đồng trái phiếu.
Theo đó, CII đang làm việc với một số tổ chức tài chính quốc tế được Fitch xếp hạng tín dụng AA để bảo lãnh thanh toán cho các trái phiếu mà CII dự kiến sẽ phát hành với tổng giá trị khoảng gần 2.400 tỷ đồng thời hạn trên 10 năm.
Ngoài ra, CII dự kiến phát hành trái phiếu chuyển đổi cho cổ đông hiện hữu với thời hạn 10 năm tổng giá trị 4.500 tỷ đồng. Trước mắt, CII đang làm việc với Ủy ban Chứng khoán về hồ sơ phát hành trái phiếu chuyển đổi đợt một với giá trị phát hành khoảng 2.840 tỷ đồng.
CII cũng dự kiến triển khai công tác nghiên cứu đầu tư các dự án thu phí đường bộ (BOT) mới với tổng quy mô gần 75.000 tỷ đồng giai đoạn 2024 - 2030.
Cụ thể, dự án có tổng mức đầu tư dự kiến cao nhất là cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 2 với 22.000 tỷ đồng. Tuyến cao tốc này được xây dựng 4 làn xe, CII sở hữu 89%. Khi thực hiện giai đoạn 2, tuyến đường sẽ được mở rộng thêm 4 làn xe, theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Ngoài ra còn có dự án nâng cao năng lực thông hành tại khu vực Tây Bắc TP.HCM (quận 12, Tân Bình, Hóc Môn) với hơn 19.000 tỷ đồng. Theo sau là dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1A đoạn từ nút giao Tân Kiên đến ranh Long An (Bình Chánh) với tổng mức đầu tư gần 12.000 tỷ đồng.
Dự án đầu tư hàng chục nghìn tỷ khác là nâng cao năng lực giao thông dọc tuyến đường Phạm Văn Đồng - Nguyễn Xí - Ung Văn Khiêm - Nguyễn Hữu Cảnh (Bình Thạnh) với hơn 10.100 tỷ đồng.
Hai dự án còn lại có vốn đầu tư khoảng 6.600 tỷ đồng và 5.000 tỷ đồng, đều ở huyện Bình Chánh. Lần lượt là dự án nâng cấp mở rộng đường Nguyễn Hữu Thọ đoạn từ Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức - Long Thành và dự án nâng cấp mở rộng tuyến nối đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương.
Theo CII, điểm chung của 6 dự án BOT kể trên là việc giải quyết ách tắc giao thông một cách tổng thể. Công ty muốn các dự án phải có quy mô đủ lớn và có khả năng kết nối trực tiếp, xuyên suốt với các tuyến cửa ngõ, tuyến liên kết vùng và các đầu mối kinh tế lớn để tránh nguy cơ diễn ra hệ quả di dời điểm kẹt xe từ vị trí này sang vị trí khác.
Trong tương lai, công ty xác định đầu tư hạ tầng giao thông tiếp tục là lĩnh vực ưu tiên với nhiều cơ hội. Chính phủ đang ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống đường bộ cao tốc trong giai đoạn 2023 - 2025. Riêng năm nay, tổng số vốn thực hiện các dự án giao thông đạt hơn 94.000 tỷ đồng, cao gấp đôi so với năm 2021.
Ngoài đẩy mạnh nghiên cứu đầu tư các dự án BOT, CII còn mở rộng nghiên cứu đầu tư sang lĩnh vực y tế. Cụ thể, CII đang nghiên cứu với các bệnh viên tại Tp.HCM để đầu tư hạ tầng dịch vụ trong lĩnh vực khám chữa bệnh như hợp hợp tác xây dựng phòng khám, cơ sở lưu trú y tế đặt tại các khu vực cửa ngõ kết nối Tp.HCM với các tỉnh lân cận, tận dụng các tuyến cao tốc để bệnh nhân ngoại tỉnh có thể thuận tiện di chuyển, đồng thời giảm tải cho những khu vực khám nội thành.
CII cũng đang nghiên cứu phát triển mô hình bất động sản hưu trí kết hợp chăm sóc y tế. Loại sản phẩm này sẽ hướng tới tệp khách hàng trung niên, sắp về hưu, các gia đình có người cao tuổi cũng như Việt kiều và người nước ngoài có mong muốn chọn Việt Nam làm nơi nghỉ hưu an dưỡng điền viên cùng con cháu. Loại hình này sẽ đặt ở những vị trí có khả năng kết nối với các cao tốc đã và đang được hình thành nhằm rút ngắn thời gian di chuyển tới Tp.HCM.