May 19, 2025 | 09:02 GMT+7

Cơ hội bứt phá để xây dựng thành phố thông minh

Ngô Huyền -

Đô thị thông minh (Smart City) đang trở thành xu hướng quy hoạch đô thị tất yếu mà mọi quốc gia đều đang hướng đến. Việt Nam cũng không ngoại lệ. Sau nhiều năm định hình từ các chiến lược và đề án, sắp tới đây nguồn vốn hàng tỷ USD sẽ được rót vào những thành phố “đầu tàu” nhằm tái cấu trúc không gian sống và vận hành lại đô thị dựa trên công nghệ dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo và kết nối số. 

Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ đô thị hóa cao nhất Đông Nam Á, với tỷ lệ dân số đô thị dự kiến đạt khoảng 45% vào năm 2030. Tuy nhiên, hạ tầng đô thị ở nhiều nơi còn manh mún, thiếu đồng bộ và quá tải, đang tạo áp lực ngày càng lớn lên hạ tầng, giao thông, môi trường và dịch vụ công tại nhiều tỉnh, thành phố của Việt Nam. 

Tháng 8/2018, Đề án phát triển Đô thị thông minh bền vững giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến 2030 được phê duyệt, đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ hoàn thành giai đoạn thí điểm và từng bước nhân rộng mô hình đô thị thông minh trên toàn quốc. 

THỜI ĐIỂM ĐỂ “LẬP TRÌNH” LẠI ĐÔ THỊ BẰNG CÔNG NGHỆ 

Đến nay, theo đánh giá của giới chuyên gia, Việt Nam đã đi qua giai đoạn đầu – giai đoạn nghiên cứu, định hình. Cùng với đó, hành lang pháp lý đang từng bước được mở rộng, tạo nền tảng cho giai đoạn thực thi cùng với tình hình thực tế tại các đô thị. 

Ông Trần Đình Tùng, Chủ tịch Hiệp hội Kỹ sư xây dựng Việt Nam
Ông Trần Đình Tùng, Chủ tịch Hiệp hội Kỹ sư xây dựng Việt Nam

Trao đổi với Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy, ông Trần Đình Tùng, Chủ tịch Hiệp hội Kỹ sư xây dựng Việt Nam, nhận định giai đoạn 2025–2030 sẽ là thời điểm mang tính đột phá trong quá trình triển khai đô thị thông minh tại Việt Nam. Theo ông, cú hích chính sách từ Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân và Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số Quốc gia đang kích hoạt hai động lực then chốt: dòng vốn từ khu vực tư nhân và hạ tầng công nghệ số. Kinh tế tư nhân với vai trò là động lực phát triển hàng đầu sẽ được tạo điều kiện thuận lợi hơn bao giờ hết để tham gia vào quá trình kiến tạo các thành phố thông minh. 

Song song đó, quá trình tinh gọn bộ máy hành chính, sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp tỉnh cũng đang mở ra không gian thể chế linh hoạt, giảm tầng nấc trung gian và giúp các địa phương chủ động hơn trong thực thi. Đặc biệt, việc mở rộng, liên thông và minh bạch hóa cơ sở dữ liệu dùng chung sẽ là tiền đề quan trọng cho quá trình số hóa toàn diện trong quản lý các đô thị. 

Liên quan đến công nghệ lõi tại các thành phố thông minh, trên thế giới hiện có nhiều quốc gia xây dựng thành công các mô hình thành phố thông minh. Việt Nam dù là quốc gia đi sau nhưng có những cơ hội để học hỏi những công nghệ hàng đầu và cả những bài học từ các nước đi đầu về mô hình thành phố thông minh như Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Trong đó, Hàn Quốc, nhà đầu tư FDI lớn nhất tại Việt Nam, là đối tác chiến lược mà Việt Nam có nhiều tiềm năng hợp tác để hình thành nên những đô thị thông minh. 

 

5 địa phương gồm Hà Nội, TP.HCM, Quảng Ninh, Hải Phòng và Đà Nẵng đang được xem là những “đầu tàu” tiềm năng để tiên phong triển khai mô hình đô thị thông minh giai đoạn 2025–2030. Theo ước tính, mỗi mô hình đô thị thông minh sẽ cần nguồn vốn đầu tư khoảng 200 triệu USD để triển khai toàn diện. Như vậy, chỉ tính riêng cho 5 đô thị tiên phong, Việt Nam sẽ cần huy động tối thiểu khoảng 1 tỷ USD trong giai đoạn đầu.

Đáng chú ý, cuối năm 2024, Hàn Quốc và Việt Nam đã khánh thành Trung tâm Nghiên cứu và Đầu tư đô thị thông minh Việt – Hàn (VKC), đánh dấu một bước tiến quan trọng trong hợp tác công nghệ, chính sách và chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình chuyển đổi đô thị theo hướng thông minh, hiện đại và bền vững của Việt Nam. 

Trong bức tranh phát triển đô thị tương lai của châu Á, Sejong - thành phố cách Thủ đô Seoul (Hàn Quốc) 120km về phía Nam - được xem là hình mẫu tiêu biểu cho tư duy quy hoạch đô thị tương lai. Với hệ thống giao thông thuận tiện, cấu trúc đô thị được thiết kế bài bản và định hướng phát triển theo mô hình “khu vườn đô thị”, Sejong là nơi giao thoa hài hòa giữa công nghệ, sinh thái và con người.

Sejong sử dụng AI như “bộ não vận hành” để dự đoán nhu cầu giao thông theo thời gian thực. Nhờ đó, thời gian di chuyển tại một số khu vực giảm tới 30%, con số không nhỏ trong bối cảnh đô thị hóa ngày càng áp lực. 

Cùng với đó, hệ thống IoT được tích hợp trong hạ tầng kỹ thuật của Sejong để giám sát, điều phối việc sử dụng điện, nước, góp phần tiết kiệm tài nguyên và tối ưu hiệu quả vận hành. Không chỉ riêng Sejong, những ứng dụng công nghệ tương tự cũng đang được nhân rộng tại nhiều thành phố Hàn Quốc. Tại Busan, một trong những đô thị công nghiệp lớn của Hàn Quốc, hệ thống IoT giám sát chất lượng không khí đã và đang giúp thành phố giảm khoảng 15% mức độ ô nhiễm chỉ sau một thời gian ngắn triển khai. 

Một yếu tố khác cũng đang tạo lực đẩy cho Việt Nam hình thành những đô thị thông minh là Nghị quyết 68 tạo thêm điều kiện cho dòng vốn FDI, đưa Việt Nam trở thành thị trường hấp dẫn với nhà đầu tư quốc tế, trong đó có lĩnh vực đô thị thông minh. “Chúng ta đang có cơ hội đứng trên vai những “đại bàng” để tạo bứt phá trong tương lai gần, đặc biệt khi các dự án Smart City đòi hỏi nguồn vốn cực lớn để đầu tư vào hạ tầng, công nghệ và vận hành đô thị hiện đại”, ông Tùng nhấn mạnh.

Theo ông Tùng, đô thị thông minh không chỉ là mô hình quản trị hiện đại mà còn mở ra một hình thái phát triển mới cho ngành bất động sản Việt Nam. Sự xuất hiện của mô hình này sẽ kéo theo hàng loạt ngành nghề phụ trợ, kích thích đổi mới trong xây dựng – hạ tầng – dịch vụ công nghệ, từ đó tạo động lực tăng trưởng cho ngành bất động sản, góp phần hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số cho Việt Nam trong những năm tới.

CẦN ÍT NHẤT 1 TỶ USD ĐỂ XÂY DỰNG SMART CITY 

Hiện tại, 5 địa phương gồm Hà Nội, TP.HCM, Quảng Ninh, Hải Phòng và Đà Nẵng đang được xem là những “đầu tàu” tiềm năng để tiên phong triển khai mô hình đô thị thông minh giai đoạn 2025–2030. Theo ước tính của giới chuyên gia, mỗi mô hình đô thị thông minh sẽ cần nguồn vốn đầu tư khoảng 200 triệu USD để triển khai toàn diện. Như vậy, chỉ tính riêng cho 5 đô thị tiên phong, Việt Nam sẽ cần huy động tối thiểu khoảng 1 tỷ USD trong giai đoạn đầu.

Ông Vincent Phạm, Chủ tịch IOTA Capital
Ông Vincent Phạm, Chủ tịch IOTA Capital

Ông Vincent Phạm, Chủ tịch IOTA Capital, nhận định đối với nguồn lực tài chính, Việt Nam chủ yếu sẽ cần huy động từ các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó nổi bật là nhóm FDI đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore – những quốc gia có thế mạnh về công nghệ, hạ tầng và kinh nghiệm triển khai các dự án đô thị quy mô lớn. 

Các nhà đầu tư châu Âu như Đức, Hà Lan và Pháp cũng đặc biệt quan tâm những dự án đô thị thông minh đáp ứng các tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội và quản trị). Ngoài ra, Việt Nam có thể kêu gọi dòng vốn đến từ Trung Đông, hiện đang tích cực dịch chuyển vào các thị trường mới nổi, như Việt Nam. 

Bà Phạm Thị Thúy An, Trưởng ban tổ chức Hội nghị Cicon 2025
Bà Phạm Thị Thúy An, Trưởng ban tổ chức Hội nghị Cicon 2025

Trước đây, Việt Nam chủ yếu đi sau để học hỏi các mô hình đô thị từ các nước khác. Tuy nhiên, bà Phạm Thị Thúy An, Trưởng ban tổ chức Hội nghị Cicon 2025, cho rằng trong giai đoạn hiện tại, Việt Nam cần có chiến lược đón đầu. Trong bối cảnh thị trường đô thị thông minh toàn cầu mới chỉ có một vài quốc gia nổi bật, Việt Nam có thể hình thành những đô thị thông minh mang bản sắc Việt, ứng dụng toàn diện nhiều công nghệ tiên tiến như IoT, AI, Blockchain, vừa đáp ứng nhu cầu bản địa hóa, phù hợp với đặc thù kinh tế - xã hội trong nước.

Theo định hướng này, Việt Nam không lựa chọn một nhà đầu tư hay công nghệ duy nhất, mà đóng vai trò “chủ nhà”, thiết kế một sân chơi mở cho nhiều bên cùng tham gia. Mô hình này vừa tạo điều kiện cho việc chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp nước ngoài, vừa là cơ hội để đội ngũ nhân lực trong nước tiếp cận và làm chủ các công nghệ cốt lõi của một mô hình thành phố thông minh… 

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 20-2025, phát hành ngày 19/05/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:  

https://postenp.phaha.vn/tap-chi-kinh-te-viet-nam/detail/1384

Cơ hội bứt phá để xây dựng thành phố thông minh - Ảnh 1
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate