VnEconomy giới thiệu nhận định và khuyến nghị đầu tư của một số công ty chứng khoán về diễn biến thị trường ngày 24/8/2021.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 23/8, chỉ số VnIndex giảm 30,57 điểm – tương đương 2,30%, xuống 1.298,86 điểm. Chỉ số HNX-Index giảm 3,22 điểm – tương đương 0,95%, đóng cửa ở mức 344,84 điểm.
VN-Index có thể trở về vùng 1280-1300 điểm trong ngắn hạn
(Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BSC)
"Đà điều chỉnh tiếp tục khiến VN-Index mất ngưỡng hỗ trợ 1320 điểm. Dòng tiền đầu tư thoát khỏi thị trường khi 17/19 nhóm ngành đều giảm điểm. Dòng tiền co cụm vào các nhóm ngành ít chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 như Chứng khoán và Y tế.
Độ rộng thị trường duy trì trạng thái tiêu cực với thanh khoản thị trường trở về mức bình thường, cho thấy hoạt động bán tháo đang dần suy giảm Trong khi đó, khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh trên sàn HSX và mua ròng tại HNX. Với phiên điều chỉnh hôm nay, thị trường có thể trở về vùng 1280-1300 điểm trong ngắn hạn".
Dư địa giảm là vẫn còn
(Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội - SHS)
"VN-Index (-2,3%) có phiên giảm mạnh thứ hai liên tiếp và thanh khoản trong phiên hôm nay tuy có suy giảm so với phiên giảm mạnh cuối tuần trước nhưng vẫn cao hơn mức trung bình 20 phiên cho thấy áp lực bán ra trong phiên hôm nay là khá mạnh.
Bên cạnh đó, khối ngoại duy trì đà bán ròng với khoảng 400 tỷ đồng trên hai sàn khiến cho diễn biến giao dịch càng trở nên tiêu cực hơn.
Trên góc nhìn kỹ thuật, VN-Index vẫn đang nằm trong sóng điều chỉnh c và dư địa giảm hiện tại là vẫn còn. Do đó, trong phiên giao dịch tiếp theo, VN-Index có thể tiếp tục giảm điểm với vùng hỗ trợ gần nhất trong khoảng 1.200-1.250 điểm (trendline nối các đáy từ 2020 đến nay).
Nhà đầu tư đã chốt lời danh mục ngắn hạn trước đó có thể canh những nhịp điều chỉnh về vùng hỗ trợ trong khoảng 1.200-1.250 điểm để giải ngân trở lại. Những nhà đầu tư vẫn đang có tỷ trọng cổ phiếu lớn không nên bán tháo trong những phiên giảm mà nên đợi những phiên hồi kỹ thuật để giảm tỷ trọng".
Đà giảm chưa dừng, nhưng kỳ vọng đà giảm của VN-Index sẽ chững lại
(Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt – VDSC)
"VN-Index tiếp tục đánh mất mức 1.300 điểm. Mặc dù đà giảm chưa có tín hiệu dừng lại nhưng có thể kỳ vọng giảm của chỉ số sẽ chững lại và đảo chiều hồi phục trong phiên giao dịch tiếp theo. Do vậy, Quý nhà đầu tư có thể kỳ vọng nhịp hồi phục của thị trường để cơ cấu và cân đối lại danh mục".
VN-Index có thể giảm về mức hỗ trợ 1.285 điểm
(Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam – YSVN)
“Chúng tôi cho rằng chỉ số VN-Index có thể sẽ giảm về mức hỗ trợ 1,285 điểm trong phiên kế tiếp và có thể sẽ xuất hiện nhịp hồi phục về cuối phiên khi nhiều cổ phiếu đang rơi vào vùng quá bán ngắn hạn.
Đồng thời, dòng tiền có thể sẽ tiếp tục phân hóa trong những phiên giao dịch tới, đặc biệt nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ đang thu hút dòng tiền tích cực hơn cho thấy dòng tiền chưa hoàn toàn rút khỏi thị trường và tìm đến các nhóm cổ phiếu có mức tăng trưởng mạnh như nhóm dịch vụ tài chính, hóa chất và công nghệ. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục giảm mạnh cho thấy nhà đầu tư ngắn hạn đang thận trọng hơn với xu hướng hiện tại.
Xu hướng ngắn hạn của thị trường bị hạ từ mức trung tính xuống giảm. Do đó, chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn tiếp tục cơ cấu danh mục và giảm tỷ trọng cổ phiếu về mức 45 – 50% danh mục. Đồng thời, các nhà đầu tư ngắn hạn chưa nên xem xét mua mới và không nên bắt đáy”.
Cơ hội để tích luỹ cổ phiếu đầu tư
(Công ty Cổ phần Chứng khoán MB - MBS)
“Thị trường chứng khoán trong nước tiếp tục có phiên giảm mạnh bất chấp dòng tiền vẫn tham gia bắt đáy mạnh mẽ. Áp lực chốt lời vẫn là nguyên nhân chính, bên cạnh đó việc mất trụ cũng là nhân tố khiến đà giảm của thị trường trở nên mạnh hơn. Đóng cửa, chỉ số VN-Index giảm 30,57 điểm xuống 1.298,86 điểm, trong đó chỉ số VN30 giảm 38,45 điểm còn 1.412 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng về bên bán, toàn thị trường có 101 mã tăng/282 mã giảm, ở rổ VN30 có 3 mã tăng, 26 mã giảm và 1 mã giữ tham chiếu.
Thanh khoản thị trường tiếp tục giữ ở mức cao với giá trị khớp lệnh đạt hơn 24.775 tỷ đồng. Giao dịch khối ngoại diễn ra không mấy tích cực khi họ tiếp tục bán ròng trên cả 3 sàn với tổng giá trị hơn 340 tỷ đồng.
Thêm 1 phiên giảm sâu là kịch bản không khó đoán khi tâm lý lo lắng về covid đang bao trùm, mức giảm phiên hôm nay khá mạnh và gần tương đương với phiên giảm sâu nhất cuối tuần vừa qua. Về dao động, thị trường trong nước đang biến động mạnh hơn so với thị trường quốc tế, hôm nay chỉ số VNIndex đứng đầu toàn cầu về mức sụt giảm theo ngày.
Ngoài chỉ số, yếu tố thanh khoản cũng là điểm đáng chú ý trong 2 phiên vừa qua, nếu mức thanh khoản bình quân kể từ đầu tháng 8 xoay quanh 20.000 tỷ đồng thì với mức giảm 5,2% trong 2 phiên vừa qua, thanh khoản khớp lệnh bình quân lên tới hơn 30.000 tỷ đồng.
Như vậy, đã có 1 lượng cổ phiếu lớn được trao tay, trong đó 1 phần là lượng cổ phiếu cũ và 1 phần là lượng hàng bắt đáy mới. Với thanh khoản bình quân trước 2 phiên giảm vừa qua thì lượng margin trên thị trường là không đáng ngại do thị trường chủ yếu đi ngang. Do vậy, nhịp giảm này là cơ hội để tích lũy cố phiếu cho chiến lược đầu tư từ 3 đến 6 tháng tới khi dòng tiền đứng ngoài đã giải ngân 2 phiên liên tiếp”.
Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được VnEconomy trích dẫn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.