Đề cập đến bài toán nan giải về tìm nguồn, cân đối, bố trí nguồn vốn “khủng” cho hai đại dự án Vành đai 4 – vùng Thủ đô và Vành đai 3 TP.HCM tại tọa đàm “Kết nối giao thông vành đai liên vùng - động lực cho phát triển bứt phá” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, Vụ Phó Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) Dương Bá Đức khẳng định, sức ép hoàn thành tuyến cao tốc trong giai đoạn trung hạn 2021-2025 là rất lớn, vì vậy, nguồn vốn phải tập trung đầy đủ.
HẠ QUYẾT TÂM SỚM HOÀN THÀNH, NHIỀU CƠ CHẾ ĐẶC THÙ HUY ĐỘNG VỐN CHO HAI “ĐẠI” DỰ ÁN
Ông Dương Bá Đức cho hay, Nghị quyết số 29/2021/QH15 của Quốc hội ban hành ngày 28/07/2021 về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 giao tổng vốn lên tới 2,87 triệu tỷ đồng, trong đó, ngân sách Trung ương là 1,5 triệu tỷ đồng, ngân sách địa phương là 1,34 triệu tỷ đồng.
“Ngoài phần phân bổ cho bộ ngành và địa phương, còn có phần để lại chưa sử dụng 10%, vừa rồi tập trung cho 2 tuyến đường này. Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội sử dụng nguồn vốn này theo chủ trương”, ông Đức cho hay.
Đặc biệt, về cơ chế lồng ghép giữa ngân sách Trung ương và địa phương, Vụ Phó Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) cho biết, theo quy định hiện hành tại khoản 9 Điều 9 của Luật Ngân sách quy định rõ, không được dùng ngân sách của cấp này để chi cho nhiệm vụ của cấp khác và không được dùng ngân sách của địa phương này để chi cho nhiệm vụ của địa phương khác.
Tuy nhiên, thực tế, Luật Ngân sách ban hành trong thời gian quá dài, đến nay không còn phù hợp. Vì vậy, Chính phủ đang giao cho Bộ Tài chính xây dựng đề án đổi mới cơ chế phân cấp, mang tính chất ngân sách Trung ương là chủ đạo, còn ngân sách địa phương chủ động và sửa đổi hàng loạt quy định trong Luật Ngân sách.
Vì vậy, theo ông Đức, hiện nay Quốc hội cũng ban hành một số cơ chế đặc thù với các địa phương như Hà Nội có thể sử dụng ngân sách quận này hỗ trợ cho huyện khác còn khó khăn, hoặc Khánh Hoà cũng đang sử dụng cơ chế lấy của cấp trên sử dụng cho cấp dưới.
“Như vậy sẽ chuyển cơ chế cho các địa phương thực hiện quyết định đầu tư, nguồn vốn giao trực tiếp cho các địa phương thực hiện nguyên tắc hoà trộn. Địa phương căn cứ tình hình triển khai dự án, sẽ xây dựng kế hoạch cho từng hạng mục từng năm để triển khai. Từ đó, tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện”, ông Đức cho hay.
“Thậm chí, hiện nay địa phương có kiến nghị giao tăng phần cân đối địa phương. Đây là điều đáng mừng, các địa phương đều có quyết tâm, ý chí chính trị để tăng nguồn vốn chi cho đầu tư”, ông Đức hào hứng chia sẻ.
Bên cạnh đó, trong Điều 59 Luật Ngân sách cũng cho phép tăng thu ngân sách địa phương, ngoài bố trí cải cách tiền lương, an sinh xã hội còn có chi cho đầu tư.
Hiện nay TP.HCM cũng quyết tâm tăng chi 17.000 tỷ đồng vượt khung.
Quốc hội tạo điều kiện cho các địa phương chủ động tăng nguồn ngân sách địa phương.
Điều may mắn là hai tuyến đường này chạy qua hai vùng kinh tế trọng điểm. Trong đó, phần lớn địa phương có điều tiết ngân sách về trung ương, chỉ duy nhất tỉnh Long An nhận trợ cấp ngân sách Trung ương.
Thực tế, số thu ngân sách của 7 địa phương thời gian qua vẽ nên một bức tranh rất sáng, tăng thu toàn diện Trung ương lẫn địa phương năm 2021 và hết tháng 4, cơ bản các địa phương đều đạt và vượt dự toán do nền kinh tế mở cửa. Vì vậy, không đáng lo về khả năng cân đối.
Đối với kiến nghị Chính phủ phát hành trái phiếu cho địa phương vay lại, lãnh đạo Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) cho hay, trong Luật Quản lý nợ vay và nợ công dù không cấm nhưng lại không quy định rõ ràng Chính phủ phát hành cho vay.
Phát hành trái phiếu chính quyền địa phương nếu khả thi thì chỉ có Hà Nội và TPHCM, còn các tỉnh khác hơi khó. Bên cạnh đó, việc này bắt buộc vẫn phải tính trong bội chi ngân sách địa phương.
ĐỊA PHƯƠNG SAN SẺ GÁNH NẶNG TÀI CHÍNH
Về phía địa phương, các tỉnh, thành phố cam kết chung tay, chia sẻ gánh nặng tài chính với ngân sách Trung ương.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM Trần Quang Lâm cho biết, ngay từ khi TP.HCM tiếp nhận dự án từ Bộ Giao thông vận tải để nghiên cứu về các hình thức đầu tư, phương thức PPP hay đầu tư công, bảo đảm tính khả thi và tiến độ hoàn thành dự án cơ bản thông xe vào năm 2025.
“Phương án đầu tư công được các tỉnh, thành phố thống nhất đề xuất Chính phủ đồng thuận báo cáo Quốc hội vào thời gian tới”, ông Lâm cho hay.
Về đầu tư công, hiện nay các tỉnh, thành phố theo cơ chế sẽ tham gia 50% tổng mức đầu tư dự án thành phần của các tỉnh, riêng Long An 25%.
Cụ thể, TP.HCM và Bình Dương tham gia vốn ngân sách địa phương lớn nhất, TP.HCM là 24.000 tỷ, Bình Dương 9.600 tỷ, Đồng Nai khoảng 2.000 tỷ, Long An khoảng 1.000 tỷ.
“TP.HCM và các tỉnh, thành phố hiện đã rà soát lại đầu tư công trung hạn, các nguồn dự kiến và báo cáo Hội đồng nhân dân thảo luận và có nghị quyết, cam kết với Chính phủ, Quốc hội sẽ bảo đảm việc bố trí nguồn lực ngân sách địa phương tham gia dự án với tỷ lệ cơ cấu, nguồn vốn như vậy trong giai đoạn 2025 và giai đoạn 2026-2030. Trong đó, giai đoạn 2025 chiếm 81%, phần còn lại 19% chuyển sang giai đoạn 2026-2030”, ông Lâm thông tin.
"Trong giai đoạn 2021-2025, các tỉnh, thành phố sẽ rà soát lại đầu tư công trung hạn, bảo đảm đầu tư có trọng tâm trọng điểm, theo đó, ưu tiên cho Vành đai 3. Đồng thời, rà soát để tăng thu từ nguồn đấu giá quỹ đất cũng như nguồn vốn hợp pháp khác. Tiếp theo là vay lại Chính phủ từ trái phiếu như Bộ Tài chính nêu", ông Lâm nêu rõ.
Trên cơ sở nguồn lực như vậy, sự quyết tâm của các địa phương thể hiện rõ nhất qua Nghị quyết của HĐND các tỉnh, thành phố ban hành, báo cáo Chính phủ và Quốc hội.
Tuy nhiên, “khi có nguồn lực nhưng giải ngân vẫn là vấn đề rất lớn”, ông Lâm lo lắng.
Vì vậy, trong quá trình trình thẩm định dự án, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định xem xét, yêu cầu làm rõ vấn đề này.
Đồng thời, TP.HCM, Bộ Giao thông vận tải và các tỉnh, thành phố, các bộ ngành nghiên cứu và đề xuất linh hoạt với ngân sách Trung ương và địa phương để bảo đảm điều phối nguồn vốn, đạt mục tiêu cao nhất là cơ cấu nguồn vốn vẫn giữ nguyên nhưng làm sao, tranh thủ nguồn lực của địa phương và Trung ương, đáp ứng được giải ngân theo như tiến độ trong dự án trình Quốc hội..
Khác với đề xuất xây tuyến đường Vành đai 3 TP.HCM bằng việc sử dụng 100% nguồn vốn đầu tư công, về phía dự án xây dựng Vành đai 4 - vùng Thủ đô, để đảm bảo cân đối nguồn lực thực hiện trong giai đoạn này, dự án được đề xuất thực hiện theo hình thức đầu tư công kết hợp với đầu tư PPP để giảm áp lực cho ngân sách nhà nước.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn đánh giá, đây là mô hình đầu tư hết sức linh hoạt và có tính tương hỗ giữa nguồn ngân sách Trung ương, địa phương và nguồn vốn xã hội rất hiệu quả và hợp lý. Lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân.
Để triển khai dự án quan trọng quốc gia của khu vực Vùng Thủ đô, hiện nay tổng mức đầu tư của dự án rất lớn lên đến 85.813 tỷ đồng, chia thành 3 nhóm dự án thành phần độc lập, tương hỗ trong một dự án tổng thể.
Trong đó, nhóm dự án thành phần 1, giải phóng mặt bằng ứng với 3 địa phương 3 dự án, có tổng mức đầu tư 19.590 tỷ đồng, mang tính chất then chốt, quyết định. Trong đó, Hà Nội chiếm lớn nhất, khoảng 13.370 tỷ đồng, Hưng Yên 3.740 tỷ đồng, Bắc Ninh khoảng 2.480 tỷ đồng. Kiến nghị sử dụng vốn ngân sách Trung ương và địa phương.
Nhóm dự án thành phần 2, dự án đường đô thị song hành dưới thấp cho 3 địa phương 3 dự án có tổng mức đầu tư 9.634 tỷ đồng. Kiến nghị sử dụng toàn bộ ngân sách địa phương, trong đó, Hà Nội bỏ ra 5.395 tỷ đồng, Hưng Yên bỏ ra 1.509 tỷ đồng và Bắc Ninh bỏ ra 2.730 tỷ đồng.
Dự án thành phần 3, dự án xã hội hóa theo mô hình đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT do nhà đầu tư đảm nhận, chủ yếu tập trung đầu tư xây dựng và khai thác sử dụng, vận hành theo quy trình, quy định. Trị giá dự án thành phần 3 là 56.589 tỷ đồng. Đề xuất ngân sách nhà nước hỗ trợ 27.179 tỷ đồng thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2030 và ngân sách địa phương; phần còn lại sẽ do nhà đầu tư huy động.
Vốn đầu tư nhóm 1, 2 được ngân sách Trung ương và địa phương đảm nhận còn nhóm dự án 3 được nhà đầu tư BOT đảm nhận với tổng mức đầu tư là 29.410 tỷ đồng, quy mô rất lớn.
“Dự án thành phần 3 được đặt trong tổng thể, chứ không phải có tính chất độc lập tuyệt đối mà được nhận sự hỗ trợ của hai dự án thuộc nhóm 1, 2 thuộc trách nhiệm ngân sách Trung ương và địa phương. Đây chính là mô hình đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân, tạo động lực thúc đẩy cho nhà đầu tư PPP. Với tổng mức đầu tư vô cùng lớn, điều này đòi hỏi tương hỗ giữa hai khu vực vô cùng quan trọng”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Cũng theo lãnh đạo UBND TP. Hà Nội, bên cạnh linh hoạt giữa ngân sách Trung ương và địa phương, còn linh hoạt giữa các địa phương với nhau.
TP. Hà Nội là hạt nhân trong vùng, nhận nhiệm vụ giải phóng mặt bằng toàn diện trong địa bàn, thậm chí còn phải ưu tiên ngân sách trung ương cho giải phóng mặt bằng với các dự án nhóm 1 cho các tỉnh, thành phố khác như Hưng Yên, đảm bảo tính chia sẻ.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều mối lo rằng Hà Nội thực hiện đầu tư Vành đai 4 theo mô hình đầu tư công kết hợp PPP sẽ gặp khó do việc triển khai cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, ngay cả giai đoạn 2 cho thấy khả năng bảo đảm tính khả thi của BOT rất khó khăn. Trên thực tế, rất nhiều dự án PPP-BOT phải chuyển đổi sang đầu tư công đáp ứng với từng thời kỳ khôi phục, phát triển của nền kinh tế.
Tuy nhiên, lãnh đạo TP. Hà Nội khẳng định, được sự hỗ trợ của Chính phủ, thành phố sẽ quyết tâm triển khai dự án này theo hình thức PPP.
"Khả năng thu hồi vốn dự án Vành đai 4 - vùng Thủ chỉ trong vòng khoảng 21 năm. Điều này rất khả thi với khả năng thu phí công nghệ mới là thu phí không dừng, thu phí kín, thu phí trên km.
Mặc dù chủ trương đang trong quá trình hoàn chỉnh theo quy trình, quy định nhưng nhận được những sự quan tâm của các nhà đầu tư lớn", ông Tuấn cho hay.
Ông Tuấn cho biết thêm, bên cạnh đó, Luật PPP có điều khoản về chia sẻ doanh thu, thông qua đó, Nhà nước đồng hành với nhà đầu tư trong việc khai thác, sử dụng trong tương lai, chia sẻ rủi ro và nhận được giá trị, giúp nhà đầu tư yên tâm.
Theo đó, sẽ chỉ định thầu cho những thành phần đầu tư công nhưng riêng dự án thành phần 3 sử dụng vốn xã hội hóa sẽ triển khai đấu thầu.
Chỉ bằng cách này mới chọn được nhà đầu tư mang tầm chiến lược.
"Quan điểm của TP. Hà Nội thông qua việc xác định nhà đầu tư PPP cho dự án này, cũng tìm những nhà đầu tư mang tầm chiến lược về sau hỗ trợ cho thành phố phát triển các đô thị nông thôn ở khu vực tạo được từ Vành đai 4 - vùng Thủ đô", Lãnh đạo TP. Hà Nội chia sẻ. Với những giải pháp này sẽ thu hút được nguồn vốn xã hội đầu tư cho dự án trọng điểm quốc gia này theo nhiệm vụ Chính phủ giao.
Từ tháng 7/2011, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1278/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch chi tiết đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô, yêu cầu được đặt ra là hoàn thành đầu tư thông tuyến trước năm 2020. Tuy nhiên, dự án nằm trên giấy suốt hơn 10 năm trời do khả năng huy động nguồn lực của các địa phương khó khăn, trong khi tổng mức đầu tư các dự án lớn, nguồn lực từ khai thác quỹ đất ngày càng khó khăn.
Theo đề xuất mới nhất, dự án đường Vành đai 4 – vùng Thủ đô có chiều dài 112,8 km, gồm 103,1 km đường Vành đai 4 và 9,7 km tuyến nối cao tốc theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long, đi qua địa bàn đi qua địa phận 3 tỉnh, TP là Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh. Cụ thể, dự án có 58,2km đi qua TP. Hà Nội, 19,3km đi qua tỉnh Hưng Yên, 25,6km đường vành đai 4 và tuyến nối 9,7km đi qua tỉnh Bắc Ninh. Nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 1.341ha.
Theo phương án Chính phủ vừa trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư, tổng mức đầu tư dự án giảm còn 85.813 tỷ đồng, nhờ việc tính lại các chi phí, loại bỏ các hạng mục không cần thiết sẽ vừa giúp tăng tính khả thi trong phương án tài chính, vừa giảm áp lực huy động vốn cho đơn vị được giao triển khai đầu tư.
Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM cũng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2011. Đây là dự án trong điểm quốc gia giúp phát triển kinh tế, xã hội TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tuy nhiên, toàn dự án trong trạng thái nằm “bất động” suốt hơn 10 năm do chưa bố trí được nguồn vốn, chỉ có đoạn Tân Vạn – Bình Chuẩn (một phần đường Mỹ Phước – Tân Vạn, Bình Dương) dài 16km đã được đưa vào khai thác.
Theo tờ trình gửi Quốc hội về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, tổng chiều dài tuyến đường Vành đai 3 TP.HCM là 76,34km đi qua 4 địa phương, trong đó, TP.HCM 47,51km, Đồng Nai 11,26km, Bình Dương 10,76km, Long An 6,81km. Nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 642,7ha.
Dự án được đề xuất đầu tư theo hình thức đầu tư công, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 75.378 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. Vành đai 3 TP.HCM được đề xuất phân chia dự án thành 8 dự án thành phần và do các địa phương quyết định đầu tư, tổ chức thực hiện. UBND TP.HCM chịu trách nhiệm là cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện dự án bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ toàn dự án.